Thứ Năm ngày 07 tháng 11 năm 2024

Trường học số vẫn còn trong ước mơ đầu năm học mới

Ngày thứ Hai 21-8-2023, các học sinh lớp 1 tại TP.HCM và nhiều địa phương khác đã nô nức tựu trường, lần đầu tiên chuyển từ bậc học Mầm non lên bậc Tiểu học với hầu hết sự thay đổi mới mẻ hoàn toàn. Và từ ngày 24 đến 31-8-2023, học sinh phổ thông các khối lớp còn lại sẽ lần lượt tựu trường. Tất cả chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới 2023-2024 trên cả nước vào ngày 5-9-2023.

Theo thông lệ đã quen từ nhiều năm trước, nhiều phụ huynh đạ tìm tham gia các nhóm Zalo, Facebook,… của trường, của lớp con mình học do thầy cô và phụ huynh lập ra. Trước nay, chính nhờ các nhóm liên lạc mạng xã hội như vậy mà nhà trường, thầy cô và phụ huynh có thể kết nối với nhau, nhanh chóng thông tin cho nhau. Đó là một dạng sổ liên lạc điện tử. Và trải nghiệm này cũng giúp tăng mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các bên, cũng như củng cố sự đoàn kết giữa các phụ huynh. Chỉ có điều, tất cả đều tự phát và chủ yếu do có những thầy cô và phụ huynh biết tận dụng công cụ công nghệ phục vụ cho nhu cầu thích đáng của các bên.

Cô trò trong một lớp học được số hóa. (Ảnh: Internet. Thanks).

Đó là lý do mà các phụ huynh và học sinh trong năm học mới này một lần nữa xứng đáng được hưởng kết quả của công cuộc chuyển đổi số trong ngành giáo dục, mà trước hết là từ lớp học số, trường học số. Cụ thể, đó là mọi hoạt động của nhà trường, cả dạy lẫn học, đều được chạy trên nền tảng số.

Còn nhớ, vào hạ tuần tháng 12-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức Hội thảo chuyển đổi số giáo dục năm 2022, có cả 2 Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và Hoàng Minh Sơn đồng chủ trì. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu của xã hội nói chung và ngành GD-ĐT nói riêng. Phải lấy người học và người dạy làm trung tâm của chuyển đổi số, lấy lợi ích của người học, nhà giáo, người dân làm thước đo đánh giá chuyển đổi số; xác định vai trò trách nhiệm chuyển đổi mạnh mẽ của cán bộ quản lý. Những đòi hỏi này cần được cụ thể hoá bằng những kế hoạch, hành động cụ thể.

Trong khi đó, báo cáo về chuyển đổi số trong giáo dục tại hội thảo nói trên, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục CNTT, cho biết: thời gian qua, kết quả ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của Bộ GD-ĐT nói riêng, ngành GD-ĐT nói chung đã đạt một số kết quả quan trọng.

Nhưng thực tế thì những người có liên quan hiểu rõ mọi chuyện vẫn còn ngổn ngang, nhiều bất cập. Kết quả có đó, nhưng chưa như kỳ vọng.

Chẳng hạn, nếu như trong chuyển đổi số, ngành Y tế số phải xây dựng sổ khám bệnh điện tử dùng chung, không còn phụ thuộc vào những cuốn sổ khám bệnh in giấy của từng bệnh viện, ngành Giáo dục cũng cần có học bạ điện tử dùng chung. Khai thác thuận lợi với các cơ sở dữ liệu quốc gia, mỗi học sinh được xác định bằng chính số định danh cá nhân của từng em. Cụ thể, mã số học sinh chính là số định danh cá nhân đó, sẽ theo học sinh suốt cả cuộc đời, phục vụ cho một xã hội học tập suốt đời. Với học bạ điện tử dùng chung đó, hệ thống giáo dục dễ dàng quản lý người học và các học sinh cũng tiện lợi trong việc lưu giữ cả quá trình học tập của mình. Khi phải chuyển trường, nhất là sang tỉnh thành khác, học sinh cũng sẽ được chuyển học bạ điện tử đến nơi mới để tiếp tục.

Rồi cần có cả công cụ liên lạc trên nền điện tử giữa nhà trường và phụ huynh cũng như với học sinh. Công cụ đó bảo đảm an toàn thông tin, liên lạc thông suốt, kết nối rộng khắp các đối tượng.

NGÔ LÊ