Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Ứng dụng dùng chung: 1 cửa và liên thông

Khi cần làm việc với một cơ quan nhà nước hay thực hiện các thủ tục hành chính công, người dân chỉ cần truy cập vào một ứng dụng duy nhất trên điện thoại của mình. Mọi việc sẽ diễn ra trên môi trường số online mà người dân không cần phải trực tiếp đến công sở.

Đó chính là yêu cầu của người dân trong kỷ nguyên số khi xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. Đặc biệt khi TP.HCM xác định đến cuối năm 2025, tất cả các lĩnh vực hành chính công đều phải được thực hiện trên môi trường số.

Ảnh do AI Microsoft Designer DALL-E 3 tạo. Thanks.

Trước đây, khi người dân truy cập Internet chủ yếu trên máy tính, phần mềm dùng chung là yêu cầu cần thiết và phát huy tác dụng. Còn bây giờ, trong kỷ nguyên di động, số người dùng các thiết bị di động, chủ yếu là smartphone, để kết nối Internet chiếm hầu hết. Theo báo cáo Digital 2024: Việt Nam do We Are Social và Meltwater công bố hồi tháng 2-2024, vào thời điểm tháng 1-2024, Việt Nam có 78,44 triệu người dùng Internet (chiếm 79,1% dân số). Trong khi có số dân 99,2 triệu người, Việt Nam lại có tới 168,5 triệu kết nối di động. Số người kết nối Internet bằng máy tính để bàn và laptop chỉ còn 59,9% tổng số người dùng Internet, trong khi có tới 94,5% người dùng Internet kết nối bằng smartphone và 26,3% bằng máy tính bảng.

Đó là lý do mà từ phần mềm dùng chung trên máy tính, chúng ta giờ đây cần có ứng dụng dùng chung trên thiết bị di động.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đếh năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) do UBND TP.HCM tổ chức ngày 20-2-2024, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, nói rằng: nếu muốn năm 2025 các thủ tục có liên quan đến hành chính phải diễn ra trên nền tảng số, thì ngay từ bây giờ phải tập trung phát triển các dịch vụ công và triển khai app công dân duy nhất để người dân sử dụng.

Hiện nay, TP.HCM đã thu nhập được 7.677.777 hồ sơ căn cước công dân gắn chíp và 5.570.696 tài khoản định danh điện tử mức 2. Đây chính là cơ sở dữ liệu phục vụ cho chính quyền số của TP.

Sở dĩ phải nói là ứng dụng công dân duy nhất của TP là để tránh tình trạng loạn ứng dụng, khi mỗi quận huyện hay mỗi ban ngành xây dựng ứng dụng riêng cho mình. Điều này không chỉ gây rối (không tương thích, không liên thông), mà còn lãng phí nguồn lực và ngân sách nhà nước. 

Trên quy mô toàn quốc hiện đã có VNeID – ứng dụng công dân số quốc gia do Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Bộ Công an) phát triển trên nền tảng ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân. Kết hợp với quy trình định danh điện tử mức 2, ứng dụng này đang tiếp tục được phát triển và hoàn thiện để trở thành một trung tâm thông tin về công dân, trong đó có chức năng ví giấy tờ tùy thân số – nơi quản lý và xuất trình với giá trị pháp lý các loại giấy tờ tùy thân của công dân, thay cho bản in trên giấy.

Còn ở cấp tỉnh, thành, trong thời gian qua, ngày càng có thêm nhiều tỉnh, thành đã xây dụng được các ứng dụng công dân số của địa phương. Đây chính là trung tâm hành chính công số, nơi có thể thực hiện sự tương tác giữa dân cư và chính quyền địa phương.

Chẳng hạn như ở tỉnh Ninh Bình, năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng, triển khai ứng dụng công dân số My Ninh Bình. Khi triển khai thí điểm ở thị trấn Me và nhân rộng ra các xã trên địa bàn huyện Gia Viễn, ứng dụng công dân số này cho thấy hiệu quả rõ rệt, được nhân dân tiếp nhận tốt. Chia sẻ trên Đài Truyền hình Ninh Bình, ông Lã Trường Sinh (ở thị trấn Me, huyện Gia Viễn), cho biết: “Khi mình sử dụng ứng dụng My Ninh Bình thấy rất tiện lợi trong cuộc sống. Thứ nhất là sự tương tác giữa công dân với chính quyền địa phương, mình bày tỏ được ý kiến của mình nhanh nhất đến chính quyền địa phương. Thứ hai là những dịch vụ làm hồ sơ nhanh, thuận tiện.”

Từ đầu năm 2023, tỉnh Yên Bái đã triển khai ứng dụng công dân số YenBai-S do UBND tỉnh đặt hàng Viettel Yên Bái thiết kế, xây dựng. Ứng dụng này do Trung tâm Điều hành thông minh thuộc Văn phòng UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp quản lý, vận hành. Đây là ứng dụng đa tiện ích trên thiết bị thông minh, chỉ cần cài đặt một app duy nhất, người dùng có thể sử dụng nhiều tiện ích thông minh, dễ dùng, vừa để thực hiện các thủ tục hành chính công, vừa có thể tương tác trực tiếp với các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Được đưa vào vận hành từ rất sớm, vào tháng 10-2021, đến nay, ứng dụng Công dân Sóc Trăng đã được nâng cấp lên phiên bản mới, bổ sung các thông tin và cải thiện nhiều chức năng. Ứng dụng này cung cấp đầy đủ thông tin, dịch vụ để người dân có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân đối với nhà nước trên môi trường số. Nó hiện bao gồm chức năng phản ánh hiện trường, dịch vụ công, camera giám sát, thanh toán trực tuyến, thông tin tiện ích thuộc nhiều lĩnh vực, ban ngành,…

Ảnh do AI Microsoft Designer DALL-E 3 tạo. Thanks

Rõ ràng việc xây dựng ứng dụng công dân số rất cần thiết nhưng không còn lạ lẫm. Có rất nhiều bài học kinh nghiệm để các tỉnh, thành chưa triển khai có thể tham khảo.

Với ứng dụng công dân số, mỗi cư dân địa phương có một tài khoản riêng, nên dựa trên số định danh cá nhân, được quản lý và xác thực bằng các công nghệ bảo mật cao, trong đó có sinh trắc học (dấu vân tay, khuôn mặt, mống mắt,…). Người dân khi đăng nhập ứng dụng này thì giống như có mặt tại trung tâm hành chính công của tỉnh, thành để có thể tương tác và thực hiện các thủ tục, dịch vụ hành chính công online.

Tất nhiên, mỗi tỉnh, thành chỉ nên xây dựng một ứng dụng công dân số duy nhất, trong đó tích hợp hành chánh công của các sở ngành, quận huyện. Không để xảy ra tình trạng mỗi quận huyện, thậm chí phường xã, tự phát triển ứng dụng riêng. Chỉ cần đăng nhập vào ứng dụng công dân số của tỉnh, thành, người dân địa phương có thể tương tác với chính quyền và có thể thực hiện các thủ tục hành chính công ở tỉnh, thành mình. Yêu cầu đặt ra là ứng dụng công dân số này phải tập trung 1 cửa và liên thông đầy đủ, thật sự. Đồng thời ứng dụng phải mang tính phổ quát cao, không đòi hỏi thiết bị phải có cấu hình mạnh, có giao diện thân thiện, dễ sử dụng, đặc biệt là những người thuộc nhóm yếu thế về công nghệ (như người lớn tuổi, người lao động, người có trình độ thấp,…) đều có thể sử dụng dễ dàng.

Có ít nhất 2 điển hình với nhiều bài học thực tế để các tỉnh, thành tham khảo trong việc xây dựng và triển khai, vận hành ứng dụng công dân số.

Đó là ứng dụng VNeID với những vấn đề mà nó đang gặp phải và được người dùng phản ánh trên báo chí và các mạng xã hội. Như đăng ký và thiết đặt còn khó khăn – đặc biệt khi tiến hành xác thực, bị quá tải, giao diện chưa dễ thao tác, chưa thể tích hợp nhiều thông tin cá nhân và giấy tờ tùy thân, giá trị pháp lý vẫn còn bất cập – thậm chí phải chờ sửa luật,…

Và giải pháp khai thác hình thức mini-app của ứng dụng Zalo trong lĩnh vực chính quyền điện tử và hành chính công online. Các “ứng dụng nhỏ trong ứng dụng lớn” đã cho thấy sự hữu dụng hơn giải pháp phần mềm riêng lẻ.

Bài đã in trên báo Người Lao Động thứ Tư 13-3-2024 và trên báo NLĐ Online.

NGÔ LÊ