Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Lòng tin và trò lừa đảo

phphuoc-love-heart-arrow-nocheat

 

Sáng nay trong khi đang an tọa tại “Washington City” (sorry Sir Obama và xin vui lòng hiểu theo chữ viết tắt), nghe chuông điện thoại nhà réo inh ỏi dai dẳng, tôi bèn “kềm hãm cái sự sung sướng” đó lại (lại xin phép dùng câu cửa miệng của bác Quềnh trong loạt phim truyền hình “Đất và người”) phóng ra phòng khách nhấc máy. Một giọng nữ miền bắc được ghi âm nói là tổng đài của VNPT thông báo số máy này đang nợ cước điện thoại 8.930.000 đồng, nếu không thanh toán ngay sẽ bị cắt trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Còn nếu quý khách có thắc mắc gì xin nhấn phím số 9 để được hướng dẫn hay nhấn phím 0 để gặp trực tiếp nhân viên tổng đài.

Đang tức muốn hộc tùm lum vì giữa giờ phút nhạy cảm lại bị trúng quả lừa đảo qua điện thoại, tôi bèn nhấn số 0. Một thanh niên giọng bắc tự xung mình là nhân viên VNPT. Tôi hỏi: mấy anh biết đang gọi cho số máy nào không? Anh ta đọc lại số phone của tôi. Vậy mấy anh có biết đây là cơ quan nào không? Hắn ớ ra. Tôi bồi tiếp: Đây là cơ quan công an phòng chống tội phạm lừa đảo công nghệ cao. Mà cơ quan nhà nước làm gì để nợ cước tới 8,9 triệu như vậy. Thế là từ bên kia chỉ còn có tiếng bíp bíp.

Tôi nghĩ là sáng nay bọn lừa đảo đó đã phải đốt phong long xả xui. Chúng có tra dữ liệu sẽ thấy số phone này do tôi đứng tên thuê bao. Rồi có tra tên tôi ắt sẽ biết tôi mần báo. Tra tiếp sẽ biết tôi còn giữ chuyên mục “Tiêu điểm quốc tế” hàng tuần trên báo CA TP.HCM. Dù sao, tôi cũng xin lỗi quý cơ quan vì tôi đã mạo danh quý vị để “khè” bọn tội phạm!

Nói thiệt à nghen, trong số những cái xấu mà tôi ghét nhứt có cái nạn lừa đảo nằm trong hàng Top. Nó đánh vào lòng tin của con người và khiến người ta giảm hay không còn tin vào mọi người chung quanh nữa. Một sự bất tín, vạn sự bất tin. Điều ấy làm cho cuộc sống cá nhân thêm căng thẳng, mất hào hứng mà sống; đồng thời khiến cho xã hội trở nên tệ hại hơn khi người nhìn người bằng những con mắt ngờ vực. Mà sinh ra trên thế gian này, hỗng sống với con người thì sống với cái gì đây?

Người Hoa vốn là tổ sư trong nghề kinh doanh. Một trong những điều làm nên sự thành công trên thương trường của những người Hoa chân chính, từ bà bán chè rong, tới ông chủ hãng chính là cái chữ Tín. Ngày xưa (hỗng phải ngày nay) có những vụ vay mượn, giao dịch bạc triệu (hồi đó triệu bạc lớn dữ lắm) chỉ cần một lời nói, hay cùng lắm là một miếng giấy có mấy chữ viết nguệch ngoạc.

Lâu nay, hầu như ngày nào tôi cũng nhận được những tin nhắn kiểu như: một người bạn (hay số máy xxx) gửi tặng một bài hát, mời gọi vào số tổng đài xxxx để nghe; bạn là người may mắn được lựa chọn để nhận món quà là cái gì đó, trị giá bao nhiêu đó, xin gọi vào số máy xxxx để được hướng dẫn nhận quà. Xớn xác gọi vào đó là bị mất cước ít nhất cũng 15.000 đồng. Rồi còn những tin nhắn như: em Trang đây, máy em hết tiền, anh nạp cho em cái card 100.000 đồng, nạp vào máy số xxxx; hoặc sỗ sàng hơn tao đây, máy tao hết tiền rồi, mày gọi gấp cho tao vào số máy xxxx,…

Hồi cận Tết Giáp Ngọ vừa qua, tôi về nhà ông anh ở Tuyên Nhơn (Long An) để tảo mộ cha mẹ. Cũng hôm đó, trung tâm điện máy Nguyễn Kim từ Saigon chở xuống tận nhà giao và lắp ráp chiếc LED TV 46 inch do chàng rể từ Canada về mua tặng. Ông anh chạy xe ra đầu lộ lớn dẫn đường cho nhân viên họ vào, lát sau ông trở vô với dáng vẻ khác thường, hí hửng khoe: “Anh trúng thưởng cái iPad Mini rồi nè.” Tôi tưởng anh may mắn cào trúng thưởng trong chương trình khuyến mãi của siêu thị dành cho khách mua hàng. Nhưng hỗng phải. Anh tham gia chương trình khuyến mãi mỗi tuần 1 chiếc iPad Mini trong dịp Tết của nhà mạng Vinaphone. Anh gởi 3 tin nhắn tham gia, mỗi cái 3.000 đồng và được trả lại một chữ theo quy định. Nếu thu thập đủ 3 chữ nào đó, anh sẽ được vào vòng quay số chọn người may mắn trong tuần. Vừa nãy, anh nhận được tin nhắn báo mình đã trúng thưởng và yêu cầu gọi vào số tổng đài xxxx để được hướng dẫn nhận thưởng. Tôi đọc tin nhắn, thấy nó được gởi từ một số điện thoại bình thường chớ hỗng phải số tổng đài nhà mạng. Nghe tôi nói coi chừng anh bị lừa, ông anh không tin, mở máy tính vào Internet tra ngay. Rõ ràng anh có được cấp mã số dự thưởng, nhưng đó là mã số dự thưởng. Thấy anh lăng xăng, quá xúc động vì món quà trên trời rơi xuống đó, tôi nói với anh để tôi dùng máy của mình gọi vào số tổng đài mà tin nhắn yêu cầu cho anh thấy. Thì ra đó là một tổng đài nghe nhạc trả tiền, hễ ai gọi vào là bị tính ngay tiền cước 15.000 đồng. Rồi tôi mới đọc kỹ cái tin nhắn mà anh nhận được, thì ra nó báo anh trúng một cái i5s chớ đâu phải cái iPad Mini mà anh tham gia. Cũng may là học phí lần này chỉ mất có 15.000 đồng của… thằng em anh.

Nhiều khi tôi nghĩ lẩn thẩn, không hiểu trên đời này sao lại có những kẻ đang tâm kiếm sống bằng những chiêu lừa đảo thiên hạ. Tôi ngây thơ thắc mắc chẳng hiểu sao những người đó lại có thể làm được như vậy. Thì ra bây giờ xã hội này ngày càng ít đi Thạch Sanh mà càng nảy nòi thêm nhiều Lý Thông.

Nhưng cũng đâu phải chỉ có ở xứ ta. Vấn nạn lừa đảo này đang diễn ra trên khắp thế giới. Lừa đảo vốn là chuyện có tầm cỡ toàn cầu và từ thời bà Eva (tổ mẫu của loài người bị lừa bởi một con rắn). Thôi thì, để có thể an toàn mà sống, người ta phải luôn cẩn thận đề phòng, chớ bao giờ nhẹ dạ cả tin cái gì, đặc biệt là những của hoạnh tài trên trời rơi xuống. Nhưng sống mà không còn dám tin ai khác thì làm sao sống được đây? Nhưng ngay cả chính mình mà có lúc ta còn chẳng dám tin ta thì còn có thể tin ai? Miệng ta nói chẳng yêu nàng, nhưng con tim ta đã dâng trọn cho nàng rồi… ta biết tính sao đây!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 21-2-2014)

+ Nguồn minh họa: Internet. Thanks.