Dùng AI để kiềm chế ChatGPT
Từ cách đây không lâu, giới chuyên môn vẫn lưu ý rằng: các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ sớm trở nên phổ biến, được dùng hàng ngày như cách mọi người tìm kiếm trên Google. Đó là một điều tất yếu khi công nghệ AI ngày càng được đánh giá cao về sức mạnh, tính phổ dụng và khả năng phát triển của nó. AI là một thành phần của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và là một trong những công cụ công nghệ nền tảng của công cuộc chuyển đổi số đang bao trùm thế giới.
Khi AI trở thành một yếu tố cạnh tranh và một khía cạnh thúc đẩy phát triển, các hãng công nghệ đã tăng cường ứng dụng công nghệ này và tích hợp nó trong các sản phẩm của mình. Chẳng hạn, AI đang nằm trong lỗ tai người dùng những chiếc tai nghe earbuds.
Còn nhớ, hồi giữa tháng 12-2022, trên báo Mỹ The Wall Street Journal (WSJ), ông Oren Etzioni, CEO của Allen Institute for AI – tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu và kỹ thuật AI, nói rằng: “Sáu tháng kể từ bây giờ, bạn sẽ thấy những điều tuyệt vời chưa từng thấy trước đây.” Ông đưa ra dự báo về ứng dụng AI như thế chỉ khoảng nửa tháng sau khi ứng dụng siêu AI ChatGPT được Công ty Công nghệ OpenAI chính thức phát hành (ngày 30-11-2022).
Nhưng không cần phải đợi lâu, ngay từ những ngày đầu năm 2023, siêu chatbot ChatGPT đã nhanh chóng gây nên những trận bão công nghệ trên quy mô toàn cầu. Thật sự, những gì nó làm được hiện nay đã khiến cho người ta phải rối bời cảm xúc: hân hoan đó rồi lại lo âu đó. Người ta đã có thể phải quan tâm ngay với sức hút mãnh liệt của ChatGPT – một ứng dụng mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model- LLM). Chỉ cần 5 ngày sau khi phát hành là ChatGPT – dù chỉ mới giới hạn ở một số ít nước – đã có được 1 triệu người dùng. Theo Genevieve Rock-Decter/CFA, trước đó, để có được 1 triệu người dùng đầu tiên như vậy, nhanh nhất là Instagram cũng phải mất 2,5 tháng; Facebook mất 10 tháng, Twitter mất 24 tháng, Netflix mất 41 tháng. Theo ông Bret Winton, Giám đốc về tương lai tại ARK Venture Investment, ChatGPT đã vượt mốc 10 triệu người dùng hàng ngày chỉ sau 40 ngày ra mắt chính thức. (Instagram phải mất 355 ngày để đạt được 10 triệu người dùng đăng ký). Đến ngày 31-1-2023, ChatGPT đã đạt mốc 100 triệu người dùng, và OpenAI ngày 2-2-2023 bắt đầu phát hành bản thu phí ChatGPT Plus có giá 20 USD/tháng với nhiều tính năng siêu hơn bản miễn phí.
Như vậy, với trường hợp ChatGPT, ngay từ bây giờ, thế giới phải chứng kiến AI đã tới tận từng nhà và trong tay mọi người dùng rộng rãi.
Và nếu như trước đây hào hứng đón nhận nhưng cũng phải dè chừng với AI, thì bây giờ người ta càng phải nâng cấp cảnh báo lên cao hơn. Thực tế trong thời gian qua, các ông lớn công nghệ phát triển AI đã phải xây dựng những luật lệ đạo đức về ứng dụng AI – thậm chí tránh nghiên cứu phát triển AI trong một số lĩnh vực, cho một số mục đích.
Giáo sư Mindy McAdams thuộc Khoa Báo chí của Đại học Florida (UF, Mỹ), một người lập trình bằng JavaScript và Python, trong một bài viết về AI trong truyền thông và xã hội hồi tháng 7-2022 nói rằng: “Có lẽ quan niệm sai lầm lớn nhất về AI là máy móc sẽ sớm trở nên thông minh như con người, hoặc thậm chí thông minh hơn tất cả chúng ta. Là một đặc điểm phổ biến trong sách và phim khoa học viễn tưởng, ý tưởng về một chiếc máy tính hoặc rô-bốt siêu thông minh chiếm một vị trí vững chắc trong tâm trí chúng ta — nhưng không phải trong thế giới thực. Không một hệ thống AI nào đạt được kết quả ấn tượng lại thực sự thông minh theo cách mà con người (thậm chí cả trẻ sơ sinh!) thông minh.”
Trên trang Công nghệ của báo WSJ, hai tác giả Hao và Kruppa hồi tháng 7-2022 đã viết bài dài với tựa đề “Những gã khổng lồ công nghệ đổ hàng tỷ đô la vào AI, nhưng sự cường điệu không phải lúc nào cũng phù hợp với thực tế” phân tích việc các tập đoàn công nghệ Google, Meta và starup OpenAI đầu tư bạc tỷ vào AI. Họ cho biết: “Các nhà nghiên cứu đã lưu ý: Niềm tin rằng AI đang trở thành – hoặc có thể trở thành – có ý thức vẫn còn nằm ngoài lề trong cộng đồng khoa học rộng lớn hơn.”
Người ta không thể dễ ngươi về AI. Công nghệ AI mô phỏng bộ não con người, nhưng nó mạnh hơn bộ não con người nhờ có thể tìm kiếm, thu nạp và xử lý dữ liệu rộng lớn và nhanh như chớp mắt. Một điều cần chú ý là AI không chỉ liên tục phát triển, nâng cấp mà còn có thể tự phát triển thông qua những cấp độ cao hơn như Máy học (Machine learning), Học sâu (Deep learning),…
Có một thực tế là nếu như trước đây, người ta chủ yếu tập trung vào phát triển và ứng dụng AI, thì nay, sau khi ChatGPT ra đời, giới chuyên môn lại phải cắm đầu nghiên cứu cách để kiểm soát, chế ngự, hạn chế những tác hại khi AI bị người ta lạm dụng cho những mục đích xấu, thậm chí tội phạm. Các công ty công nghệ khác dĩ nhiên còn có thêm động lực là tính cạnh tranh, tìm cách kềm hãm sự bành trướng của đối thủ.
Ở đây chúng ta không nói tới khía cạnh pháp lý vì các nhà chức trách chắc chắn phải có những phản ứng thích hợp để sẵn sàng đối phó với những hành vi lợi dụng, lạm dụng công cụ AI mà phạm pháp. Giới hữu trách cũng phải sớm xây dựng những hành lang pháp lý để có thể khai thác tối đa những lợi ích của AI, đồng thời giảm thiểu tới thấp nhất những mặt tối của nó.
Về mặt công nghệ, các nhà chuyên môn sử dụng chiêu thức “dĩ độc trị độc”, dùng AI để trị AI. Ở đây ChatGPT chỉ là một điển hình. Tất nhiên, điều mà người ta có thể làm ngay là tìm cách phát hiện những nội dung do ChatGPT “sáng tác” ra. Và điều này dù có làm được cũng chỉ mới giới hạn ở những văn bản, những tác phẩm như bài luận, bài báo, thơ văn,… do ChatGPT viết theo yêu cầu của người dùng. Chẳng ai lường nổi những gì “nhà bác học uyên bác” ChatGPT có thể làm được theo yêu cầu của người dùng trong những góc chat riêng tư. Dù thông minh đến siêu cấp độ, nó vẫn chỉ là một công cụ công nghệ do con người tạo ra và huấn luyện.
“Cha đẻ” của ChatGPT là OpenAI đã xác nhận rằng họ đang nghiên cứu một công cụ giúp phát hiện nội dung do ChatGPT tạo ra.
Nhưng ngay bây giờ, người ta đã được biết đến một “khắc tinh” của ChatGPT là công cụ DetectGPT do một nhóm nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford (Mỹ) phát triển. Đúng như tên gọi “Dò tìm GPT”, DetectGPT có chức năng phát hiện các văn bản được tạo ra bởi ChatGPT. Phương pháp này sử dụng chính những đặc tính của các công cụ LLM mà ChatGPT dựa trên đó để đánh giá xem một văn bản có phải do công cụ LLM tạo ra hay không. Theo các nhà nghiên cứu, DetectGPT hiện có độ chính xác tới 95%.
Với những công cụ như DetectGPT nếu được hoàn thiện, các biên tập viên, các giáo viên,… có thể phát hiện được các bài viết, các bài luận có “nhờ vả” công cụ AI hay không.
Sinh viên Edward Tian, tác giả của ứng dụng GPTZero. (Ảnh: Edward Tian. Internet).
Trong khi hàng trăm triệu người chủ yếu là hiếu kỳ, tò mò và ham vui trên khắp thế giới đang nô nức đăng ký sử dụng ChatGPT, ở chiều ngược lại, ngày càng nhiều tổ chức và cá nhân chạy đua phát triển những công cụ chế ngự ChatGPT và các công cụ tương tự. Một trong số đó là Edward Tian, 22 tuổi, sinh viên năm cuối 2 ngành khoa học máy tính và báo chí tại Đại học Princeton (Mỹ). Với những gì thu thập được qua nghiên cứu cách phát hiện văn bản được viết bởi những hệ thống AI khi mình làm việc tại Phòng thí nghiệm xử lý ngôn ngữ tự nhiên của Đại học Princeton, Tian đã viết được ứng dụng GPTZero chỉ trong vòng 3 ngày tại một quán cà phê ở Toronto (Canada) trong thời gian anh về nhà dịp Tết Nguyên đán Quý Mão (Tian là người gốc Hoa). Về cơ bản, GPTZero sử dụng ChatGPT để chống lại chính ChatGPT. Phần mềm này sẽ kiểm tra xem văn bản “không có hay có sự tham gia quá nhiều” của hệ thống AI. Và sau khi ra mắt ngày 3-1-2023 tới nay, ứng dụng GPTZero đã vượt qua mốc 80.000 người truy cập. Tian cho biết anh sẽ để ứng dụng này miễn phí cho mọi người cần có thể dùng.
Chỉ có điều, theo quy luật và xu thế phát triển không ngừng của công nghệ, nhân loại bắt buộc phải chung sống cùng các tiến bộ công nghệ. Thế giới sẽ không phải chỉ có một ChatGPT của OpenAI đâu.
Báo South China Morning Post ngày 30-1-2023 cho biết: “gã khổng lồ tìm kiếm Internet” Baidu của Trung Quốc có kế hoạch tung ra một chatbot theo kiểu ChatGPT vào tháng 3-2023.
Bản in trên báo Người Lao Động thứ Bảy 4-2-2023 và trên báo NLĐ Online.
PHẠM HỒNG PHƯỚC