Thứ Ba ngày 03 tháng 12 năm 2024

Bọn lừa đảo qua mạng làm khổ cả thế giới

Có một chân lý mạng: hễ còn sử dụng mạng Internet thì con người vẫn phải tiếp tục đương đầu với các thể loại tội phạm mạng, trong đó có lừa đảo qua mạng ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều người dùng đầu cuối.

Các chuyên gia nói rằng người ta chỉ có thể biết được con số thiệt hại của từng vụ việc cụ thể hay của tổng cộng các vụ việc đã được phát hiện, chứ không thể có được những con số tổng chính xác cho từng năm hay từng quốc gia. Đơn giản là nạn lừa đảo qua mạng không thể thống kê được, một phần là do tâm lý chung “đèn nhà ai nấy tỏ” và đây là “sự cố tế nhị” nói ra “xấu thiếp, hổ chàng”. Nhưng tất cả các nhà nghiên cứu đều khẳng định rằng tội phạm lừa đảo qua mạng ngày càng nguy hiểm và gây nhiều tổn thất nặng nề hơn trên phạm vi toàn cầu. Một mặt, bọn tội phạm khai thác các công nghệ mới, kể cả trí tuệ nhân tạo (AI). Mặt khác, chúng ngày càng có nhiều chiêu trò tinh vi hơn, nhiều hình thức hơn, và có sức thuyết phục con mồi cao hơn.

Nhiều cơ quan truyền thông trong và ngoài nước gần đây trích dẫn báo cáo tổng kết năm của tổ chức Liên minh Liên minh Chống Lừa đảo toàn cầu (Global Anti-Scam Alliance, GASA) về tình hình lừa đảo qua mạng trên thế giới trong năm 2023. Tất nhiên, do phương thức thu thập dữ liệu còn hạn chế và quy chiếu ước lệ, các con số tổng cộng trong báo cáo của GASA không mang ý nghĩa đại diện cụ thể cho từng quốc gia và toàn cầu. Cách làm của GASA là phỏng vấn 1.000 người ở mỗi nước rồi lấy kết quả nhân với số dân cho ra số tổng của từng nước. Vì thế, việc truyền thông nhấn mạnh vào các con số tổng dễ gây hiểu lầm cho công chúng, trong khi chúng chỉ có ý nghĩa tham khảo. Đó là lý do mà các con số “70% người Việt là nạn nhân của lừa đảo mạng” và “tổng số tiền mà người Việt Nam bị lừa mất lên đến 16,2 tỷ USD” trong năm 2023 chỉ là những con số suy diễn và võ đoán.

Nhưng nếu tách riêng ra, những số liệu của GASA lại rất đáng chú ý. Cụ thể, GASA đã khảo sát 1.063 người Việt Nam. Và trong đó, có tới 311 người (chiếm 29% tổng số người khảo sát) thừa nhận mình từng bị lừa đảo qua mạng trong năm 2023. Bình quân mỗi người trong số này bị lừa mất 734 USD (hơn 18 triệu đồng).

Trên quy mô toàn cầu, trong 49.459 người tại 43 nước và vùng lãnh thổ tham gia cuộc khảo sát của GASA, có tới 59% cho biết bình quân mình đụng phải ít nhất một vụ lừa đảo qua mạng mỗi tháng. “Đụng” lừa đảo nhiều nhất là người Hồng Kông (90% số người được hỏi); kế đó là Brazil (81%); Malaysia (79%): Thái Lan (78%); Úc và Canada (76%). Bị lừa đảo ít nhất thế giới là người Ba Lan và Arập Xê-út, nhưng cũng có tới 40% số người được hỏi đã bị bọn lừa đảo qua mạng tiếp cận ít nhất 1 lần mỗi tháng.

Có tới 45% số người tại 43 nước tham gia khao sát của GASA cho biết họ bị bọn lừa đảo mạng tiếp cận trong năm 2023 nhiều hơn năm trước. Cao nhất là người Hồng Kông (tới 71%); kế đó là Singapore (63%); Úc, Nigeria và Kenya (61%).

Nhìn sang nước Trung Quốc láng giềng, nơi bọn tội phạm lừa đảo qua mạng lộng hành trong nội địa lẫn ở hải ngoại. Ngày 5-1-2024, Bộ Công an Trung Quốc cho biết họ đã tóm được 391.000 vụ lừa đảo qua điện thoại và trên mạng trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 11-2023.

Một nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng người Trung Quốc đang được cảnh sát Myanmar bàn giao cho phía Trung Quốc hồi tháng 8-2023. (Ảnh: CGTN).

Theo thống kê của Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 6 tháng đầu năm 2023, số vụ lừa đảo qua mạng tại Việt Nam tăng gần 65% so với cùng kỳ năm 2022, và tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022. Có ba nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng ở Việt Nam. Mục tiêu chính của bọn lừa đảo qua mạng là người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng.

Trong số 1.063 người Việt Nam tham gia khảo sát của GASA, có tới 70% cho biết trong năm 2023, mỗi tháng họ  bị bọn lừa đảo tiếp cận ít nhất 1 lần. Có gần 15% bị gần như mỗi ngày và hơn 25% bị nhiều ngày mỗi tuần.

Bọn tội phạm lừa đảo ở Việt Nam còn táo tợn tới mức lừa đảo cả những nạn nhạn vừa bị lừa đảo. Theo Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng (Bộ TT&TT), gần đây trên mạng Facebook đã xuất hiện những nhóm quảng cáo là có thể hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo. Hậu quả là có những nạn nhân bị lừa đảo “tập 2” vừa mất thêm tiền, vừa bị mất thông tin cá nhân. Đơn cử như chị H. ở Hà Nội hồi giữa năm 2023 bị lừa 100 triệu đồng khi xin việc làm cộng tác viên online trên mạng để kiếm hoa hồng, sau đó bị lừa mất thêm 300 triệu đồng do dính bẫy lừa trên Facebook khi chị nhờ một nhóm giúp lấy lại tiền bị lừa trước đó.

Như đã nói ở trên, việc không thể có được con số tổng kết chính xác nạn lừa đảo qua mạng là do nạn nhân “thà chết không khai”. Chỉ có 23% số người Việt Nam được GASA khảo sát thừa nhận họ đã báo cáo vụ việc với công an hay cơ quan chức năng.

Tiền bị lừa đảo “offline” xưa nay còn khó thu hồi, huống chi là bị lừa đảo qua mạng. Trong số 1.063 người Việt Nam được GASA khảo sát năm 2023, chỉ có một tỷ lệ cực nhỏ (1%) cho biết họ đã tìm cách lấy lại được toàn bộ số tiền bị lừa. Có 32% chấp nhận mất tiền, không tìm cách thu hồi. Trong khi đó có tới 64% đã tìm mọi cách để thu hồi tiền mất, nhưng đành “bó tay”.

Tất nhiên, “của đau, con xót”, tiền mất vì nạn lừa đảo trên mạng gây nhiều tác động tiêu cực đến người ta. Theo GASA, chỉ có 13% số người Việt Nam được khảo sát là cho qua hay ít nghĩ đến chuyện mình bị lừa mất tiền của. Còn tới 87% từ đau trung bình tới rất là đau (54% bị ảnh hưởng tâm trạng rất nặng).  

Những cuộc gọi điện thoại lừa đảo chiếm tuyệt đại đa số ở Việt Nam. Theo khảo sát của GASA với 1.063 người Việt Nam, có tới 80% vụ lừa đảo là qua hình thức gọi điện thoại. Tiếp theo là bằng tin nhắn văn bản/SMS (chiếm gần 60%). Chiếm gần 50% là các tin nhắn Facebook Messenger, WhatsApp, Telegram. Kế đó là các bài trên Facebook, Instagram, Pinterest, TikTok,…

Bên cạnh đó, sự phát triển áp đảo cuộc sống mạng của các loại mạng xã hội đã trở thành đất dụng võ cho bọn lừa đảo qua mạng. Ở Việt Nam, Facebook là nền tảng có tới 70% bọn lừa đảo sử dụng. Kế đó là Gmail gần 30%; rồi Telegram, Google, TikTok,…

Trong số các nguyên nhân chính khiến nạn nhân dính bẫy lừa đảo trên mạng ở Việt Nam, cao nhất là hám lợi, bị mà mắt trước những “lợi lộc” mà bọn lừa đảo đưa ra. Kế đó là tuy có nghi ngờ, nhưng vẫn chấp nhận hên xui. Thứ ba là do quá vội vàng, không kịp nghĩ ngợi.

Từ kinh nghiệm của thế giới, trong khi không thể trừ tiệt được tội phạm lừa đảo qua mạng, việc phòng tránh là yếu tố quan trọng nhất. Và “chiến binh đầu tiên và quan trọng sống còn” trong cuộc chiến chống bọn lừa đảo trên mạng chính là người sử dụng mạng. Họ phải có được ý thức tự bảo vệ mình trước tiên và cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo, chủ yếu đánh vào tâm lý “hám lợi lộc” và tật cả tin của nhiều người. Giới chuyên gia khuyến nghị người dùng nên kiểm tra và xác minh chắc chắn thông tin của người nhận trước khi thực hiện bất cứ giao dịch chuyển tiền nào trên mạng. Đặc biệt là cẩn trọng gấp bội lần đối với các yêu cầu đột xuất, không xác định hoặc không rõ ràng.

Tất nhiên, cuộc chiến chống lừa đảo trên mạng luôn phải là một cuộc “song kiếm hợp bích” giữa người dân và cơ quan chức năng của Nhà nước.

Chỉ số An ninh mạng Quốc gia (National Cyber Security Index, NCSI) là một chỉ số toàn cầu, đo lường mức độ sẵn sàng của các quốc gia trong việc ngăn chặn các mối đe dọa mạng và quản lý các sự cố mạng. NCSI cũng là cơ sở dữ liệu chứa các tài liệu bằng chứng được cung cấp công khai và là công cụ để xây dựng năng lực an ninh mạng quốc gia. Vào thời điểm tháng 12-2023, Top 5 nước được NCSI ghi nhận có hệ thống an ninh mạng quốc gia mạnh nhất trên thế giới lần lượt là Ba Lan (90,83 điểm); Estonia (85,83); Ukraine (80,83); Latvia (79,17); và United Kingdom (75,00).

ANH PHÚC