45 năm cuộc chiến tranh vệ quốc ở Biên giới phía Bắc
Vậy là đã tròn 45 năm (17-2-1979/2024) ngày nổ ra cuộc chiến tranh xâm lược do nhà cầm quyền Bắc Kinh phát động ở toàn dải biên giới phía Bắc của Tổ quốc Việt Nam. Và cũng từ ngày 17-2-1979 đó, toàn dân Việt Nam đã lại phải lao vào một cuộc chiến tranh vệ quốc bảo vệ tổ quốc thân yêu của mình chỉ mới vừa nối lại trọn vẹn hình chữ S trước đó chưa đầy 4 năm. Và đây cũng là một trong những cuộc chiến vệ quốc được cả toàn dân tộc Việt Nam đồng lòng.
Vào dịp kỷ niệm 39 năm sự kiện này, năm 2018, A Phủ có viết trên blog: “Còn nhớ hôm ấy là thứ Bảy 17-2-1979 (tức 21 tháng Giêng năm Kỷ Mùi). Lúc đó tôi và anh chị em sống trong khu tập thể tại tòa soạn báo Long An đã thức dậy để tập thể dục mỗi sáng theo điệu nhạc và lời điều khiển phát từ chiếc loa phóng thanh gắn phía trước Thư viện tỉnh nằm đối diện trên đường Nguyễn Huệ. Và chúng tôi đã bàng hoàng khi nghe hung tin: lúc 5 giờ sáng 17-2-1979, Bắc Kinh đã xua một đạo quân hùng hậu tấn công đồng loạt biên giới phía Bắc của Việt Nam mở màn cho cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc do quân bành trướng Trung Quốc chủ xướng, tuy chỉ kéo dài vỏn vẹn 1 tháng, nhưng gây tổn thất nhân mạng quá nặng nề cho cả hai bên, đặc biệt là thường dân ở những vùng biên giới. Hàng vạn người đã mất mạng trong và sau cuộc chiến đó. Nỗi kinh hoàng do quân xâm lược tuân lệnh ‘dạy cho Việt Nam một bài học’ từ Đặng Tiểu Bình, khi đó là Phó Thủ tướng Trung Quốc, gây ra mà những người dân Việt trực tiếp gánh chịu hằn sâu vào tâm khảm họ thành những vết sẹo vĩnh viễn.”
“Ngày 5-3-1979, Quốc hội Việt Nam ra quyết định và Chủ tịch nước ban hành lệnh tổng động viên. Anh em ở báo Long An chúng tôi mỗi người viết quyết tâm thư thể hiện việc sẵn sàng ra chiến đấu ở biên giới phía Bắc. Vào thời điểm đó, tỉnh Long An vừa trải qua những tháng năm oằn mình chống trả cuộc chiến xâm lược của bọn đồ đệ Bắc Kinh là bọn Pol Pot – Ieng Sary, cầm đầu Khmer Đỏ tấn công hung ác dọc tuyến biên giới Tây Nam từ năm 1975 tới cuối năm 1978 trước khi quân dân Campuchia với sự trợ giúp của Việt Nam, theo yêu cầu danh chính ngôn thuận của lực lượng yêu nước nổi dậy nước bạn, lật đổ được nhà cầm quyền Khmer Đỏ tay sai Bắc Kinh vào tháng 1-1979, chỉ hơn 1 tháng trước khi Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc của Việt Nam”.
Và cho đến bây giờ, sau 45 năm nổ ra cuộc chiến, A Phủ vẫn kiên trì với suy nghĩ: “Tôi luôn ghi nhớ những sự kiện như thế này không phải để nuôi giữ lòng thù hận cho nó luôn ám ảnh và làm nặng lòng chính mình. Nhưng tôi không có quyền quên bất cứ ai đã hy sinh thậm chí cả mạng sống mình để bảo vệ giang sơn Tổ quốc mà ông cha ta đã đổ máu xương và dày công xây dựng từ ngàn xưa rồi trao lại cho các thế hệ con cháu. Tôi luôn hiểu rằng mình còn tồn tại tới hôm nay và sống an lành tại đây chính là nhờ những hy sinh của những người bảo vệ non sông, cho dù họ chiến đấu với lý tưởng nào. Tôi chỉ cần biết họ là những người Việt, và cả người nước ngoài, đã đổ máu để bảo vệ giang sơn Việt Nam”.
Một trong những hình ảnh được coi là biểu tượng của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Một người lính Việt Nam chong súng sẵn sàng chiến đấu ở cột mốc 0 Km tại Lạng Sơn. (Ảnh được chụp vào năm 1979, ngay sau khi quân Trung Quốc đã rút về nước.)
Dĩ nhiên, là một netizen, A Phủ vẫn chứng nào tật nấy: “Hôm nay, tôi nhắc lại sự kiện 17-2-1979 nổ ra cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc cũng là để ngày này những năm sau Facebook sẽ tự động nhắc nhở tôi trong Memory”. Thôi thì, dù sao đó cũng là một phương thức kỷ niệm của thời công nghệ Internet, nhất là trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo AI.
Một lần nữa, A Phủ lại xin chia sẻ những hình ảnh tư liệu từ Internet để lại nhờ Internet lưu giữ lại cho con cháu.
Các bạn có thể tham khảo thêm một số thông tin từ VTC Now.
A.P.