Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Nông sản lên “mây”

Trò chơi dân gian với bài đồng dao “Rồng rắn lên mây” là niềm vui hồn nhiên của trẻ em làng quê Việt từ thời xa xưa. Còn “nông sản lên mây” là ước muốn của những người nông dân Việt thời 4.0.

Nông sản lên “mây” tất nhiên là đưa nông sản lên mạng, lên Internet. Sau khi “an cư” mới tính chuyện “lạc nghiệp” vừa nâng tầm nông sản, vừa đưa nông sản đi xa bốn phương tám hướng.

Trong những năm qua, các cơ quan hữu trách Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp và tổ chức nganh nghề nông nghiệp, đã có nhiều nỗ lực đưa nông sản lên mạng. Và việc đưa nông sản lên “mây” chính là một nội dung – cũng là mục tiêu – của công cuộc chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng một nền nông nghiệp số và nông nghiệp thông minh.

Từ truy xuất nguồn gốc nông sản…

Còn nhớ cách đây không lâu, giữa một trận lốc xoáy về an toàn thực phẩm, TP.HCM đã nóng lên việc truy xuất nguồn gốc nông sản bằng công nghệ số kết hợp với Internet. Có những loại nông sản “sạch” được quản lý từ quá trình nuôi trồng cho đến xuất trại với chiếc nhãn in mã QR code dán trên vỏ và bao bì. Người mua chỉ cần dùng ứng dụng trên thiết bị di động quét lên mã đó là có thể biết được xuất xứ của loại nông sản mà mình đang tham khảo.

Tiếc là chuyện đại sự này lại giẫm phải cái vết chân (không phải dấu chân “footprint” công nghệ đâu) có màu sắc phong trào, đột phát rồi vội mờ tàn.

Có một thực tế không vui là bao lâu nay, đa số người tiêu dùng lầm tưởng rằng cái mã QR thường được in trên nhãn bao bì chính là tem xuất xứ có thể giúp người ta dẽ dàng truy xuất nguồn gốc món hàng. Thiệt ra, mấy cái mã này chủ yếu để người dùng dễ dàng truy cập tới trang web của nhà sản xuất hay giới thiệu về sản phẩm đó. Theo ông Lê Văn Hóa, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương – VIOIT (Bộ Công Thương), ó khoảng 95% sản phẩm đang được bày bán ở ngoài các siêu thị cũng như các cửa hàng được gắn mã QR code và được quảng bá đó là truy xuất nguồn gốc, nhưng thực chất đây chỉ là việc truy cập thông tin, kiểm tra hàng hóa xem đơn vị nào sản xuất, địa chỉ ở đâu. Còn chuyện truy xuất nguồn gốc sản phẩm thì bự xự hơn nhiều, đòi hỏi nhà sản xuất và nhà phân phối phải có cả cơ sở dữ liệu bao gồm tiến trình sản xuất của từng sản phẩm, ngay từ lúc nó còn là một hạt giống, một con giống. Chẳng hạn, Điều 18, Tiêu chuẩn EC 178/2002 của Liên minh Châu Âu (EU) định nghĩa: “Truy xuất nguồn gốc có nghĩa là khả năng tìm ra nguồn gốc một loại thực phẩm, thức ăn gia súc, động vật sản xuất thực phẩm hoặc một hợp chất muốn bổ sung vào thực phẩm hoặc thức ăn gia súc, thông qua các giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối”.  Khi quét mã QR kết nối với cơ sở dữ liệu này, người tiêu dùng có thể biết rõ sản phẩm mà mình tham khảo được sản xuất như thế nào, từ lúc gieo trồng đến chăm sóc, bón phân khi nào với loại phân gì, phun thuốc lúc nào với thuốc gì, rồi tới khâu thu hoạch, vận chuyển, đưa ra thị trường. Nhờ vậy mà người tiêu dùng có thể hiểu rõ tất tần tật về sản phẩm mà mình mua.

Việc truy xuất nguồn gốc nông sản quả là có lợi nhiều bề. Trước tiên là sòng phẳng phục vụ người tiêu dùng, đặc biệt là trong xu thế an toàn thực phẩm, sống lành mạnh, giúp người tiêu dùng có thể hiểu tường tận nông sản trước khi chọn mua mà nạp vào bao tử. Nó giúp các doanh nghiệp phân phối biết rõ được sản phẩm mình kinh doanh cũng như giúp các cơ quan quản lý nắm được chất lượng sản phẩm trên thị trường. Và rộng hơn nữa, nó chính là một dấu bảo chứng chắp cánh cho nông sản Việt ra thị trường thế giới. Hầu như các nước phát triển đều coi việc truy xuất nguồn gốc nông sản là một trong các tiêu chuẩn để chấp nhận nhập khẩu nông sản từ nước ngoài.

Cổng Thông tin Truy xuất nguồn gốc nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Yêu cầu về truy xuất nguồn gốc nông sản là một vấn đề của toàn cầu chứ không phải chỉ ở những nước nông nghiệp như Việt Nam. Các nước không phải là nông nghiệp lại càng đặt yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc nông sản nhập khẩu. Các nước nông nghiệp thì cần bảo đảm truy xuất nguồn gốc nông sản để phục vụ xuất khẩu. Hiện nay, Việt Nam là một nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt kỷ lục mới với 53,22 tỷ USD, trong đó, có nhiều mặt hàng đạt trên 2 tỷ USD như: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra,…

Cổng dữ liệu quốc gia chung của truy xuất nguồn gốc nông sản ở Việt Nam hiện nay là Cổng Thông tin Truy xuất nguồn gốc sản phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN) xây dựng và vận hành tại địa chỉ: https://checkvn.mard.gov.vn. Trong một cuộc thông tin với báo chí hồi tháng 3-2023, ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (đơn vị vận hành cổng thông tin này), cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, Hệ thống Truy xuất nguồn gốc của Bộ NN-PTNN đang kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống truy xuất của 8 tỉnh, thành phố và có hơn 3.964 doanh nghiệp với bộ mã truy xuất nguồn gốc của 16.987 sản phẩm nông sản, thực phẩm.”

Nhìn những con số đó, ai cũng thấy là còn quá ít và quá mỏng. Thực tế vào ngày 25-7-2023, chúng tôi truy cập Cổng Thông tin Truy xuất nguồn gốc sản phẩm và thấy hệ thống mới chỉ liên kết được thông tin với 2 bộ khác là Bộ Công Thương và Bộ Y tế; UBND 7 tỉnh thành trong tổng số 63 tỉnh thành của cả nước (Thành phố Hà Nội, Thành phố Cần Thơ, các tỉnh Hưng Yên, Hòa Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, và Hà Nam). Tại đây người dùng có thể truy xuất thông tin sản phẩm của các ngành nông nghiệp: trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản, diêm nghiệp, lâm nghiệp, và mía đường. Tuy nhiên, số nhà sản xuất được liên kết vẫn còn quá ít, cả nước mới có số cơ sở sản xuất đăng ký là 239 cơ sở (ngành trồng trọt); 47 cơ sở (ngành chăn nuôi) và 72 cơ sở (ngành thủy sản). Muốn biết các con số này còn bé tí xíu ra sao, ta cứ tham khảo số liệu từ cơ quan của Bộ NN-PTNN: hiện nay, Việt Nam có 19.000 hợp tác xã nông nghiệp, 14.200 doanh nghiệp nông nghiệp, 7.500 cơ sở chế biến nông nghiệp, 9.400 siêu thị và chợ hạng 1. Đây chỉ mới tính các nhà sản xuất nông sản “có tóc”, có tư cách pháp nhân.

Trong nỗ lực đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp, Bộ NN-PTNN ngày 19-5-2023 đã ban hành Quyết định số 1988/QĐ-BNN-TCCB do Bộ trưởng Lê Minh Hoan ký “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp”. Trung tâm này được thành lập trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn lại Trung tâm Tin học và Thống kê của Bộ. Trung tâm là đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, an toàn thông tin của Bộ NN-PTNN; thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thống nhất tổ chức triển khai hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong Bộ và ngành NN-PTNN; tổ chức triển khai xây dựng, quản lý, quản trị, vận hành hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu và các hệ thống thông tin, nền tảng số của Bộ,…

Việt Nam không thiếu hành lang pháp lý cho việc truy xuất nguồn gốc nông sản. Bản thân các nhà sản xuất chân chính cũng sẽ đồng tình với việc này vì “cây ngay không sợ chết đứng” và họ muốn được bảo chứng về chất lượng sản phẩm của mình. Vì vậy, vấn đề của vấn đề là các cơ quan chức năng triển khai ra sao.

Tác giả B.T. viết trên báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Việc hội nhập sâu với thế giới càng đòi hỏi công tác truy xuất nguồn gốc nông sản ngày càng cần được nâng cao để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của nước nhập khẩu. Chính vì vậy, việc thúc đẩy số hóa để nâng cao chất lượng của truy xuất nguồn gốc nông sản, bảo đảm chính xác, minh bạch, trung thực và tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân, doanh nghiệp đang là đòi hỏi tất yếu. Đây cũng là công tác đang nhận được nhiều sự quan tâm của Bộ NN-PTNT và đã đạt được những kết quả bước đầu”. Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Công nghệ phần mềm AutoAgri, góp ý: muốn thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cơ quan nhà nước cần có những hướng dẫn để doanh nghiệp dễ hiểu hơn. Đồng thời, Nhà nước cũng cần mở hướng để các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực số hóa này. Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, cho rằng: để số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản thực sự đi vào thực tiễn, có tính hiệu quả cao, rất cần sự tham gia, phối hợp của tất cả các bên, từ nhà nước tới doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.

… đến đưa nông sản lên bán trên Internet

Ơn Giời là trong cái thời sống trên mạng, cuộc sống số này, người ta có thể mua được nhiều loại nông sản trên Internet. Ngày càng có thêm nhiều nhà sản xuất và nhà bán lẻ đưa các loại nông sản lên bán online, cả trên các sàn thương mại điện tử, siêu thị online lẫn các trang web riêng. Nông sản chào bán trên các mạng xã hội, như Facebook, thì ôi thôi là vô thiên lủng.

Nhưng thực tế số nhà bán nông sản online đông thì có đông thiệt nhưng vẫn chỉ như muối bỏ biển và phát sinh nhiều bất cập, lộn xộn, thât giả lẫn lộn. Những người shopping online “có nghề” thì biết tham khảo đa chiều, thường chọn mua trên các nền tảng thương mại điện tử và siêu thị online lớn, cũng như các trang web chính chủ. Nguy cơ bủa vây tiền mất tật mang nhất là mua hàng trên mạng xã hội – nơi có giá trời ơi đất hỡi và chất lượng “uy tín nhà may Tèo”.

Điều đáng khích lệ là có những nhà kinh doanh online như Lazada, Grab,… đã có những dự án hỗ trợ tiểu thương, trong đó có những người bán nông sản, mở cửa hàng trên những nền tảng này. Đặc biệt vào những cao điểm nông sản bị dội chợ quy mô lớn, các nền tảng thương mại điện tử này đã tích cực “giải cứu” nông dân đưa một số loại nông sản “ế” lên bán trên nền tảng mình. Họ có lợi thế là có những tệp khách hàng quen thuộc và hệ thống kho vận phủ rộng.

Chương trình “giải cứu” vải thiều Bắc Giang trên Lazada.

Gần đây nhất là hồi tháng 6 qua đầu tháng 7-2023, Lazada đã phối hợp cùng Trung tâm Tin học và công nghệ số (CID), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Đoàn Thanh niên tỉnh Bắc Giang và Công ty UFO (gian hàng bán lẻ FoodMap) để đưa sản phẩm vải thiều cao cấp của Bắc Giang, đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu Châu Âu, lên sàn TMĐT. Chương trình “Lục Ngạn Bắc Giang – Vải chuẩn từ tâm – Nâng tầm nông sản” không chỉ giúp mở rộng kênh phân phối cho các doanh nghiệp trẻ tại Bắc Giang, mà còn là cơ hội để người tiêu dùng trải nghiệm vải thiều đặc sản ngay tại TP.HCM. Tất cả sản phẩm đều được thu mua trực tiếp từ vườn, sau đó qua quy trình lựa chọn và phân loại kỹ càng, bảo quản và đóng gói theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Chỉ sau 2-4 giờ, vải thiều sẽ được giao tới tay người tiêu dùng với giá thấp hơn từ 25% đến 30% so với giá bán trên thị trường.

Anh Bùi Văn Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Bắc Giang, chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi đồng hành cùng Lazada và Foodmap giới thiệu những hợp tác xã trồng vải theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với chất lượng tốt nhất đến với đông đảo người tiêu dùng trên cả nước, đặc biệt là tại khu vực phía Nam.”

Trước đó, trong tình hình cả nước khốn khổ vì cao điểm đại dịch COVID-19, vào giữa năm 2021, Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED – thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Agrotrade – thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC-VCA – thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) và Grab Việt Nam đã hợp tác thực hiện chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Vào thời điểm đó, lễ ký kết phải diễn ra trực tuyến.

Trước hết, chương trình này đặt mục tiêu hỗ trợ tiêu thụ nông sản đối với các địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, địa phương nằm trong vùng giãn cách, phong tỏa xã hội, trong đó có thử nghiệm trên nền tảng của Grab. Theo chiến lược dài hạn, chương trình hợp tác này đóng vai trò như một mô hình thử nghiệm nhằm xem xét tính hiệu quả về hỗ trợ chuyển đổi số cho các nhà sản xuất nông nghiệp từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ, nhằm nâng cao lợi thế, tính cạnh tranh và thúc đẩy thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Nền tảng siêu ứng dụng đa dịch vụ Grab đã công bố dự án GrabConnect nhằm kết nối nông sản và đặc sản địa phương an toàn, chất lượng từ nông dân đến người tiêu dùng khắp cả nước thông qua ứng dụng công nghệ.

Nông sản lên “mây” thì bác nông dân cười, cô nàng đi chợ khoái, nhà quản lý khỏe.

  • Bài đã được in trên Tạp chí Nông Thôn Việt số 91 tháng 8-2023

PHẠM HỒNG PHƯỚC