Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Đã sửa xong 2 tuyến cáp quang biển Internet nối Việt Nam với quốc tế

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin – Truyền thông sáng 5-5-2023, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết: theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông, đến ngày 3-5, hai trong số năm tuyến cáp quang biển gặp sự cố là IA và SMW3 đã được sửa xong. Hai tuyến cáp AAE-1 và AAG dự kiến sẽ được sửa xong trong tháng 5. Tuyến APG dự kiến sẽ được sửa xong trong tháng 6.

Việt Nam hiện có 5 tuyến cáp quang biển Internet quốc tế gồm AAG (Asia America Gateway), AAE-1 (Asia – Africa – Euro 1), APG (Asia Pacific Gateway), TGN-IA (TGN-Intra Asia, Liên Á), và SMW3 (South-East Asia – Middle East – Western Europe 3, Sea – Me – We3) cập bờ tại Đà Nẵng và Vũng Tàu. Trong năm 2022 và các tháng đầu năm 2023, tất cả 5 tuyến cáp quang biển lần lượt gặp sự cố, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế trong suốt mấy tháng qua.

Trong khi 4 tuyến cáp khác vẫn chưa được sửa chữa xong, vào lúc 2g45ph sáng 21-2-2023, tuyến cáp quang biển SMW3 đã gặp sự cố lỗi cáp đoạn S2.7 (Singapore – BU12). Kể từ đó, toàn bộ 5 tuyến cáp quang biển Internet quốc tế của Việt Nam đều bị sự cố kéo dài đền đầu tháng 5-2023 mới có 2 tuyến cáp IA và SMW3 được khắc phục xong.

Việc sửa chữa các tuyến cáp quang biển sâu dưới đại dương rất khó khăn và kéo dài. (Nguồn: Internet. Thanks.)

Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 10 tuyến cáp quang biển

Cũng tại cuộc họp báo này, ông Nguyễn Thành Phúc cho biết trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, xây dựng thêm 4 – 6 tuyến cáp quang biển mới phù hợp với dự thảo Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông 2021 – 2030, để bảo đảm đáp ứng nhu cầu đến năm 2030.

Thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp viễn thông lớn của Việt Nam đã tham gia các liên minh để đầu tư xây dựng thêm 2 tuyến cáp biển mới là SJC2 – Southeast Asia-Japan Cable 2 (VNPT khai thác) và ADC – Asia Direct Cable (Viettel khai thác). Theo tiến độ đã đề ra, dự kiến trong năm 2023, 2 tuyến cáp quang biển này sẽ được xây dựng xong, đưa vào vận hành, nâng tổng số tuyến cáp biển Internet quốc tế mà Việt Nam khai thác, sử dụng lên 7 tuyến. Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ có tổng cộng 10 tuyến cáp quang biển Internet quốc tế, trong đó có 3 tuyến do Việt Nam làm chủ.

Tại phiên họp thường niên 2023 sáng 25-4-2023, đại hội đồng cổ đông Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tuyến cáp quang biển Asia Link Cable (ALC) nối Việt Nam đi quốc tế. FPT Telecom dự kiến đầu tư 87 triệu USD (khoảng 2.100 tỷ đồng) cho dự án này. Khoản tiền đầu tư được FPT Telecom huy động từ vốn vay ngân hàng và vốn đầu tư phát triển kinh doanh của đơn vị này. Đơn vị sẽ tự đầu tư, cài đặt, quản lý, khai thác điểm trạm cập bờ tại Đà Nẵng. Nhà mạng này cho biết, tuyến cáp ALC hiện cũng chưa có nhà mạng nào trong nước tham gia.

Dự án xây dựng tuyến cáp quang biển ALC dự kiến sẽ tốn 300 triệu USD và được hoàn thành vào quý 3-2025. Tuyến cáp quang biển ALC có sự tham gia đầu tư của nhiều tên tuổi lớn trong ngành viễn thông khu vực như China Telecom Global Limited (CTG), Globe Telecom, Inc. (Globe), DITO Telecommunity Corporation (DITO), Singapore Telecommunications Limited (Singtel) và Unified National Networks Sdn Bhd (UNN).

Tuyến ALC có chiều dài khoảng 6.000km, kết nối nhiều địa điểm tại khu vực Châu Á như Hong Kong, Hải Nam (Trung Quốc), Luna, Bauang (Philippines), Tungku (Brunei) và Changi (Singapore). Theo thiết kế, hệ thống cáp quang biển ALC sẽ có tối thiểu 8 cặp cáp quang, với dung lượng thiết kế đường trục tối thiểu 18Tbps trên mỗi cặp cáp.

NGÔ LÊ