Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Chính quyền số lấy người dân là trung tâm phục vụ

Chính quyền số / chính phủ số là một trong 3 cột trụ của công cuộc chuyển đổi số toàn diện quốc gia mà Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện trên toàn quốc. Hai cột trụ kia là kinh tế số và xã hội số. Và với nhiệm vụ của mình, chính quyền số phải phục vụ cho cả 2 trụ cột còn lại.

“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 6-2020 nhằm mục tiêu chuyển từ giai đoạn ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử sang giai đoạn tập trung chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Đó là giải đoạn xây dựng chính quyền số.

Từ rất sớm, Việt Nam đã nhận thức được vai trò của công nghệ, tiến hành các giai đoạn phát triển chính quyền từ giấy tờ thủ công truyền thống lên tin học hóa để số hóa văn bản. Tiếp đó là xây dựng chính quyền điện tử (e-government), đưa các thủ tục và hoạt động của chính quyền lên nền điện tử, online. Trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 với yêu cầu chuyển đổi số toàn diện quốc gia, hoạt động quản lý và hành chính của nhà nước được nâng cấp và chuyển đồi thành chính quyền số (digiat government), nơi mọi giao dịch giữa người dân và chính quyền đều diễn ra trên môi trường số.

Công ty cung cấp giải pháp công nghệ toàn cầu Unisys giải thích: Chính phủ điện tử liên quan đến việc số hóa các thủ tục, tài liệu và dịch vụ để cải thiện quản trị bằng cách sử dụng công nghệ hiện đại. Chính phủ kỹ thuật số sử dụng các công cụ được cung cấp để cải thiện việc quản lý và tổ chức các dịch vụ của chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của người dân. Cụ thể hơn, chính phủ số sử dụng cấu trúc và sự tiện lợi của công nghệ hiện đại cho phép công dân truy cập và chia sẻ thông tin một cách thuận tiện với tất cả các cấp chính quyền.

Trang OECD iLibrary của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gồm 37 nước thành viên cho biết: Những nỗ lực ban đầu của chính phủ điện tử nhằm đưa các quy trình và dịch vụ tương tự lên mạng, giảm sự phụ thuộc vào các thủ tục giấy tờ và thủ tục trực tiếp. Tuy nhiên, trong khi hợp lý hóa các thủ tục trong từng lĩnh vực riêng lẻ, kết quả tổng thể thường bị rời rạc và lấy chính phủ làm trung tâm. Gần đây hơn, chính phủ số ra đời nhằm mục đích suy nghĩ lại và thiết kế lại các quy trình và dịch vụ công của chính phủ để đáp ứng nhu cầu và mong đợi của người dùng.

Kinh nghiệm ở các nước OECD cho thấy tiến trình hướng tới chính phủ số được xây dựng trên nền tảng vững chắc về chiến lược, quản trị và đầu tư nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các đơn vị thuộc khu vực công. Suy nghĩ kỹ thuật số ngay từ đầu, thu hút người dùng tham gia thiết kế và cung cấp dịch vụ, quản lý và sử dụng dữ liệu công một cách có đạo đức cũng như nuôi dưỡng tài năng và kỹ năng kỹ thuật số sau đó có thể góp phần vào sự thành công của chính phủ số.

Cà Mau xây dựng chính quyền số. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Cà Mau).

Nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 do Bộ Thông tin – Truyền thông tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Trong kế hoạch chuyển đổi số quốc gia với tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, phát triển thịnh vượng, tiên phong ứng dụng các công nghệ mới và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện phương thức quản lý, điều hành của Chính phủ; sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; lối sống, làm việc và học tập của người dân; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, bao trùm, rộng khắp…

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong thời gian qua, công tác chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt dữ liệu số năm 2023, đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt như trong kết nối chia sẻ dữ liệu; khai thác dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng dữ liệu số; số hóa dữ liệu. Hiện nay, hệ thống thông tin của Chính phủ đã kết nối dữ liệu với 80 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và đã chia sẻ dữ liệu thử nghiệm hằng ngày, hằng tháng từ các bộ, ngành cho 15 địa phương để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.

Lễ trao giải thưởng ASOCIO 2023 diễn ra tối 1411-2023, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Công nghệ số ASOCIO 2023 được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc. Đại diện TP.HCM (người mặc áo dài) nhận giải cho hạng mục Chính quyền số xuất sắc (Ảnh: VINASA)

TP.HCM trong thời gian qua đã khai thác các lợi thế của mình tích cực triển khai công cuộc chuyển đổi số toàn diện trên toàn thành phố. Đầu mối và trở thành nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số này chính là chính quyền số. Kết quả của việc xây dựng chính quyền số mà TP.HCM đạt được đã được quốc tế ghi nhận tại Hội nghị Thượng đỉnh Số ASOCIO Digital Summit 2023 của Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á – Châu Đại Dương (Asian-Oceanian Computing Industry Organization, ASOCIO), diễn ra tại Seoul (Hàn Quốc) từ ngày 13 đến 15-11-2023. Và TP.HCM đã được trao Giải thưởng ASOCIO 2023 cho hạng mục Chính quyền số xuất sắc (ASOCIO Digital Government Award), một trong 8 hạng mục giải thưởng thường niên của ASOCIO – tổ chức liên châu lục ra đời từ năm 1984 hiện gồm 24 nền kinh tế thành viên, trong đó có Việt Nam.

Các tiêu chí để xét trao giải thưởng Chính quyền số xuất sắc của ASOCIO bao gồm:

  • Triển khai các chiến lược và giải pháp kỹ thuật số để cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ cho người dân về mặt đo lường được và trong các lĩnh vực dịch vụ công.
  • Áp dụng công nghệ để cung cấp các dịch vụ chính phủ minh bạch và có đạo đức nhằm nâng cao tính liêm chính và công bằng xã hội.
  • Triển khai các dịch vụ kỹ thuật số để hỗ trợ đáng kể cho giáo dục, phúc lợi xã hội và sức khỏe cộng đồng của người dân.
  • Triển khai các ứng dụng được công nhận tại các khu vực thành phố thông minh trọng điểm.

Trong một chia sẻ với báo chí sau khi TP.HCM nhận được giải thưởng ASOCIO 2023, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, nhấn mạnh rằng: nỗ lực của thành phố nhằm hướng đến mục tiêu thấu hiểu người dân hơn nữa, từ đó cung cấp dịch vụ số và chăm sóc người dân tốt hơn. Điều này rõ ràng đã bám sát yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong chuyển đổi số.

Thật ra, với đặc thù của mình cộng với vị thế một thành phố lớn nhất nước, thành phố trung tâm của cả nước trong nhiều lĩnh vực – đặc biệt là kinh tế và giao thương, mật độ người dân đông và tốc độ đô thị hóa nhanh, chuyển đổi số là lời giải bắt buộc cho bài toán phát triển của TP.HCM trong thời đại số toàn cầu. Và để quản lý và phục vụ cho công cuộc phát triển đó, công việc quản lý Nhà nước cũng bắt buộc phải chuyển thành chính quyền số.

Theo thông tin từ Sở TT-TT TP.HCM, để phục vụ cho chính quyền số, TP.HCM đã quan tâm đầu tiên đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông – Internet mà hiện nay toàn bộ các xã phường đều được phủ dịch vụ Internet băng thông rộng và sóng di động 3G/4G. TP đã ứng dụng nền tảng số liên thông để phục vụ người dân và doanh nghiệp, như xây dựng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính công, Tổng đài 1022 để tiếp nhận và giải đáp thông tin, hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông 113-114-115, cổng thông tin điện tử TP tích hợp hơn 100 trang thông tin thành viên. Về mặt điều hành quản lý, TP.HCM cũng đã xây dựng hệ thống tổng hợp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo và điều hành, hệ thống quản trị thực thi TP trên nền tảng số,…

Một điều nổi bật là TP.HCM nhạy bén biết khai thác thế mạnh của mạng xã hội trong giao tiếp với người dân. Ông Lâm Bình Thắng cho biết: “Toàn bộ ý kiến, cảm xúc của người dân hằng ngày trên môi trường số được thành phố ghi nhận một cách nhanh chóng và kịp thời có giải pháp điều hành tốt hơn.”

Người dân kỳ vọng rằng mô hình chính quyền số của TP.HCM từng đạt giải thưởng quốc tế sẽ trở thành một điển hình và hình mẫu cho các địa phương khác trên cả nước. Nhưng trước tiên, TP.HCM sẽ còn phải làm nhiều hơn nữa để hoàn thiện hơn và cập nhật mô hình chuyển đồi số của mình.

Chính quyền số ở Singapore – Smart Nation. (Ảnh: Internet. Thanks.)

Singapore là một nước có nền kinh tế số tăng trưởng mạnh. Theo dữ liệu do chính phủ công bố hồi thượng tuần tháng 10-2023, nền kinh tế số của Singapore vào năm 2022 đạt tới 100 tỷ SGD (73 tỷ USD), tăng 83% trong 5 năm qua. Hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế số đó chính là chính quyền số của Singapore.

Cách tiếp cận Chính phủ số của Singapore đã khởi đầu hành trình xây dựng hệ sinh thái số mở (ODE) của đão quốc này. Nó đã tuân thủ một số nguyên tắc hướng dẫn của ODE như tạo các khối xây dựng kỹ thuật số có thể tái sử dụng và chia sẻ, đầu tư vào năng lực của con người để bảo đảm hoạt động trơn tru và áp dụng cách tiếp cận có sự tham gia của nhiều nguồn lực để xây dựng các giải pháp.

Hành trình chính phủ số của Singapore bắt đầu từ những năm 1980 với Chương trình Tin học hóa Quốc gia. Chính phủ Singapore đã đưa ra 7 kế hoạch CNTT-TT quốc gia kể từ năm 1980 để hỗ trợ phát triển và triển khai Chính phủ điện tử để sau này chuyển lên thành Chính phủ số. Ngày nay, Chính phủ Singapore hình dung về một quốc gia thông minh tận dụng công nghệ để cải thiện cuộc sống của người dân và chủ doanh nghiệp. GovTech dẫn đầu về năng lực kỹ thuật số và kỹ thuật nội bộ của Chính phủ thông qua sức mạnh tổng hợp trong toàn bộ chính phủ, cũng như hợp tác công-tư và quốc tế.

  • Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 22-11-2023 và trên báo NLĐ Online.

ANH PHÚC