Cẩn trọng với bọn lừa đảo mùa cận Tết
Cũng đành phải khá khen thay bọn tội phạm mạng khi chúng “mùa nào, thức nấy” đã tung ra hàng loạt chiêu trò lừa đảo mùa cận Tết Giáp Thìn 2024.
Thật sự, theo Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), ngay trong nửa cuối tháng 12-2023, trên mạng Internet và những nền tảng mạng xã hội đã xuất hiện những chiêu trò lừa đảo “ăn theo” Tết Dương lịch 2024. Và ngay sau Tết Dương lịch, chắc chắc bọn tội phạm mạng sẽ lợi dụng tình trạng và tâm lý của mọi người trong mùa cận Tết Nguyên đán truyền thống để ráo riết lừa đảo.
Nổi cộm tất nhiên là chuyện săn mua vé máy bay về quê ăn Tết và đi du lịch đầu Xuân. Đây là thời điểm nhu cầu vé máy bay tăng mạnh, dẫn đến khan hiếm hàng, đặc biệt là vé tốt (giá tốt và thời gian tốt).
(Hình do AI Microsoft Bing Image Creator vẽ ngày 4-1-2024).
Chiêu trò của bọn lừa đảo là lập những trang Facebook giả mạo đại lý bán vé, công ty du lịch hay những tài khoản mạo danh nhân viên của hãng hàng không. Nhiều cò mồi được tung ra với vai trò “hành khách tin tưởng và đặt mua thành công”.
Cục An toàn Thông tin khuyến cáo người dân nên trực tiếp đặt vé qua website chính thức của các hãng hàng không và các đại lý bán vé có uy tín, hoặc gọi trực tiếp lên tổng đài của các hãng đó. Nếu đã lỡ mua vé bên ngoài rồi thì nhờ nhân viên của hãng kiểm tra lại các thông tin về hành khách và hành trình bay. Tốt nhất là không nên giao dịch qua bên thứ ba hay các nơi chào bán mà mình không thật sự tin tưởng và kiểm chứng được.
Kế đó là chuyện tìm kiếm việc làm thêm dịp Tết. Hằng năm, đây là thời điểm mà nhiều nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ Tết cần theo lao động, đồng thời nhiều lao động thời vụ và sinh viên – đặc biệt là từ các tỉnh cần tìm thêm việc làm kiếm tiền ăn Tết.
Bọn tội phạm cũng dựng lên những Fanpage giả và những tài khoản mạo danh để tuyển người làm thêm dịp Tết. Đủ loại công việc, đủ hình thức làm việc: lao động thời vụ, cộng tác viên,…Chúng lừa nạn nhân ứng trước tiền lệ phí hay cung cấp thông tin cá nhân cho chúng, thậm chí cả thông tin về tài khoản ngân hàng.
Bọn tội phạm mạng cũng khai thác thói quen mua sắm quần áo mới diện Tết để lừa đảo. Chúng lập ra những Fanpage, tài khoản để chào mời mua quần áo, đặc biệt là quần áo các hãng may mặc thanh lý, xả hàng,… với giá hấp dẫn. Nạn nhân tiềm năng của chúng là cả khách lẻ lẫn những người mua về bán lại. Khách mà tin chúng, thanh toán tiền trước là sập bẫy. Thậm chí, có khi chúng cho thanh toàn tiền lúc nhận hàng, nhưng người mua không được kiểm hàng trước.
Còn nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi khác mà mọi người luôn phải cảnh giác với những chào mời mua hàng, giao dịch dịch vụ trên mạng.
Cục An toàn Thông tin khuyến nghị người dân luôn cảnh giác với những lời mời chào trên mạng xã hội; thường xuyên cập nhật và nắm bắt thông tin về an toàn không gian mạng; tuyệt đối không cung cấp những thông tin cá nhân để tránh bị đánh cắp thông tin sử dụng cho mục đích phi pháp. Người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để xứ lý nếu mình đã lỡ bị lừa gạt. Đặc biệt là các nạn nhân tuyệt đối không tin các dịch vụ cam kết sẽ giúp mình lấy lại được tiền bị lừa gạt kẻo lại tiếp tục dính bẫy tập 2.
- Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 3-1-2024 và trên báo NLĐ Online.
NGÔ LÊ