Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Hành chính công lên môi trường số hướng tới chính quyền số

Từ ngày 1-8-2024, TP.HCM có thêm một bước tiến mới trên hành trình xây dựng chính quyền số. Đó là Thường trực UBND, UBND TP.HCM và Văn phòng UBND TP.HCM từ nay không tiếp nhận văn bản giấy của các đơn vị trực thuộc; (trừ 4 loại hồ sơ văn bản được nêu tại Công văn số 92/UBND-HCTC); và sẽ chuyển trả các hồ sơ điện tử không đúng thành phần theo quy định. Riêng với người dân gửi văn bản giấy, UBND TP.HCM vẫn tiếp nhận bình thường.

Trước đó, vào ngày 25-6-2019, UBND TP.HCM đã chính thức công bố triển khai hệ thống “Phòng họp không giấy” (eCabinet) và ứng dụng “Giao việc tức thời, nhắc việc thông minh” do Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) phát triển. Việc này nhằm mục đích chuyển phương thức làm việc từ văn bản giấy sang môi trường điện tử, góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng các phiên họp; tăng tính kịp thời, hiệu quả trong xử lý công việc, quản lý, điều hành của UBND TP. TP dự kiến việc triển khai này sẽ giúp giảm 30% giấy tờ, 40% chi phí cho việc họp hành.

Người dân làm thủ tục hồ sơ đất đai ở TP. Thủ Đức, TP.HCM. (Ảnh: QUANG ĐỊNH/Báo Tuổi Trẻ)

Ngay trước đó một ngày, sáng 24-6-2019, Văn phòng Chính phủ cũng đã khai trương hệ thống thông tin e-Cabinet phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ. Hệ thống này dự kiến sẽ giảm 30% thời gian họp của Chính phủ trong năm 2019.

Theo UBND TP.HCM, trong thời gian qua, nhiều đơn vị đã thực hiện nghiêm việc gửi hồ sơ trên môi trường điện tử, đúng thành phần hồ sơ theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm quy định này. Tình trạng này làm ảnh hưởng đến mục tiêu của Chính quyền TP là thực hiện số hóa toàn bộ 100% hồ sơ, đầy đủ các văn bản pháp lý của từng hồ sơ được nhận, gửi và xử lý trên môi trường điện tử.

Chính quyền số, chính quyền không giấy (paperless government) là xu thế thời đại của toàn cầu. Điển hình là Dubai vào năm 2021 đã trở thành chính quyền đầu tiên trên thế giới 100% không dùng tới giấy. Tiểu vương quốc thuộc Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) này đã đạt được các mục tiêu của Chiến lược Dubai Không giấy (Dubai Paperless Strategy) vốn được khởi động từ năm 2018 và gồm 5 giai đoạn nối tiếp nhau. Thái tử Sheikh Hamdan bin Mohammed bin Rashid Al Maktoum của Dubai vào năm 2021 cho biết việc đạt được chính quyền không giấy sau 3 năm triển khai đã giúp Tiểu vương quốc này tiết kiệm được 350 triệu USD và 14 triệu giờ nhân lực. Tất cả các giao dịch và thủ tục nội bộ lẫn bên ngoài trong Chính phủ Dubai hiện được số hóa 100% và được quản lý từ nền tảng dịch vụ chính phủ kỹ thuật số toàn diện.

Estonia vào năm 2018 đã chuyển hầu như mọi chức năng quản lý nhà nước lên môi trường số, không dùng giấy nữa. Chính phủ đất nước Bắc Âu bên bờ Biển Baltic này có tham vọng biến nền quản lý hoàn toàn bằng kỹ thuật số nhằm giảm bớt quan liêu, tăng cường tính minh bạch và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Thế giới Dịch vụ Công (Civil Service World) của Anh, Nhà nghiên cứu Chris Yiu nhận định: “Chính phủ đang thay đổi, nhưng thế giới xung quanh nó đang thay đổi nhanh hơn. Với Internet xung quanh chúng ta, thật hợp lý khi mong đợi chính phủ đón nhận kỹ thuật số. Các nhà lãnh đạo công của chúng ta cần phải vượt qua thử thách, nếu không sẽ có nguy cơ tạo ra hố sâu giữa cái mới và cái cũ, khiến toàn bộ hệ thống bị chia cắt.”

Thực hiện chủ đề năm 2024 của TP.HCM là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15”, trong 5 tháng đầu năm 2024, TP.HCM đã đẩy mạnh đổi mới thủ tục hành chính, áp dụng quy trình xử lý hồ sơ hành chính, ứng dụng chữ ký số trên môi trường điện tử. Cách làm của TP là vừa xây dựng nền tảng từ phía chính quyền, vừa tạo điều kiện và khuyến khích người dân tham gia. Hồi tháng 5-2024, HĐND TP.HCM đã thông qua chính sách áp dụng mức thu lệ phí bằng 0 đồng đối với 5 loại hồ sơ thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trên địa bàn TP.HCM. Đây là lần thứ hai TP áp dụng hình thức miễn giảm lệ phí như vậy.

TP.HCM cũng đã xác định mục tiêu đến cuối năm 2025, tất cả các lĩnh vực hành chính công đều phải được thực hiện trên môi trường số.

Hành trình chính quyền số của TP.HCM giờ đây có nhiều thuận lợi hơn khi nhiều cơ quan cấp trung ương và các tỉnh thành khác đang tăng tốc triển khai chuyển đổi số. Điều này giúp hệ thống chính quyền số của TP có thể liên thông với các hệ thống ngang và lên trung ương tốt hơn. Đơn cử như việc cũng từ ngày 1-8-2024, khi Thông tư 28/2024 của Bộ Công an chính thức có hiệu lực, theo quy định mới, người dân được lựa chọn kê khai đăng ký xe, bấm biển số trên ứng dụng VNeID, cổng dịch vụ công hoặc đến trực tiếp cơ quan công an. Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cho biết trong ngày đầu triển khai, đã có công dân thực hiện thành công, được cấp biển số tự động trên Cổng Dịch vụ Công Bộ Công an; đồng thời nộp lệ phí đăng ký xe trực tuyến và đăng ký nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính.

Tất nhiên, với những đặc thù của mình, TP.HCM có nhiều lợi thế hơn nhiều địa phương khác trên hành trình xây dựng chính quyền số nói riêng và chuyển đổi số nói chung. Các bài học của TP.HCM chắc chắn rất hữu ích cho các địa phương bạn. Và với vị thế đầu tàu trong nhiều lĩnh vực, TP.HCM luôn phải tiên phong khai phá con đường chuyển đổi số. Đặc biệt trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI), TP.HCM sẽ phải tăng cường ứng dụng AI trong chuyển đổi số. Nó sẽ giúp TP.HCM tăng hiệu suất trong công tác quản lý và điều hành, đồng thời vừa giúp phục vụ nhân dân tốt hơn, vừa nâng cao cuộc sống của người dân. Và người dân TP.HCM xứng đáng ở trong số những người đầu tiên được trải nghiệm công dân số. Nhưng trước hết phải xuất phát từ nền tảng là bộ máy chính quyền của TP phải tiến nhanh hơn tới mô hình chính quyền số một cách toàn diện và thực chất.

Bản in trên báo Tuổi Trẻ thứ Bảy 3-8-2024 và trên báo TTO.

PHẠM HỒNG PHƯỚC