Bánh sinh nhật và quà Noel
Chắc chắn trên cõi trần đời này có một điều hạnh phúc là đi tới đâu đó ta đã được ăn một bụng rồi còn có cái đặng cầm trên tay đem về. Sáng 25-12-2013, tôi đã được ăn bánh sinh nhật và nhận quà Noel như vậy.
Chiều 24-12, chị Phi Rom của trang web trường trung học Tống Phước Hiệp (Vĩnh Long) gọi điện rủ tôi sáng bữa sau tới khách sạn – nơi chỉ làm quản lý – để chung vui với các bạn của trường. Sáng 25-12, ông bạn Lương Minh, admin của Tống Phước Hiệp gọi điện thúc hối tới gấp.
Hôm nay bạn Lương Minh tổ chức mừng sinh nhật “từ xa” cho một đồng môn là anh Hoàng Hưng đang định cư ở Mỹ. Khi tôi tới nơi, một số bạn cựu học sinh Tống Phước Hiệp và thân hữu đã có mặt. Tôi được mời chung vui với lủ khủ tư cách (hỗng phải đa nhân cách, biến thái như trong phim bộ Hong Kong đâu à nghen). Tôi là bạn đồng nghiệp làm báo của Lương Minh, là một cây viết cho trang Tống Phước Hiệp và là admin của trang Trung học Kiến Tường (www.trunghockientuong.com) – với chức danh được cầu chứng là ông Từ giữ cửa ngôi Từ đường THKT.
Dĩ nhiên đi dự sinh nhật là được ăn bánh kem rồi. Nói thiệt nghen, ngon ở muỗng đầu thôi chớ ngán thấy ông Adam bà Eva. Bánh sinh nhật bây giờ đúng là bánh kem phần bánh bông lan bên trong nhỏ xíu, chủ yếu là lớp kem dày như băng hà Bắc Cực.
Trong số thân hữu, có anh Phạm Đức Mạnh làm ở Thời báo Tài chính Việt Nam, chi nhánh TP.HCM. Điều thú vị ở chỗ anh với tôi vừa là đồng nghiệp, vừa là đồng hương (cùng quê quán ở tỉnh Nam Định, có khác chút chút là anh chôn nhau cắt rún ở đó, còn tôi chỉ có gốc gác ông bà). Thêm một cái chung nữa là cả hai đồng họ Phạm (xin đừng bỏ sót chữ họ để thành “đồng phạm”). Nếu anh Đức Mạnh đừng ham vui chui ra trước tôi một năm thì hai anh em lại đồng tuổi nữa.
Anh Đức Mạnh không chỉ làm báo mà còn sáng tác thơ – thậm chí làm thơ rất sung, vừa in được 2 tập thơ dày cộm (của nhà xuất bản Hội Nhà văn) là “Đừng theo trăng em nhé” và “Đong đầy kỷ niệm”. Anh còn tiết lộ sắp tới sẽ ra tiếp 2 tập thơ nữa, và trong kho thơ vẫn còn đầy.
Hai tập thơ đầu tay của Đức Mạnh không chỉ dày dặn (191 và 160 trang), mà còn đầy đặn với nhiều đề tài. Tác giả nói rằng anh đã rất vất vả để chọn trong kho thơ đồ sộ của mình những bài thơ ưng ý mà phải không được trùng lắp với nhau. Tôi chia sẻ: trùng lắp từ đã là điều nên tránh, còn trùng lắp tứ thì thiệt là đáng buồn.
Hai tập thơ này được chăm chút tốt về hình thức, trình bày trang nhã và dễ đọc, đẹp từ cái bìa tới những trang trong trên nền giấy vân mờ. Anh đã tránh được cái bệnh của nhiều tác giả in thơ là “đỏm đáng” và “khoe của”. Cách vài ba bài có một minh họa đen trắng nho nhỏ, chủ yếu để người đọc có thể thay đổi tầm mắt mà nghỉ mắt và thư giãn một chút. Thật tình, minh họa sinh ra cốt là để… minh họa chớ không được lấn lướt nội dung chính của tác phẩm. Đọc 2 tập thơ này của Đức Mạnh, người ta tránh được tình trạng bị những minh họa lòe loẹt và bự bà cố làm nhiễu cái mạch thơ và cảm xúc thơ.
Tôi chưa có thời gian để đọc kỹ những bài thơ của Đức Mạnh mà chỉ loáng thoáng qua với những cái ngừng nơi những câu chữ cảm thấy đồng cảm. Nhưng nói thật lòng, chỉ nội hình thức của 2 tập thơ này cũng đủ để người ta tự tin mà cầm trên tay.
Dù sao Đức Mạnh cũng có đủ cái tầm để bảo chứng cho những dòng thơ của mình. Anh chàng nhà báo chuyên nghiệp cử nhân văn chương này từ năm 1986 đã là hội viên của Chi hội Văn nghệ TP. Cần Thơ. Đọc qua những bài thơ của anh, tôi có cảm nhận anh thu nhận mọi sự việc chung quanh mình bằng cái nhìn săm soi và nhiều chiều của một nhà báo và cái cảm xúc sâu lắng hay bồng bột của một nhà thơ. Hai cách tiếp cận vấn đề đó một lúc nào đó được hòa quyện với nhau thành những dòng thơ.
Trong bài thơ “Đời” chỉ có 4 câu lục bát, Đức Mạnh như muốn tóm gọn “sứ mạng thơ” của mình:
Dập dềnh – phiêu bạt – nổi trôi
Lấy thơ cột giữ mong đời bình yên
Số buồn chẳng vọng bạc tiền
Trái tim quậy phá giao em quản giùm.
(Trang 159, tập thơ “Đừng theo trăng em nhé”)
Đức Mạnh tâm sự với tôi: “Tôi coi thơ như một thứ tôn giáo. Tôi tôn thờ thơ, và cầu viện thơ như một phương cách để giải thoát mình.”
Vốn là một kẻ lãng tử lãng mạn, tôi thích tập thơ đầu tiên “Đừng theo trăng em nhé” của Đức Mạnh hơn. Trong suốt 165 trang dành để in thơ, anh đã ngụp lặn trong bể ái tình với nhiều sắc màu, nhiều cung bậc, nhiều tâm trạng. Tất nhiên là với tâm hồn đồng cảm, tôi cũng lặn hụp theo để coi tác giả trổ tài ra sao (cả tài làm thơ lẫn tài tán tỉnh). Ở đó, tôi nhìn thấy Đức Mạnh và Nàng Thơ là một đôi tình nhân tâm đầu ý hợp và dài lâu. Và từ Đức Mạnh, tôi ngộ ra rằng, sở dị Nàng Thơ của tôi đã ôm keyboard về computer khác là cho đáng cái tội tôi chỉ yêu chập chờn!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 27-12-2013)
Buổi sinh nhật của các bạn trường Tống Phước Hiệp sáng 25-12-2013 tại Chợ Lớn. Bạn Lương Minh (bên phải) đang cắt bánh sinh nhật.
Anh Đức Mạnh (bên phải) tặng thơ cho tôi.