Thứ Năm ngày 02 tháng 1 năm 2025

Đồng bộ dữ liệu cá nhân cần rộng nhưng an toàn hơn

Bây giờ, để xin cấp hay đổi hộ chiếu, công dân có thể thực hiện online. Sau khi đã đăng ký thành công tài khoản và đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia, người dân chọn loại dịch vụ công trực tuyến  1.001471 – Cấp hộ chiếu phổ thông trong nước. Nhờ đăng nhập bằng số căn cước công dân gắn chíp, tờ khai cấp hộ chiếu được tự động điền sẵn các thông tin nhân thân cơ bản của công dân được trích xuất từ cơ sở dữ liệu quốc gia, tự động đến tới 9/14 mục, và người dân chỉ cần kiểm tra và bổ sung một số mục còn lại. Thật là thuận tiện.

Hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cũng đã được Việt Nam bắt đầu cấp cho công dân có yêu cầu từ ngày 1-3-2023. Và với hộ chiếu có gắn chíp, công dân Việt Nam khi đi nước ngoài có thể tự làm thủ tục tại các cổng xuất cảnh điện tử, hiện có ở Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Hành khách khi xuất hoặc nhập cảnh có thể dễ dàng quét trang đầu hộ chiếu gắn chíp, chụp hình nhận dạng trước camera rồi đi qua cổng tự động để đi nước ngoài hay trở về nước. Họ không cần phải trực tiếp làm thủ tục với nhân viên xuất nhập cảnh nên cũng không cần thủ tục đóng mộc trên hộ chiếu vì tất cả đều được quản lý bằng hệ thống máy tính.

Lãnh đạo Công an cửa khẩu Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất xác nhận với báo chí rằng hệ thống máy quét hộ chiếu (scan passport) nhập khẩu từ Châu Âu đã được lắp đặt tại Ga Quốc tế Tân Sơn Nhất từ hồi đầu năm 2023 theo đề án của Cục Xuất Nhập cảnh Việt Nam triển khai từ cuối 2022 đồng bộ trên cả nước. Hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất đã được lắp đặt 10 máy quét hộ chiếu, gồm 5 máy phục vụ xuất cảnh và 5 máy cho khách nhập cảnh.

Bà Mai Thị Hoa (Thừa Thiên – Huế) chia sẻ với báo chí: Trước đây mỗi lần nhập viện để chạy thận, bà phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế, sổ khám bệnh và xuất trình CMND. Sau khi Bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử để sử dụng CCCD gắn chíp trong khám chữa bệnh, giờ đây bà chỉ cần đưa CCCD có gắn chíp cho nhân viên y tế là nhanh chóng được khám bệnh.

Các tiện ích cho công dân số đó có được là nhờ có sự đồng bộ dữ liệu, cụ thể là dữ liệu cá nhân, từ nguồn dữ liệu chung do nhà nước quản lý là các cơ sở dữ liệu quốc gia.

(Ảnh từ Internet. Thanks.)

Hiện nay, từ những kinh nghiệm thực tế triển khai trong thời gian qua cũng như dự phóng được tương lai của Chính quyền số, Công dân số, Xã hội số, Bộ Công an đang tiến hành sửa đổi Luật Căn cước công dân ban hành năm 2014, thậm chí đổi tên thành Luật Căn cước. Đặc biệt, dự thảo Luật này còn bổ sung các quy định về CCCD điện tử, trong đó nêu rõ trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp tài khoản định danh điện tử; sử dụng CCCD điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự trên môi trường điện tử.

Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) ngày 14-4-2023, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, qua hơn 7 năm thi hành, Luật Căn cước công dân hiện hành đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Do đó, cần thiết phải sửa đổi luật hiện hành để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta. Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: “Luật Căn cước ra đời sẽ gắn liền với Luật Giao dịch điện tử. Nếu luật này không được thông qua thì Luật Giao dịch điện tử rất khó thực hiện vì người dân phải có công cụ, có định danh, phương thức trên điện tử thì mới thực hiện được. Không phải là mấy cơ quan của Chính phủ giao dịch với nhau là trở thành Chính phủ điện tử, quan trọng nhất là mọi người dân đều thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử. Đây cũng là bước phải thay đổi từ cách thức quản lý xã hội, giao dịch thông thường đến giao dịch điện tử, nếu không, sẽ kìm hãm sự tiến bộ.”

Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội cho biết: Liên quan đến thông tin cá nhân, dự thảo Luật Căn cước quy định theo hướng mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Dân cư, Cơ sở dữ liệu Căn cước. Việc tích hợp thông tin này nhằm trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử, kết nối, chia sẻ, thông tin người dân, phân tích, thiết lập bản đồ số dân cư. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung quy định về mối quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để bảo đảm hiệu quả triển khai Đề án số 06 của Chính phủ (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030).

Mỗi công dân có một số định danh cá nhân độc nhất và cũng là số CCCD. Một khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và về căn cước đồng bộ với nhau và được liên thông với các cơ quan, tổ chức từ nhà nước tới dịch vụ, người dân chỉ cần nhập số CCCD là tất cả các thủ tục hành chính và dịch vụ sẽ lập tức được tự động hoàn tất thông tin có xác thực. Điều này đem lại nhiều lợi ích cả cho người dân lẫn cơ quan quản lý và dịch vụ.

Tất nhiên bên cạnh việc đồng bộ hóa và liên thông về dữ liệu cá nhân công dân, điều cực kỳ quan trọng và cũng đã gây cho người dân nhiều quan ngại chính là sự bảo mật dữ liệu cá nhân, thông tin nhân thân. Nhà nước cần có các quy định pháp lý rõ ràng về việc lưu giữ, bảo mật và truy xuất dữ liệu cá nhân của công dân. Việc liên thông càng rộng càng tốt, và là cần thiết, nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ lộ thông tin nhân thân công dân. Dĩ nhiên, nhà nước phải có quy định rõ ràng về quyền và mức độ được truy xuất dữ liệu cá nhân (thông tin nhân thân) của từng loại cơ quan, tổ chức dịch vụ; đồng thời pháp luật hóa trách nhiệm bảo mật thông tin nhân thân của các cơ quan, tổ chức đó.

Trong những cuộc thăm dò ý kiến bạn đọc gần dây của báo chí, đại đa số người dân đều ủng hộ việc tích hợp thêm nhiều dữ liệu cá nhân vào CCCD để sau này, người dân chỉ cần dùng thẻ CCCD là có thể thực hiện được các giao dịch, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ hành chính công. Như ông Hoàng Lê Minh (Đà Nẵng) băn khoản: “Người dân không thể kiểm chứng được mức độ an toàn khi giao dịch hành chính bằng CCCD gắn chip, thông tin tích hợp càng nhiều thì nguy hiểm về mặt an toàn thông tin càng cao. Vì vậy, việc sửa đổi Luật CCCD lần này cần hướng đến bảo mật dữ liệu thông tin cá nhân để người dân an tâm hơn”.

Ngoài ra, điều mà mọi người dân mong mỏi nhất vẫn là việc ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước, dịch vụ hành chính công phải triệt để và đồng bộ. Cho đến hiện nay, mặc dù đã có dữ liệu nhân thân cá nhân, nhưng trong một số trường hợp và ở một số nơi, người dân vẫn bị đòi phải xuất trình giấy tờ giấy. Nổi cộm nhất trong thời gian gần đây là tờ giấy xác nhận cư trú khi đã bỏ sổ hộ khẩu và có CCCD gắn chíp. Làm sao để người dân sớm được hưởng thật sự lợi ích của chuyển đổi số, làm gì cũng chỉ cần cung cấp số CCCD là đủ.

  • Bản in trên báo Người Lao Động thứ Bảy 13-5-2023 và trên báo NLĐ Online.

NGÔ LÊ