Thứ Ba ngày 21 tháng 1 năm 2025

Doanh nghiệp Việt tăng tốc trên hành trình số bền vững

Bây giờ, câu hỏi của các doanh nghiệp Việt Nam trên hành trình số không còn là “có nên chuyển đổi số không?” mà đã là “làm thế nào để chuyển đổi số?” Thậm chí vào thời điểm giữa năm 2023, câu hỏi này càng trở nên bức thiết hơn “làm thế nào để tăng tốc chuyển đổi số?” Chỉ còn vỏn vẹn 1 năm rưỡi nữa là tới năm 2025, thời hạn phải đạt được các mục tiêu cơ bản trong “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 749/QĐ-TTg ban hành ngày 3-6-2020).

Giới doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là càng lớn càng thêm thúc bách, không muốn và không thể để bị bỏ lại trên sân ga khi chuyến tàu chuyển đổi số toàn diện quốc gia đang tăng tốc lao về phía trước. Điều đó giải thích lý do vì sao hơn 700 lãnh đạo và đại diện doanh nghiệp đã tham dự một cách nghiêm túc và hào hứng Hội nghị thượng đỉnh Data Center & Cloud Infrastructure Summit Light 2023 với chủ đề Tăng tốc cho hành trình số do Viettel IDC tổ chức ngày 22-6-2023 TP.HCM. Đến với DCCI Summit Light 2023, họ cùng với 20 chuyên gia đầu ngành từ các hãng công nghệ lớn trên thế giới tiếp cận những góc nhìn mới về hành trình số, những công nghệ nền tảng mới, giải pháp tối ưu, thông minh hóa hoạt động sản xuất, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Các doanh nghiệp Việt đã gặp gỡ, chia sẻ kiến thức và cùng cộng hưởng để tăng tốc trên hành trình chuyển đổi số.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang hào hứng nhưng đầy trăn trở với chuyển đổi số. (Ảnh: A.P.)

Số hóa (digitization) là một quá trình chuyển đổi thông tin analog thành thông tin digital. Khi việc sử dụng Internet trên thế giới ngày càng gia tăng từ thập niên 1990, việc ứng dụng số hóa cũng gia tăng theo. Và số hóa chính là tiền đề cho chuyển đổi số – sự tái cấu trúc cơ bản về cách thức hoạt động của một tổ chức thông qua việc ứng dụng các công nghệ số mới. Mục tiêu của chuyển đổi số, như được nêu trong cuốn sách mới của McKinsey “Rewired: A McKinsey Guide to Outcompeting in the Age of Digital and AI (Tái cấu trúc: Hướng dẫn của McKinsey để vượt trội trong thời đại kỹ thuật số và AI) xuất bản tháng 6-2023, phải là xây dựng lợi thế cạnh tranh bằng cách liên tục triển khai công nghệ trên quy mô lớn để cải thiện trải nghiệm của khách hàng và giảm chi phí.

Hầu như người có trách nhiệm của các doanh nghiệp mà chúng tôi được tiếp xúc đều đang đau đáu với chuyển đổi số. Nhưng ngay cả đã bắt đầu tiến trình chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp vẫn còn đầy trăn trở, phải giải hàng loạt bài toán. Các chuyên gia thì vẫn khẳng định: chính trong tình thế thị trường đang bất ổn, đặc biệt sau đại dịch toàn cầu COVID-19 mà các doanh nghiệp càng cần chuyển đổi số như một giải pháp cơ bản để tồn tại.

Công cuộc chuyển đổi số đã được các doanh nghiệp thế giới, đi đầu là những “ông lớn công nghệ” khởi xướng từ hàng thập kỷ trước, nhưng nó vẫn cần một cú huých. Và với đặc thù chưa từng có của mình buộc phải giãn cách xã hội và làm thay đổi mọi hoạt động xã hội, đại dịch COVID-19 ở một chiều kích khác lại đóng vai trò một cú huých “đủ lực” cho công cuộc chuyển đổi số. Khi buộc phải đưa mọi hoạt động lên Internet, làm việc từ xa rồi làm việc kết hợp vừa online, vừa offline, các tổ chức và doanh nghiệp không còn cách nào khác hơn là phải chuyển đổi số. Có những chuyên gia đánh giá rằng tốc độ chuyển đổi số trong 2 năm đại dịch đã tăng vọt bằng cả 5 năm trước đó gộp lại. Trong một cuộc khảo sát năm 2021 của Ngân hàng Đầu tư Châu Âu EIB, 55% công ty Châu Âu cho biết đại dịch COVID-19 đã làm tăng nhu cầu về công nghệ kỹ thuật số và 46% công ty cho biết họ đã phát triển kỹ thuật số hơn. Một nửa trong số các công ty này dự đoán việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số sẽ tăng lên trong tương lai, với tỷ lệ lớn hơn là các công ty đã từng sử dụng công nghệ kỹ thuật số.  

Năm 2023 đã được một số nước coi là sau đại dịch. Nhưng đây cũng chính là năm doanh nghiệp “thấm đòn”, cực kỳ khó khăn về nguồn vốn và nguồn hàng.

Gặp nhau tại Viettel DCCI Summit Light 2023 sáng 22-6-2023, ông Hồ Vi Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty Tin học Viễn thông Nhất Tiến Chung – Thế Giới Máy Chủ, chia sẻ: Công ty dù thành lập từ tháng 5-2005 nhưng giờ coi như phải trở lại giai đoạn đầu tư mới cho tương lai. Cũng may là công ty có được nguồn lực tích lũy từ nhiều năm trước và có tệp đối tác và khách hàng luôn đồng hành cộng với đội ngũ nhân sự đầy nhiệt huyết nên nói chung công ty vẫn ổn. Giờ mà ổn là quá tốt rồi.

Ông Hoàng Văn Ngọc, CEO Viettel IDC, nhận định: Thời gian gần đây, thuật ngữ: VUCA được nhắc tới nhiều hơn trên các diễn đàn kinh tế, xã hội. Đây là một thuật ngữ được dùng để mô tả thế giới hiện đại đang trải qua những biến động (Volatility), không chắc chắn (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity). Thậm chí nhiều chuyên gia còn nhận định về nguy cơ của một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Mặc dù kinh tế biến động, doanh nghiệp cần thắt chặt chi tiêu, nhưng công nghệ nói chung vẫn đang là điểm tựa cho doanh nghiệp trong thời đại VUCA, nhằm đầu tư cho tương lai, bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Và chính trong bối cảnh này, chuyển đổi số càng thêm thúc bách.

Ông Huỳnh Long Thủy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VieON – thành viên của hệ sinh thái công nghệ truyền thông giải trí DatVietVAC Group Holdings, cho biết: “Một số người nghĩ rằng hễ số hóa dữ liệu, lên số hóa hết đã là chuyển đổi số. Với góc nhìn của chúng tôi, quản trị, vận hành và điều hành, tất cả mọi thứ đều dựa vào dữ liệu, đó mới là chuyển đổi số. Lãnh đạo phải ra quyết định dựa trên dữ liệu. Dữ liệu chỉ có giá trị khi doanh nghiệp biết cách thu thập, đọc, hiểu và sử dụng dữ liệu như thế nào. Khi doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số, dữ liệu về rất nhiều, đó là Big Data. Vì thế đòi hỏi doanh nghiệp phải biết cách xử lý data – không chỉ lưu trữ mà còn phải phân loại, phân tích, xác thực để lọc ra được các dữ liệu cần thiết và chuẩn xác để ứng dụng vào hoạt động của doanh nghiệp.”

Chuyển đổi số có nghĩa là phải “lên mây”, đưa hoạt động doanh nghiệp lên nền tảng điện toán đám mây. Với thực tiễn và trải nghiệm của những người đi trước, các doanh nghiệp mới bắt đầu chuyển đổi số giờ có nhiều bài học và điển hình hơn. Ngay cả các doanh nghiệp đã tiến hành chuyển đổi số giờ cũng đã có thêm nhiều lựa chọn công nghệ tiên tiến và giải pháp mới để tối ưu hóa chuyển đổi số của mình.

Theo nhiều chuyên gia, giải pháp lý tưởng nhất cho các doanh nghiệp chuyển đổi số là sử dụng các nền tảng đa đám mây (multi-cloud). Theo số liệu do ông Hoàng Văn Ngọc đưa ra, nếu như vào năm 2020, khoảng 70% doanh nghiệp vẫn sử dụng đám mây đơn, đám mây cá nhân hay máy chủ tại chỗ, đến thời điểm 2023 này, hơn 80% doanh nghiệp đã chuyển sang nền tảng đa đám mây với những lợi ích ngay trước mắt và bảo đảm hơn cho phát triển bền vững lâu dài.

Chẳng hạn, nền tảng đám mây sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm các chi phí có liên quan tới IT; cải thiện khả năng phản ứng và khôi phục do tai ương; luôn bảo đảm sự thích ứng IT tiên tiến đương đại; tăng cường các công nghệ sáng tạo; tăng hiệu năng cơ sở hạ tầng và tránh nguy cơ nhà cung cấp dịch vụ duy nhất bị sự cố.

Hai chuyên gia an ninh mạng Phạm Việt Hưng và Trịnh Hoài Nam cùng chia sẻ nhận định: Nền tảng đa đám mây sẽ buộc doanh nghiệp phải cẩn thận hơn với vấn đề an ninh bảo mật, an toàn dữ liệu. Hai anh đưa ra giải pháp phổ quát là các doanh nghiệp nên sử dụng dịch vụ bảo vệ mạng từ các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp và có uy tín. Riêng với các doanh nghiệp lớn và có khả năng tài chính, tốt hơn hết là xây dựng thêm một lớp bảo vệ tại chỗ.

Ông Nguyễn Cảnh Thức, Giám đốc Kỹ thuật của Ahamove, chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số tại công ty giao vận hàng hóa trên nền công nghệ này. Với đặc thù là lực lượng đối tác tài xế rất đông và đều là lao động tự do, thu nhập đựa trên năng suất lao động, quay vòng giao hàng nhanh, Ahamove phải dựa trên công nghệ. Với số lượng hóa đơn và hợp đồng cực lớn mỗi ngày, doanh nghiệp giao vận này cũng buộc phải tiến hành chuyển đổi số ngay từ những hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử. Chính nhờ vận hành trên chuyển đổi số mà Ahamove có thể giúp các đối tác giao hàng của mình tối ưu hóa vận hành, tăng năng suất lao động mà vẫn giảm được chi phí và kể cả lượng khí thải vận hành giúp bảo vệ môi trường sống.

Chuyển đổi số ngày nay còn phải gắn liền với xu thế toàn cầu là phát triển bền vững theo quy chuẩn ESG (Môi trường – Environmental, Xã hội – social, Quản trị doanh nghiệp – corporate governance). Sự bền vững của doanh nghiệp không chỉ được đánh giá qua hoạt động mà còn ở việc giúp bảo vệ được môi trường xã hội. Tiến bộ công nghệ đang ngày càng góp phần thúc đẩy chiến lược ESG của các doanh nghiệp, đóng vai trò như một trụ cột thứ 4 của ESG (thành ESGT). Hàng loạt giải pháp công nghệ mới như Smart City, Smart Factory, Smart logistic, Smart Edu, Digital Trust,….đều tác động tới các mặt môi trường, xã hội và quản trị, dựa trên các công nghệ nền tảng như IoT, Big data, AI/ML, Blockchain, 5G Security,…

Chuyển đổi số mang đến cho doanh nghiệp sức sống mới, đặc biệt sau đại dịch. Theo nhiều doanh nghiệp cũng như chuyên gia, bên cạnh sự xoay xở nội tại của chính từng doanh nghiệp, công cuộc chuyển đổi số toàn diện quốc gia sẽ có thể tăng tốc và phát huy tốt nhất hiệu quả nếu như có sự điều hành và hỗ trợ từ chính phủ – ngay từ các chính sách hữu ích.

Báo cáo The 2015 Digital Business Global Executive Study and Research Project của MIT Sloan Management Review và Deloitte cho biết rằng các công ty kỹ thuật số trưởng thành đang sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây, phương tiện truyền thông xã hội, thiết bị di động và phân tích dữ liệu, trong khi các công ty khác đang sử dụng các công nghệ riêng lẻ cho các vấn đề cụ thể. Vào năm 2017, một nghiên cứu trên McKinsey Digital cho thấy chưa đến 40% các ngành đã được số hóa (mức độ sử dụng cao nhất là trong các ngành truyền thông, bán lẻ và công nghệ). Tính đến năm 2020, 37% công ty Châu Âu và 27% công ty Mỹ chưa áp dụng công nghệ số. Nhưng vào năm 2022, 53% doanh nghiệp ở Liên minh Châu Âu cho biết đã hành động hoặc đầu tư để trở nên kỹ thuật số hơn. 71% công ty ở Mỹ báo cáo sử dụng ít nhất một công nghệ kỹ thuật số tiên tiến, trong khi mức sử dụng trung bình là 69% trong các tổ chức ở EU.

  • Bài in trên báo Người Lao Động Thứ Bảy 24-6-2023 và trên báo NLĐ Online.

PHẠM HỒNG PHƯỚC