Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Bao giờ cho đến băng tần 6GHz ở Việt Nam?

Nếu như những người dùng di động ở Việt Nam mỏi mòn chờ mạng 5G được thương mại hóa rộng rãi, những người kết nối Internet qua Wi-Fi cũng vẫn phải chờ đợi băng tần 6GHz.

Những chiếc smartphone hỗ trợ công nghệ Wi-Fi 6E đã được bán trên thị trường Việt Nam từ khoảng năm 2021. Rồi ngày càng có thêm nhiều thiết bị di động, bao gồm laptop, máy tính bảng, smartphone hỗ trợ Wi-Fi 6E có mặt tại Việt Nam. Đầu năm 2024, có thêm những thiết bị hỗ trợ chuẩn mới nhất là Wi-Fi 7.

Hồi đầu tháng 8-2024, thiết bị Wi-Fi 7 đầu tiên đã có mặt trên thị trường Việt Nam. (Ảnh: A.P.)

Ưu điểm của các chuẩn Wi-Fi mới này là công nghệ tiên tiến hơn, tốc độ nhanh hơn, băng thông rộng hơn, giảm nhiễu và cải thiện chất lượng kết nối, có thể kết nối cùng lúc nhiều thiết bị hơn,…

Chỉ có điều, cho đến nay, các thiết bị hỗ trợ chuẩn Wi-FI 6E và Wi-Fi 7 ở Việt Nam chỉ có thể hoạt động với chế độ hỗ trợ ngược để dùng chuẩn Wi-Fi 6 (hỗ trợ 2 băng tần 2.4GHz và 5GHz). Bởi lẽ, nếu muốn hoạt động tối ưu, hai chuẩn Wi-Fi mới này cần có băng tần 6GHz. Đây là băng tần chưa được Nhà nước quy hoạch cấp phép ở Việt Nam.

Thông tư 08/2021/TT-BTTTT hiện hành quy định Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 14-10-2021, thời điểm mà chuẩn Wi-Fi 6E trở đi chưa được thương mại hóa rộng rãi. Vì thế, căn cứ theo Phụ lục 10 của Thông tư này, chuẩn Wi-Fi 6E chưa có tên trong danh sách được cấp phép khai thác.

Trong khi đó, băng tần 6GHz đang ngày càng có nhu cầu cao trên toàn cầu. Người ta ước tính đến nay 2025 sẽ có khoảng 1,4 tỷ thiết bị Wi-Fi 6E trên thế giới. Vào cuối năm 2022, thế giới đã có hơn 60 quốc gia quyết định mở băng tần 6GHz cho Wi-Fi và hơn 20 quốc gia bắt đầu thủ tục hướng tới việc mở băng tần 6GHz. Có nước dành hoàn toàn băng tần 6GHz miễn phí cho Wi-Fi. Có nước chia ra một phần băng tần miễn cấp phép cho Wi-Fi và phần còn lại cấp phép cho mạng di động IMT thế hệ thứ 5 (5G NR).

Các thành viên của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đưa ra 3 xu hướng quy hoạch băng tần 6Hz là: toàn bộ 1.200MHz của băng tần 6GHz thành băng tần miễn cấp phép, chủ yếu sử dụng cho Wi-Fi; toàn bộ 1.200MHz thành băng tần cấp phép, chủ yếu sử dụng cho thông tin di động (IMT); quy hoạch 500MHz đoạn băng tần dưới (5925 – 6425 MHz) thành băng tần miễn cấp phép cho Wi-Fi và 700MHz đoạn băng tần trên (6425 – 7125 MHz) thành băng tần cấp phép cho di động.

Việt Nam được ghi nhận là quốc gia đang tích cực đánh giá phổ tần số 6GHz và xem xét các phương án để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này với mục tiêu đem lại lợi ích cao nhất cho người dùng. Ngay trong năm 2022, cơ quan quản lý cấp trung ương đã tổ chức 2 hội thảo về “Kết nối băng rộng Wi-Fi trên băng tần 6GHz”.

Có lẽ các nhà mạng di động của Việt Nam thích phương án phân chia băng tần 6GHz cho Wi-Fi và di động. Nhưng dù chọn phương án nào cũng phải bảo đảm phục vụ tối ưu nói chung là cho kinh tế số, xã hội số; và nói riêng là cho lợi ích của người dùng và doanh nghiệp. Và không còn nhiều thời gian để chờ quyết định nữa rồi.

Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 14-8-2024 và trên báo NLĐ Online.

HOÀI XUÂN