Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Chút nỗi lòng riêng nhân ngày Rằm tháng 4

Trộm vía ngày Rằm tháng 4 Giáp Thìn 2024, A Phủ xin chia sẻ chút nỗi lòng riêng.

A Phủ không phải là người theo Phật giáo, nhưng từ nhỏ, A Phủ luôn tôn kính Phật, và nhà A Phủ là một gia đình hòa đồng tôn giáo.

A Phủ trộm nghĩ, những người có niềm tin vào Đức Phật dù sống trên đời này không thể trở thành Phật sống nhưng vẫn luôn là Phật tử. Mỗi người đều có căn tính Phật trong mình. Hành trình làm người cũng là hành trình giác ngộ (ngộ bản thân và ngộ pháp). Nói cách phổ quát (A Phủ trộm nghĩ chớ không phải generative AI tạo), giác ngộ là quá trình hoàn thiện con người theo chân – thiện – mỹ.

Ảnh do AI Microsoft Designer DALL-E 3 tạo. Thanks.

Các vị xuất gia rũ bỏ hồng trần khoác lên người những tấm y màu vàng, màu nâu, màu lam, màu chàm thể hiện cho đời sống đơn giản, bình dị của người tu hành. Có người ví đó là những màu của đất, của khói hương, của cây lá củ rễ rất giản dị và gần gũi với đời thường. Chốn tu hành luôn là nơi an bình, cho dù không phải vắng vẻ. Một ngôi chùa thật sự là nơi thờ Phật, có Phật hiện diện thì cho dù nườm nượp bá tánh vẫn toát lên và cho mọi người có được cảm nhận bằng an tâm hồn, thoát cõi trần tục.

Ông bà mình dạy: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. A Phủ trộm nghĩ thêm: “Chiếc áo thầy tu giúp thầy tu được người đời nhận diện và phân biệt với người đời”.

Không phải bây giờ, ở thế kỷ 21 đang sục sôi trend AI và bán dẫn đâu, mà từ ngàn xưa, trong vô vàn các nhà tu hành chân chính là chủ đạo vẫn luôn có những “hạt sạn” là những kẻ khoác áo tu hành và ở trong chốn tu hành nhưng mang lòng tà.

Tác giả Tuệ Tâm mà Thư viện Hoa Sen đăng bài viết rằng: “Cách đây hơn 2.500 năm trước, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng dự ngôn, sau khi Ngài ly thế, cũng chính là vào thời kỳ Mạt pháp thì Phật Pháp mà ngài truyền sẽ bị phá hư, diệt vong. Và trong thời Mạt pháp, sẽ xuất hiện rất nhiều tăng nhân giả làm thiện tri thức đưa chúng sinh lầm đường lạc lối.” Cứ mỗi chu kỳ 500 năm, Phật giáo lại lâm vào một thời khủng hoảng gọi là “mạt pháp” thách thức con người dễ bị mất tâm pháp vốn để câu thúc đạo đức. Đức Phật từng dự ngôn: “Cứ thế về sau, ở trong Pháp ta, tuy cạo đi tóc râu, mặc lên áo cà sa, (nhưng lại) hủy phá giới cấm, hành xử không như Pháp, là Tỳ kheo giả.”

Vì thế, những người có danh nghĩa nhà tu hành mà nói năng và hành xử xằng bậy, đi ngược Phật pháp, xuyên tạc giáo huấn của Đức Phật, tuy có “biệt tài” mê dụ và điều khiển chúng sinh, họ không thể là người của Phật đừng nói chi là đại diện trần thế cho Đức Phật. Tất nhiên, phải bình tâm mà nhìn nhận, có những người có lòng tu hành thật, nhưng chưa đạt cảnh giới vẫn còn bị thế tục trì kéo để chưa tiệt căn ham muốn thất tình lục dục, còn sân si, đố kị, hoặc nhẹ thì có những lúc hồ đồ. Không thể đổ thừa cho Phật giáo dù những “hạt sạn” đó chắc chắn ít nhiều ảnh hưởng tới hình ảnh của Phật giáo. Có đáng trách chăng là giáo quyền không nghiêm minh xử lý (không dám nói là dung túng) những “Tỳ kheo giả” đó. Và rồi cũng phải nhìn lại những người đang quá tin vào những người ấy tới mức không phân biệt được đâu là lời Phật dạy thật sự. Thật ra, cái bộ lọc (filter) hữu hiệu xưa đúng nay cũng không trật đó là khẩu quyết: “Đức Phật chỉ dạy điều hay lẽ phải, điều tốt đẹp cho chúng nhân”.  

Cuối cùng, xin mọi người rộng lòng xá tội cho A Phủ nếu như A Phủ vô tình mạo phạm.

A.P.