Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Cuộc thi lập trình Đông Á EAS Hackathon về ngăn chặn rác thải nhựa trên biển bằng ứng dụng công nghệ

Cuộc thi lập trình Đông Á East Asia Summit Hackathon (EAS Hackathon) với chủ đề về ngăn chặn rác thải nhựa trên biển “Combatting Marine Plastic) đã diễn ra từ ngày 13 đến 16-12-2022 tại thủ đô Jakarta (Indonesia). Cuộc thi do ba nước Úc, Ấn Độ và Singapore đồng tổ chức với các đội tham gia đến từ 13 quốc gia gồm Úc, Brunei, Cambodia, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.  Xuyên suốt cuộc thi, các đội tham gia đều nhận được sự cố vấn trực tiếp từ các chuyên gia. Lễ trao giải diễn ra ngày 16-12-2022.

Cuộc thi EAS Hackathon 2022 được tổ chức bởi Quỹ Châu Á (TAF), Quỹ ASEAN và Tổ chức Khoa học và Nghiên cứu công nghiệp Khối Thịnh vượng chung của Úc (CSIRO) với sự hỗ trợ từ các chuyên gia của Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore và Trung tâm Quốc gia về dịch vụ thông tin đại dương và nghiên cứu bờ biển của Ấn Độ.

Lễ trao giải có sự tham dự của các đại sứ nhiều nước Đông Á, các quan chức cấp cao của Ban Thư ký Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các tổ chức dân sự và đại diện trong các lĩnh vực.

Đội Việt Nam tại cuộc thi.

Cuộc thi là sự nối tiếp thành công của hội thảo cấp cao Đông Á (EAS) về rác thải nhựa trên biển diễn ra vào ngày 14 và 15-2-2022.

Các bạn trẻ tham gia vào cuộc thi đã cùng nhau tranh tài tạo ra các ứng dụng kỹ thuật số đầy sáng tạo để kiểm soát lượng rác thải biển chính xác hơn tại các điểm nóng và khuyến khích các doanh nghiệp giảm thiểu sử dụng nhựa và tái chế chúng. 

Ô nhiễm rác thải nhựa trên biển đang là vấn đề môi trường nghiêm trọng. Rác thải nhựa chiếm 80% trong ô nhiễm biển, và có khoảng 8 đến 14 triệu tấn nhựa thải ra đại dương mỗi năm. Có khoảng 50 đến 75 nghìn tỷ mảnh nhựa và hạt vi nhựa trong đại dương, và dự báo số lượng này sẽ cao hơn cả lượng sinh vật biển vào năm 2050. Vấn đề này có tác động tàn phá đến không chỉ môi trường biển và hệ sinh thái mà còn là an ninh lương thực và sức khỏe con người.

Nhiều nỗ lực đang được thực hiện để ngăn chặn vấn nạn rác thải nhựa trên biển này, như áp dụng lệnh cấm tiêu thụ nhựa sử dụng 1 lần, thành lập ngân hàng xử lý chất thải, và khuyến khích tái chế chất thải nhựa. Các ứng dụng trong cuộc thi được mong đợi sẽ đóng góp vào các nỗ lực hiện tại để giải quyết thách thức chung này. 

Trong bài phát biểu của mình, ông Will Nankervis, Đại sứ Úc tại ASEAN, cho biết: “Vấn đề rác thải nhựa trên biển sẽ không được giải quyết mà không có sự nỗ lực bền vững chung tay của các bạn trẻ.”

Ông Jayant Khobragade, Đại sứ Ấn Độ tại ASEAN, chia sẻ: “Để giải quyết vấn đề này, nhận thức và sự tham gia của chính phủ, khu vực tư nhân và xã hội là yếu tố then chốt.”

Ông Borg Tsien Tham, Đại biện lâm thời Phái đoàn Đại diện thường trực Singapore tại ASEAN, nhấn mạnh rằng: “Cuộc thi lập trình như thế này mang đến một không gian an toàn nhưng cũng hết sức thú vị cho các bạn trẻ thỏa sức với các ý tưởng mới đầy sáng tạo.”

Qua quá trình đánh giá của hội đồng giám khảo là các chuyên gia công nghệ, chuyên gia về vấn đề rác thải nhựa trên biển và các doanh nhân, đội đến từ Cambodia gồm 2 bạn trẻ Chanrithisak Phok và Bunnet Phoung đã giành được Giải Nhất. Họ đã tạo ra ứng dụng dựa trên lòng trung thành của khách hàng để từ đó giúp giảm sử dụng nhựa. Ứng dụng được kết nối với nhiều nhà bán hàng từ thực phẩm cho đến nhu yếu phẩm hàng ngày. Khách hàng mua hàng không sử dụng đồ nhựa từ các nhà bán hàng trên ứng dụng sẽ nhận được phần thưởng thông qua ứng dụng khi quét mã QR.

Chanrithisak Phok và Bunnet Phoung thuộc đội thắng cuộc cho biết: “Chúng tôi vinh dự là người thắng cuộc trong cuộc thi và có cơ hội trình bày ý tưởng của mình cho các nhà đầu tư cũng như các bên liên quan. Hy vọng rằng chương trình ươm tạo tài năng của CSIRO và mạng lưới mà chúng tôi thiết lập được trong quá trình dự thi sẽ giúp phát triển ứng dụng này và tạo nên sức ảnh hưởng đến xã hội và môi trường.” 

Phok chia sẻ thêm rằng ý tưởng của họ được lấy cảm hứng từ các dữ liệu mà họ tìm thấy, một trong số đó là việc kinh doanh dịch vụ ăn uống chiếm đến 31% nguyên nhân gây ô nhiễm rác thải nhựa trên biển.

Đội thắng cuộc không chỉ có cơ hội trình bày ý tưởng của mình ở quy mô khu vực Đông Á mà còn nhận được phần thưởng tiền mặt trị giá 7.000 USD, và được tham gia chương trình ươm mầm tài năng tại Trung tâm Đổi mới Nhựa (Plastic Innovation Hub) của CSIRO.

Ba đội đoạt giải tại cuộc thi.

Giải Nhất: Đội Cambodia (Bunnet Phoung và Chanrithisak Phok). Giải thưởng tiền mặt 7.000 USD.

Giải Nhì: Đội Hàn Quốc (Gu Hong Min và To Hong Min). Giải thưởng tiền mặt 2.000 USD.

Giải Ba: Đội Malaysia (Hon Jia Da và Oscar Ling Fang Jack). Giải thưởng tiền mặt 1.000 USD.

Tiến sĩ Yang Mee Eng, Giám đốc điều hành Quỹ ASEAN, cho biết: “Sự tham gia của các bạn trẻ là rất quan trọng trong nâng cao nhận thức về vấn đề rác thải nhựa trên biển. Chúng tôi tin rằng sức mạnh của giới trẻ sẽ là một phần của giải pháp. Khi xem qua các bài dự thi, tôi nhận thấy các ý tưởng và đổi mới mang tính đột phá, rất có tiềm năng trong giải quyết vấn đề môi trường này. Chúng tôi hy vọng rằng cuộc thi sẽ mở ra các hướng nghiên cứu, đổi mới và thay đổi nhận thức chung của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.” 

Xin mời xem video vòng chung kết và lễ trao giải cuộc thi EAS Hackathon 2022.

.

A.N.V.

Nguồn do Quỹ ASEAN cung cấp.