Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Một góc nhớ về những bìa nhạc bản ở Sài Gòn trước năm 1975

Ngày xửa chưa xưa ở Sài Gòn trước năm 1975. Lúc đó, các bản nhạc do các nhà xuất bản, nhà tổng phát hành như Tinh Hoa, Á Châu, An Phú, Diên Hồng, Khai Sáng, Minh Phát, Sống Chung, Tinh Hoa Miền Nam,… hoặc tự tác giả in ấn phát hành được in thành từng bản rời (tờ nhạc, nhạc bản, music sheet) trên giấy cứng khoảng khổ A3 ngày nay gấp đôi lại thành khổ cao 30cm x ngang 22cm (na ná khổ A4). Tờ nhạc gồm 4 trang: Trang 1 là bìa, trang 2 và 3 là nội dung bài hát có lời và khung nhạc, và trang 4 dùng để in giới thiệu, quảng cáo.

Ảnh từ Internet. Thanks.

Ngoài ra, sau này còn có hình thức nhạc bỏ túi cũng gồm 4 trang với kích thước nhỏ xíu bỏ vừa túi.

Hồi đó, “ông vua bìa nhạc” là họa sĩ Kha Thùy Châu cùng với họa sĩ Duy Liêm. Trong khi Duy Liêm vẽ bìa nhạc với phong cách lập thể hình khối, Kha Thùy Châu (tên thật là Nguyễn Tấn Thành, sinh năm 1932 tại Rạch Giá) có lối vẽ tả chân, tân kỳ, thiên về hai mảng đen và trắng phù hợp với kỹ thuật in typo khắc gỗ, khắc kẽm đương thời. Bìa nhạc của ông rất ưa nhìn. Nghe nói, ông là tác giả của hàng ngàn bìa nhạc.

Các bản nhạc này được bán ở khắp miền Nam, từ các nhà sách cho đến các sạp hàng tạp phẩm ngoài chợ.

Ảnh từ Internet. Thanks.

Hồi đó, khi bắt đầu vào trung học đệ nhất cấp (trung học cơ sở ngày nay), ở tuổi 12-13, A Phủ đã đam mê thú sưu tập các nhạc bản và trở thành khách hàng thường xuyên, thậm chí hằng ngày, của tiệm sách Tinh Hoa và các sạp bán nhạc ở cuối Chợ Kiến Tường (bùng binh giữa nhà lồng chợ và chợ cá). Hầu như ngày nào, A Phủ cũng la cà ở đó để lựa mua các nhạc bản, đặc biệt là đón những nhạc bản mới ra lò theo xe đò từ Sài Gòn về tỉnh lẻ biên giới Kiến Tường.

Lựa được bản nhạc ưng ý, đặc biệt là các bản nhạc mới ra lò, A Phủ mang về ôm cây đàn ghi-ta thùng mà tập hát. Bữa nào hên thì được nghe lỏm từ radio nhà cô hàng xóm ca sĩ hát bản nhạc mới đó mà tập theo. Ông bà mình dạy hát hay không bằng hay hát. A Phủ chỉ mê hát thôi chớ giọng thì dở đến mức nhà A Phủ không hề có bóng dáng một con chuột cống nào dám lai vãng. Cũng may cho lối xóm vì thời đó chưa có cái gọi là karaoke hung thần như ngày nay.

Cứ hễ sưu tập được 20 nhạc bản là A Phủ lại đóng thành tập, không theo chủ đề, mà chỉ theo thời gian mua thôi. Số tập nhạc này dã bị thiêu hủy chung số phận với tủ sách báo, tạp chí của A Phủ trong những tháng đầu sau 30-4-1975 khi địa phương mở chiến dịch truy quét cái gọi là “văn hóa phẩm đồi trụy”. Mà hồi đó sợ quéo luôn á, bây giờ cũng sợ mà ít hơn.

Ảnh từ Internet. Thanks.

Có một kỷ niệm mà A Phủ nhớ cả đời về những nhạc bản này. Sau 30-4-1975 ít ngày, khu cư xá của A Phủ ở bên ngoài Cửa Đông (Mộc Hóa) được trưng dụng làm nơi tập trung cho công chức và một số thể loại quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Trong đó có đơn vị văn nghệ tâm lý chiến của Tiểu khu Kiến Tường. Một bữa nọ, một cô ca sĩ tâm lý chiến đi ngang qua nhà A Phủ, ngó qua cửa sổ thấy có cây đàn ghi-ta treo trên vách và một chàng đẹp trai tuổi 18 trắng trẻo đang mặc tà lỏn ngồi chồm hổm vét nồi cơm nguội với khô quẹt. Cô nàng bèn hỏi xin nước uống. Tất nhiên, A Phủ không từ chối mà còn mời vô nhà ngồi nói chuyện, lúc đó dại… đến mức hết biết sợ ai. Sau đó, A Phủ mỗi lúc một dại thêm… hỏi cô ấy có muốn họa ảnh chân dung mình lộng vào hình bìa nhạc bản hay không? A Phủ lôi mấy chồng nhạc bản ra cho cô ấy lựa bìa mình ưng ý. Sau đó cô ca sĩ về lấy đưa cho A Phủ một hình chụp chân dung của cô ấy. Hí húi hì hục trong một ngày, A Phủ đã dùng phương thức chụp ca rô phóng lại bìa nhạc kèm với ảnh chân dung cô ca sĩ bằng bút chì (vẽ truyền thần) lên mặt sau một tờ lịch tháng còn trắng, cắt bằng khổ ảnh 6×9 cm. Mà bà mụ khéo nặn nên A Phủ khéo tay. Kết quả là sau đó, hầu như cô ca sĩ tâm lý chiến nào tập trung ở gần nhà A Phủ cũng đều có được một tấm ảnh lộng bìa nhạc á. Hỗng biết giờ này các cụ bà hơn 70 tuổi đó có còn nhớ kỷ niệm này không. Biết đâu có cụ bà nào trong số đó giờ đọc được những dòng này gợi nhớ cái “chàng đẹp trai khéo tay” hồi đó chưa xa… mới gần nửa thế kỷ. Tầm này có tiếc nuối thì cũng đành hẹn nhau ở kiếp lai sinh. Chớ A Phủ nhớ khôn nguôi.

Tham khảo:

A.P.