Chủ nhật ngày 05 tháng 1 năm 2025

Công nghệ Việt tiến ra thế giới

Câu chuyện Viettel

Hơn 770 ngàn người đến nay xem clip “Haiti: Tận mắt chứng kiến loạn lạc ở nước nguy hiểm nhất thế giới” (Phần 2) trên kênh YouTube du lịch Lại Ngứa Chân ắt ngạc nhiên thú vị khi biết nhà mạng Viettel của Việt Nam vẫn đang hoạt động ở đất nước Caribbe hiện chìm trong khủng hoảng bất ổn đầy bạo lực. Họ có thể theo dõi cuộc trò chuyện “gặp nhau bất ngờ” giữa chàng Vlogger Du lịch quê Hải Phòng với 2 người Việt đang làm việc cho nhà mạng của Viettel ở Haiti. Một người ở đây 5-6 năm và một người 3 năm.

Những “người Viettel” làm ở Haiti chia sẻ: Viettel không phải chỉ biết kinh doanh mà thường xuyên có những hoạt động từ thiện, gắn kết với cộng đồng người dân bản địa. Công ty cũng có những biện pháp để bảo vệ an toàn cho người của mình công tác tại xứ người.

Cục Đầu tư Nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngay từ năm 2014 đã từng nhận định rằng “Viettel ‘quăng chài’ khắp thế giới”. Vào năm 2021, sau 15 năm đầu tư ra nước ngoài, Viettel đã có mặt ở 10 quốc gia, như Cambodia, Lào, Haiti, Mozambique, Timor-Leste, Peru, Cameroon, Tanzania, Burundi,…

17 năm sau ngày thành lập (tháng 6-1989), vào đầu năm 2006, Viettel quyết định đầu tư ra nước ngoài, trong khi các hoạt động sản xuất kinh doanh ở trong nước của Viettel cũng còn rất nhiều việc phải làm, nếu không nói là gặp nhiều khó khăn. Cambodia láng giềng là thị trường nước ngoài đầu tiên của Viettel. Lúc đó, Viettel chỉ mang theo 1 triệu USD tiền vốn, lấy doanh thu từ dịch vụ VoIP nuôi cả mảng Internet và di động sau này. Tháng 5-2006, Viettel đầu tư 100% vốn thành lập Viettel Cambodia với dịch vụ đầu tiên là VoIP – một lựa chọn được đánh giá là khôn ngoan và hợp thời. Giữa tháng 2-2009, Viettel đã chính thức khai trương mạng di động Metfone và chỉ sau 2 năm đã trở thành mạng di động đứng số 1 về thị phần ở Cambodia.

Trên thị trường Nam Mỹ, ngày 15-10-2014, Viettel khai trương dịch vụ di động với thương hiệu Bitel tại Peru.

Viettel đã công bố chính thức kinh doanh tại Châu Phi vào ngày 15-5-2012, mở đầu là Mozambique với thương hiệu Movitel. Chỉ hơn 1 năm sau, Movitel đã xây dựng được mạng lưới lớn nhất, có vùng phủ rộng và sâu nhất tại Mozambique với 1.800 trạm phát sóng (2G và 3G) phủ sóng 100% quận, huyện và đường quốc lộ, đóng góp hơn 50% hạ tầng mạng di động của toàn đất nước Tây Phi này. Viettel cũng xây dựng cho Mozambique một hạ tầng viễn thông bền vững với 12.600km cáp quang, đóng góp 70% hạ tầng cáp quang của nước này.

Tại Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Hà Nội vào ngày 23-2-2023, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel, chia sẻ những bài học “go global” với tâm thế một người lính, dũng cảm chinh phục những thị trường đầy khó khăn và thậm chí nguy hiểm. Sau chiến sự tại Burundi, bất ổn chính trị tại Myanmar, Viettel đã vươn lên số 1 tại những thị trường đó. Ông Thắng nói rằng: “Khó khăn sẽ xảy ra, nhưng cơ hội luôn có, nếu dễ dàng thì các nước khác đã đầu tư rồi. Phải kiên định, kiên trì vượt qua khó khăn và có niềm tin rằng nếu chúng ta làm đúng, thượng tôn pháp luật thì chúng ta sẽ có cơ hội.” Ông cũng kể lại những ngày đầu “chinh chiến xứ người” ở những châu lục xa xôi. “Đến nhiều nơi toàn hoang mạc, nhiều người dân không biết Việt Nam ở đâu, tưởng nước mình vẫn còn chiến tranh. Đó là lúc cần có lòng tự hào để cho thế giới thấy chúng ta là ai.”

Ngay cả ở Haiti, đất nước Caribbe hiện nay đang chìm trong khủng hoảng bất ổn đầy bạo lực, nhà mạng Vitell vẫn có những biện pháp để vừa bảo vệ người của mình, vừa tiếp tục hoạt động kinh doanh.  

Tập đoàn Viettel vào Haiti khi đất nước hải đảo này còn ngổn ngang đổ nát sau trận động đất khủng khiếp năm 2010. Từ đó, Viettel đã không ngừng đầu tư và phát triển Natcom, thương hiệu của Viettel ở Haiti, thành nhà mạng kinh doanh hiệu quả ở quốc gia Châu Mỹ này. Tới năm 2023 này, Natcom đã được 12 năm tuổi với mục tiêu chiếm lĩnh vị trí số 1 về thị phần cũng như vị thế số 1 trên thị trường viễn thông tại Haiti giai đoạn tới.

Trong một cuộc trao đổi với báo giới hồi tháng 9-2022, ông Nguyễn Huy Dung, CEO Natcom, chia sẻ về 2 yếu tố đã đem lại thành công cho hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel tại Haiti thông qua Natcom. Đầu tiên là cán bộ quản lý và người đứng đầu. Natcom đã trải qua nhiều thời kỳ mà trong mỗi thời kỳ, Viettel đều lựa chọn được người lãnh đạo tốt nhất cho Natcom. Chính sự lựa chọn nhân sự đúng đắn cùng với định hướng của Tập đoàn Viettel đã giúp Natcom vượt qua khó khăn và tạo nên sự phát triển. Thứ hai là tập thể nhân sự, kể cả những nhân viên bản địa của Natcom đều lao động quên mình. Bất kể ngày đêm, cứ khi nào có sự cố là các nhân viên của Natcom lên đường ứng cứu đường dây. Nhờ bảo đảm chất lượng dịch vụ, Natcom đã thu hút được khách hàng mới và giữ chặt niềm tin của khách hàng hiện tại.

Tổng Công ty Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2-2021 đã ghi nhận sự “trỗi dậy” của Viettel ở thị trường Châu Phi. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 của Viettel ở Châu Phi đạt 3.978,5 tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ năm trước), thu được lợi nhuận sau thuế gần 900 tỷ đồng. Châu Phi trở thành thị trường đầu tư nước ngoài có lợi nhuận cao nhất của Viettel Global.

Nhân viên một nhà mạng do Viettel đầu tư ở Châu Phi. (Ảnh: Viettel Global)

Vào cuối năm 2022, tại Châu Phi, Viettel đã có trong tay 4 nhà mạng di động. Mạng Movitel ở Mozambique phủ sóng 98% dân số và 90% diện tích; có 9,2 triệu thuê bao, chiếm 46% thị phần. Mạng Halotel ở Tanzania phủ sóng 87% dân số, có 7,3 triệu thuê bao, chiếm 13% thị phần. Mạng Lumitel ở Burundi phủ sóng 97% dân số, chiếm 59% thị phần. Mạng Nexttel ở Cameroon phủ sóng 70% dân số, chiếm 13% thị phần.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 31-12-2021, Viettel đã đầu tư tới 1,46 tỷ USD, lớn thứ nhì trong tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam (chiếm 22%). Viettel cũng đứng thứ nhì trong số 14 doanh nghiệp đã thu hồi vốn đầu tư với 853,41 triệu USD (chiếm 23% tổng số vốn đã thu hồi của khối các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước). Theo Viettel, một số dự án viễn thông của Tập đoàn ở nước ngoài, như tại Lào, Campuchia và Timor-Leste, và một số dự án xây lắp cũng đã thu về được gấp nhiều lần số vốn đầu tư.

Năm 2022, hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel lần đầu tiên đạt doanh thu dịch vụ gần 3 tỷ USD (hơn 70.000 tỷ đồng) – tương đương với viễn thông trong nước, đóng góp 50% doanh thu dịch vụ viễn thông của Tập đoàn. Lũy kế đến nay, Viettel đã chuyển về nước gần 70% tổng số tiền đầu tư nước ngoài. 

Câu chuyện FPT

Trong khi Viettel là tập đoàn của nhà nước, FPT là một doanh nghiệp tư nhân. Viettel chủ yếu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp công nghệ và dịch vụ; FPT tập trung đưa chất xám Việt ra thế giới. Trong thời gian qua, FPT đã không ngừng mở rộng đầu tư ra nước ngoài, có được doanh thu từ thị trường nước ngoài liên tục tăng trưởng. Trong 8 tháng đầu của năm 2022, con số này đã là 11.731 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài của FPT cũng đã tăng 42%, lên mức 15.455 tỷ đồng.

Chia sẻ trong Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” tại Hà Nội hồi tháng 2-2023, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, đã nói về dấu ấn Việt Nam trên bản đồ số toàn cầu, từ bước chân đầu tiên của FPT đến Ấn Độ cách đây hơn hai thập kỷ, tới nay FPT đã hiện diện tại 29 quốc gia, đạt doanh số tại thị trường nước ngoài 1 tỷ USD (tăng gấp 25.000 lần so với buổi đầu), với quy mô nhân lực là 27.000 người (tăng 900 lần).

Ông Trương Gia Bình kể: Vào tháng 1-2000, FPT mở hai văn phòng đầu tiên ở nước ngoài, một tại Bangalore – thủ phủ phần mềm của Ấn Độ, và một tại Silicon Valley của Mỹ. “Nhưng giống như chú chim nhỏ bay ra biển lớn như thước phim mà Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng vừa cho xem, FPT không kiếm được miếng mồi nào cả. Hai năm trời, FPT không ký được một hợp đồng nào. Chúng tôi lúc đó có 34 kỹ sư phần mềm và nhiều người trong FPT đã hoảng sợ và định buông bỏ.” Nhưng ông Trương Gia Bình, với tư cách một vị thuyền trưởng của con tàu FPT ra biển lớn, vẫn tin rằng: người Ấn Độ làm được thì người Việt Nam cũng làm được. Sau khi gặp và hỏi một người được xem là huyền thoại phần mềm Ấn Độ: “Ông nghĩ Việt Nam có làm được không?” rồi được ông ấy dắt đi xem trung tâm phần mềm lớn nhất thế giới (theo nghĩa đông nhất), ông nhận được lời khẳng định: “Việt Nam chắc chắn làm được phần mềm”. Và từ lời động viên nho nhỏ đó FPT đã giữ vững ý chí, tiếp tục đi toàn cầu hóa.

Sau một thời gian dài vẫn không bán được hàng ở Mỹ,  dù Chủ tịch FPT mỗi tháng dành 1/2 – 1/3 thời gian ở nước ngoài và cố gắng gặp vài chục công ty một tháng. Rồi ông Trương Gia Bình h lại nghĩ tới cách gặp Tập đoàn công nghệ IBM để “mặc cả”: nếu IBM mua một USD phần mềm của FPT thì FPT sẽ mua 1.000 USD phần cứng của IBM. Ông Bình chia sẻ: “Và lần đầu tiên FPT có hợp đồng ký với IBM dù rất nhỏ nhưng nó động viên tôi: IBM mà mua được thì cớ gì các công ty khác không mua được”.

Câu chuyện mở thị trường ở Nhật Bản – nơi mà ngay cả Ấn Độ cũng không thành công – cũng cho thấy ý chí khác thường của “người FPT”. Khi sang Nhật Bản, ông Trương Gia Bình được trả lời: “Chúng tôi (đối tác người Nhật) không nói được tiếng Anh, do vậy muốn làm phần mềm với ông, chúng tôi phải học tiếng Anh, sau này học xong sẽ làm việc với các ông”. Câu trả lời này có lẽ theo cách nói của người Nhật nghĩa là “không”, nhưng ông Bình lại hiểu ngược lại là nếu nói tiếng Nhật thì mình sẽ làm việc được ngay với người ta.  Ông Trương Gia Bình kể: “Vậy là vì thị trường Nhật, vì tiếng Nhật mà FPT đã xin Chính phủ cho thành lập Đại học FPT – trường đại học đầu tiên dạy các kỹ sư phần mềm nói tiếng Nhật, và trở thành trung tâm đào tạo tiếng Nhật lớn nhất thế giới ngoài Nhật Bản.” Kết quả, FPT Nhật Bản thành lập từ năm 2005, hiện có 2.000 nhân viên, đang hướng đến mục tiêu quy mô 4.000 nhân sự, Top 20 công ty dịch vụ công nghệ lớn nhất tại Nhật Bản vào năm 2025 và đặt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD năm 2027.

FPT đầu tư vào công ty Nhật Bản LTS, Inc. (Ảnh: FPT)

Ngày 13-10-2022, FPT Japan đã ký kết thỏa thuận đầu tư không chi phối, trở thành cổ đông chiến lược của LTS, Inc., công ty trong Top 20 công ty tư vấn, quản trị kinh doanh và chuyển đổi số tại Nhật Bản, với hơn 20 năm kinh nghiệm. Theo FPT, thỏa thuận chiến lược này sẽ giúp hai bên khai phá tốt nhất các cơ hội trong lĩnh vực tư vấn và dịch vụ công nghệ, với mục tiêu đạt được các hợp đồng trị giá hàng chục triệu USD tại thị trường Nhật Bản cũng như quốc tế. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, nói rằng: “Tôi kỳ vọng sự hợp tác này sẽ giúp FPT và LTS, Inc. có thể cạnh tranh với các công ty tư vấn chuyển đổi số hàng đầu thế giới.”

Năm 2021, FPT đã đầu tư vào Intertec International – công ty công nghệ của Mỹ có hơn 20 năm kinh nghiệm với hai trung tâm dịch vụ ở Costa Rica và Colombia. Trước đó năm 2018, FPT mua lại 90% cổ phần (ước tính hơn 50 triệu USD) của công ty tư vấn Intellinet Consulting tại Mỹ, nhằm đón đầu nhu cầu chuyển đổi số tại thị trường Mỹ cũng như các thị trường khác trên thế giới. Năm 2014, FPT sở hữu RWE IT Slovakia – công ty CNTT thành viên của Tập đoàn năng lượng hàng đầu Châu Âu RWE.

Mới nhất, ngày 23-2-2023, FPT công bố thương vụ mua lại toàn bộ mảng Dịch vụ Công nghệ (IT Services) – một trong những mảng kinh doanh chiến lược của Intertec International mà FPT đã bắt đầu đầu tư vào Intertec năm 2021. Thương vụ này là một phần trong chiến lược mở rộng các trung tâm dịch vụ công nghệ toàn cầu của FPT. Như vậy, FPT sẽ mở rộng sự có mặt của mình tại Costa Rica, Colombia và Mexico, 3 nước ở Trung Mỹ, Nam Mỹ và Bắc Mỹ có trung tâm sản xuất công nghệ của Intertec.

Cùng với mạng lưới 22 trung tâm cung ứng công nghệ của FPT trên toàn thế giới, mảng dịch vụ công nghệ của Intertec mới sáp nhập FPT sẽ giúp hai bên bảo đảm đồng hành cùng khách hàng nhanh nhất ở mọi múi giờ, mọi địa điểm trên thế giới.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” vào ngày 23-2-2023 tại Hà Nội. Đây là hoạt động mở đầu chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. Với mục tiêu để thế giới biết đến Việt Nam không chỉ là điểm đến, mà còn là nơi Việt Nam đến, để sản phẩm Make in Việt Nam chinh phục thị trường toàn cầu, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai chiến dịch hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Tại hội nghị này, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT, Bộ Thông tin và Truyền thông, khẳng định: Thị trường công nghệ thế giới có rất nhiều cơ hội. Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không chỉ có thế mạnh về nguồn nhân lực năng động và sáng tạo mà còn có khả năng cạnh tranh về giá cả so với thị trường CNTT toàn cầu. Đây là lý do để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần phải đi ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi “mở cõi”.

  • Bản in trên báo Người Lao Động thứ Bảy 1-7-2023 và trên báo NLĐ Online.

PHẠM HỒNG PHƯỚC