Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Quảng cáo trên điện thoại: làm sao cho bớt phiền người ta?

Hiện nay, nhờ sự quyết liệt hơn của các cơ quan chức năng, người đùng điện thoại đã giảm được đáng kể những cuộc “gọi rác và độc hại”. Nhưng người dùng điện thoại vẫn phải chịu đựng nhiều phiền nhiễu từ những người bán hàng và quảng cáo, tiếp thị trên điện thoại. Những người tiếp thị này cứ canh me lúc người ta nghỉ ngơi, thậm chí vào ban đêm, để gọi.

Để tránh bị các cuộc gọi quảng cáo tấn công, người dùng điện thoại chỉ còn có nước là không nghe các số lạ gọi đến. Việc đặt chế độ không đổ chuông sẽ gây ra cả lô lốc thông báo cuộc gọi lỡ cũng như không thể biết được những cuộc gọi cần thiết. Và việc không nhận cuộc gọi số lạ, không có tên trong danh bạ, sẽ khiến người dùng điện thoại bỏ lỡ những cuộc gọi từ những tài xế xe công nghệ hay những nhân viên giao hàng.

Ở bên Mỹ, nếu gọi đến số máy lạ hay biết là mình chưa có tên trong danh bạ người kia, người ta thường phải nhắn tin báo trước cho biết mình là ai và muốn gọi điện.

Trung tâm tiếp thị qua điện thoại. (Ảnh: AI Microsoft Copilot DALL-E 3)

Tất nhiên, việc bán hàng qua điện thoại (telesale), tiếp thị qua điện thoại (telemarketing) là hợp pháp trên thế giới. Đó cũng là một loại hình kinh doanh, một công việc kiếm sống của người ta. Người dùng điện thoại phải chấp nhận có những cuộc gọi như vậy. Vấn đề là các cuộc gọi chào hàng, quảng cáo phải tuân thủ các quy định của nhà chức trách, như trong những khung thời gian nhất định (phổ biến là trong giờ làm việc), không vượt quá tần suất cho phép trong ngày đối với một người gọi,…

Các nhà mạng Việt Nam đang triển khai quy định định danh cuộc gọi để hiện rõ tên của số máy gọi đến. Có lẽ, phương thức này nên được mở rộng ra các doanh nghiệp có nhu cầu, và các tổ chức làm dịch vụ quảng cáo. Tất nhiên là với các loại hình kinh doanh như thế thì nhà mạng có thể thu một khoản lệ phí hợp lý cho việc định danh cuộc gọi.

Người dùng điện thoại trong khi phải chấp nhận “chung sống” với loại hình chào hàng, tiếp thị qua điện thoại, nhưng phải có quyền để lựa chọn từ chối hay tiếp nhận các cuộc gọi nào. Và họ làm được điều đó nhờ vào các cuộc gọi được định danh rõ ràng. Hiện nay, một số ứng dụng như Truecaller,… có thể giúp người dùng nhận diện cuộc gọi theo những “định danh” do những người dùng khác phản hồi và gán cho. Bất cập là có những số điện thoại đã bị “chơi xấu” gán cho những “định danh” bất lợi.

Theo Nghị định 91/2020/NĐ-CP về Chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, thuê bao điện thoại có thể đăng ký đưa số thuê bao của mình vào Danh sách không quảng cáo (DoNotCall) của Bộ Thông tin và Truyền thông để không nhận tin nhắn hay cuộc gọi, hoặc cả tin nhắn lẫn cuộc gọi quảng cáo.

Nếu không ban hành luật thì nhất thiết phải có nghị định về loại hình tiếp thị và bán hàng qua điện thoại. Trong đó phải quy định rõ khung thời gian được thực hiện các cuộc gọi này. Như ở Mỹ, các cuộc gọi tiếp thị chỉ được thực hiện từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối (các ngày thường) và từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều (những ngày cuối tuần)

Nỗi khổ về những cuộc gọi quảng cáo là vấn nạn toàn cầu đã diễn ra từ rất lâu và người ta buộc phải chấp nhận sự tồn tại của chúng mà thường xuyên có những biện pháp giảm nhẹ phiền toái.

Hình thức chào hàng, quảng cáo trên điện thoại đã xuất hiện ở Mỹ từ nhiều chục năm trước. Thường thì, các công ty Mỹ thuê dịch vụ quảng cáo qua điện thoại từ những nhà cung cấp ở nước ngoài, chủ yếu là Ấn Độ rồi Mexico.

Gryphon.ai cho biết: Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) của Mỹ vừa qua đã đề xuất và ban hành một loạt luật định mới trong vài tháng qua về tiếp thị qua điện thoại. Cùng với đó, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) cũng đã thực hiện các thay đổi đối với Quy tắc Bán hàng qua Điện thoại (TSR) quan trọng, thông qua các sửa đổi để phù hợp hơn với quy định của FCC và trong một số trường hợp, luật ở cấp tiểu bang. TSR, được ban hành theo Đạo luật Phòng ngừa Gian lận và Lạm dụng Người tiêu dùng và Tiếp thị qua Điện thoại (Đạo luật Tiếp thị qua Điện thoại), do FTC quản lý và bao gồm hầu hết các cuộc gọi điện thoại đến và đi trong phạm vi Hoa Kỳ, với nhiều trường hợp ngoại lệ (tổ chức phi lợi nhuận,….) và vô số các điều khoản. Đạo luật Bảo vệ Người tiêu dùng qua Điện thoại (TCPA) của FCC là luật định phải tuân thủ và là một biện pháp cứng rắn để quản lý các cuộc gọi tự động và tin nhắn văn bản tiếp thị qua điện thoại và có thể nói là luật được công nhận nhiều nhất trong lĩnh vực này.

Theo Voiptime, mỗi nước có những luật định khác nhau tiếp thị qua điện thoại. Chẳng hạn, luật về tổng đài của Hoa Kỳ và Canada sẽ không giống với hướng dẫn tiếp thị qua điện thoại ở Châu Âu hoặc quy định của VOIP Ấn Độ. Tương tự như vậy, các hạn chế về thời gian tiếp thị qua điện thoại ở Úc sẽ không giống ở các quốc gia khác.

Mặc dù luật tiếp thị qua điện thoại của mỗi quốc gia có những đặc thù riêng, nhưng tất cả đều đề cập đến các lĩnh vực khá giống nhau. Hầu hết các quốc gia yêu cầu các nhà tiếp thị qua điện thoại:

  • Tuân thủ luật gọi điện thoại tiếp thị và đăng ký làm công ty tiếp thị qua điện thoại.
  • Tham khảo danh sách Không gọi điện quảng cáo của nước mình, cũng như danh sách DNC nội bộ.
  • Thực hiện các cuộc gọi tiếp thị qua điện thoại đến những người liên hệ đã đồng ý trước (trong hầu hết các trường hợp là đồng ý bằng văn bản) cho loại cuộc gọi này, đặc biệt nếu các cuộc gọi được thực hiện bằng tin nhắn được ghi âm trước.
  • Tiết lộ mục đích của cuộc gọi, tức là cho mọi người biết rằng đây là cuộc gọi tiếp thị qua điện thoại, cũng như giới thiệu bản thân và công ty mà họ thực hiện cuộc gọi thay mặt (bao gồm tên khách hàng đối với bên thuê ngoài).
  • Cung cấp cho khách hàng một số điện thoại gọi lại riêng, mà họ có thể quay số để thảo luận về mục đích của cuộc gọi hoặc yêu cầu công ty thêm họ vào danh sách DNC (cuộc gọi phải được đại diện công ty trả lời). Cũng được phép cung cấp cho khách hàng một email liên hệ.
  • Lưu giữ hồ sơ của tất cả các chiến dịch tiếp thị qua điện thoại và bảo quản chúng trong tối đa 3 năm.

DNC

Theo Nghị định 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ viễn thông có quyền đăng ký vào hoặc rút ra khỏi Danh sách không quảng cáo (DoNotCall, DNC) đối với số điện thoại thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình. Danh sách không quảng cáo do Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức xây dựng và duy trì, quản lý. Danh sách có thể ra cứu trên Cổng/Trang thông tin điện tử Cục An toàn Thông tin. Theo Điều 32 của Nghị định này, nhà chức trách sẽ phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo.

Nội dung đăng ký hoặc hủy đăng ký.

A. Đăng ký hoặc hủy đăng ký Danh sách không nhận tin nhắn quảng cáo.

– Cú pháp đăng ký: DK DNC S gửi 5656;

– Cú pháp hủy: HUY DNC S gửi 5656.

B. Đăng ký hoặc hủy đăng ký Danh sách không nhận cuộc gọi quảng cáo.

– Cú pháp đăng ký: DK DNC V gửi 5656;

– Cú pháp hủy: HUY DNC V gửi 5656.

C. Đăng ký hoặc hủy đăng ký Danh sách không nhận tin nhắn và cuộc gọi quảng cáo.

– Cú pháp đăng ký: DK DNC gửi 5656;

– Cú pháp hủy: HUY DNC gửi 5656.

ANH PHÚC