Thứ Bảy ngày 21 tháng 12 năm 2024

Khi các KOL trên mạng xã hội cần có trách nhiệm hơn

Cũng giống như trên thế giới ngày nay, vai trò của các KOL (những người dẫn dắt dư luận, những người có tầm ảnh hưởng công chúng) ở Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng hơn, gây tác động lớn hơn. Đặc biệt là vai trò của các KOL trên mạng xã hội.

Từ lâu nay ở Việt Nam, ai cũng biết “sức mạnh mềm” của các KOL trên các mạng xã hội, phổ biến là Facebook, YouTube, TikTok,… Họ có thể làm nóng mạng xã hội, dẫn dắt dư luận về đủ mọi thứ trong xã hội, kể cả những chuyện “nhạy cảm”. Điều nguy hiểm là dù họ có nói sai, nói bậy thì vẫn tạo được dư luận, thu hút được những nhóm hoặc ủng hộ, hoặc phản đối. Và với những phát ngôn và quan điểm lệch lạc, sai trái, thậm chí độc hại, các KOL có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng. Nhẹ thì khiến một bộ phận cộng đồng hiểu sai vấn đề, nặng thì gây ra những tác động bất lợi.

Ảnh do Microsoft AI Copilot DALL-E 3 tạo. Thanks.

Ngay cả trong lĩnh vực quảng cáo, tiếp thị vốn được coi là “hiền lành” hơn, các KOL cũng có thể gây tác hại khôn lường nếu như quảng cáo cho các sản phẩm và dịch vụ xấu; hay là quảng cáo sai sự thật, bóp méo sự thật, hoặc đơn giản là khuếch đại, nói quá lên.

Nhìn sang Trung Quốc láng giềng, tiếp thị KOL đang hoạt động cực kỳ hiệu quả ở đất nước đông dân nhất nhì thế giới này. LinkedIn cho biết: Những người có sức ảnh hưởng tương tác với người theo dõi của họ, bằng cách phát triển mối quan hệ và khiến bản thân trở nên gần gũi. Họ có khả năng tạo nên xu hướng và đó là cơ hội mà các thương hiệu nước ngoài nên tìm cách đầu tư. Phương thức truyền miệng (WOM) cực kỳ quan trọng đối với việc ra quyết định của người tiêu dùng ở Trung Quốc — 20 đến 50% các quyết định mua hàng đều bị ảnh hưởng bởi nó. Theo dữ liệu lớn của Weibo, năm 2018, giá trị thị trường KOL ở Trung Quốc là khoảng 102 tỷ nhân dân tệ (khoảng 14,3 tỷ USD).

Vấn đề đặt ra là làm sao để khai thác tối ưu vai trò của các KOL đem lại lợi ích cho cộng đồng xã hội, song song với việc ngăn ngừa và hạn chế những tác hại do đối tượng đặc biệt này gây ra.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề xuất Chính phủ có những biện pháp để quản lý tốt hơn nữa hoạt động của các KOL. Quản lý ở đây không có nghĩa là cấm đoán, hạn chế mà nhằm để hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo đảm cho các KOL hoạt động đúng hướng, đem lại lợi ích cho tất cả. Đây cũng nằm trong nỗ lực làm lành mạnh hóa không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội.

Ngoài việc kêu gọi các KOL có ý thức trách nhiệm cá nhân cũng cần phải gắn họ với những trách nhiệm pháp lý cụ thể và nghiêm minh khi gây hại cho cộng đồng. Các nền tảng mạng xã hội và các tổ chức quản lý và sử dụng KOL cũng phải chịu trách nhiệm với các hoạt động của KOL, phải có các biện pháp quản lý có hiệu quả.

Do các KOL hoạt động trong nhiều lĩnh vực nên cũng cần phải có sự tham gia giám sát và xử lý của các bộ ngành có liên quan, như Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Công an,…

Xét với tình hình bát nháo, rối ren trên các mạng xã hội hiện nay, rõ ràng đã đến thời điểm cơ quan chức năng cần phải có những giải pháp chấn chỉnh hoạt động của các KOL. Đây không phải chỉ bảo vệ công chúng mà còn bảo vệ chính các KOL chân chính.

Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 16-10-2024 và trên báo NLĐ Online.

NGÔ LÊ