Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Ukraine đứng trước nguy cơ không còn miền đông

one-third-of-new-russia-is-now-controlled-by-green-men.jpg

 

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine trong hạ tuần tháng 8-2014 tiếp tục gia tăng mức độ nghiêm trọng và phức tạp hơn. Cái mỏm phía đông gồm 3 tỉnh Kharkiv, Luhansk và Donetsk nằm bên cạnh Nga hiện có Luhansk và Donetsk đang trong tay lực lượng ly khai thân Nga.

Trong những ngày gần đây, quân đội Ukraine tiếp tục cuộc phản công với mục đích giành lại quyền kiểm soát ở miền đông. Kết quả chỉ làm thêm nhiều người thương vong và thiệt hại nặng nề về vật chất. Miền đông Ukraine tang thương và tan nát.

ukraine-eastern

Liên minh NATO đã khẳng định điều Ukraine tố cáo là có khí tài và quân lính Nga trực tiếp hỗ trợ cho quân ly khai ở đây. Tất nhiên, Moscow vẫn tiếp tục bác bỏ những cáo buộc về sự can thiệp trực tiếp của mình vào Ukraine.

Điều nguy hiểm nhất là trong thời gian qua, người Nga đã nói nhiều hơn về cụm từ “nước Nga mới”. Người ta có thể suy diễn đó là một nước Nga với những tham vọng lãnh thổ mới, chủ yếu là thâu tóm lại những lãnh thổ trong lịch sử từng thuộc về mình. Thực tế cụm từ “nước Nga mới” đó có từ rất lâu rồi. Đó là vùng Novorossiya (nước Nga mới, theo tiếng Nga) bao gồm cả miền đông nam Ukraine giáp Biển Đen thuộc Đế chế Nga hồi thế kỷ 18 và nước Nga Sa Hoàng vào thế kỷ 19. Mãi tới thập niên 1920, vùng này mới được sáp nhập vào nước Cộng hòa Xô viết Ukraine. Có nghĩa là cũng như Bán đảo Crimea từ tháng 3-2014 đã sáp nhập trở lại Nga sau khi ly khai khỏi Ukraine, khu vực “nước Nga mới” này có xuất xứ từ “nước Nga cũ”. Và đây chính là nguồn gốc lịch sử khiến Kiev lo ngại nhất về khả năng cả miền đông nam của mình sẽ lần lượt “châu về hiệp phố” với “bà mẹ Nga”.

New_Russia_on_territory_of_Ukraine

Giữa những lời cáo buộc và những lời đe dọa gia tăng cấm vận từ Mỹ và phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 31-8-2014 trong cuộc trả lời phỏng vấn của truyền hình nhà nước Nga đã lần đầu tiên nói thẳng ra khả năng miền đông Ukraine có thể trở thành một nhà nước độc lập. Ông kêu gọi ngay lập tức bắt đầu thảo luận về “tổ chức chính trị của xã hội và quy chế nhà nước cho miền đông nam Ukraine với mục tiêu bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của những người sống ở đó”.

Khi thấy thế giới phản ứng về lời tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga, ngay sau đó, Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Putin, đã vội vàng lên tiếng nói rằng truyền thông đã trích dẫn sai ý của nhà lãnh đạo Nga. Theo đó, miền đông Ukraine cho dù độc lập nhưng cũng thuộc liên bang Ukraine. Peskov nói với báo giới: “Đây không phải là một cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, đây là một cuộc xung đột nội bộ của Ukraine.” Người phát ngôn của Tổng thống Nga xác nhận trong cuộc họp báo rằng “Novorossiya” (tên mà quân ly khai gọi vùng đất họ đang chiếm đóng) vẫn thuộc lãnh thổ Ukraine.

Ngày 30-8-2014, một ngày trước khi Tổng thống Nga nói về quy chế nhà nước của miền đông Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ áp dụng những biện pháp cấm vận kinh tế mới đối với Nga để phản ứng lại việc nước này đưa qua vào Ukraine.

Tuy nhiên, ai cũng thấy rõ rằng Tổng thống Putin đã “bắt được bài tẩy” của cả Mỹ và EU. Tổng thống Mỹ Barack Obama nói thì nói vậy thôi chứ không rảnh tay và đủ sự hậu thuẫn mà can thiệp sâu hơn vào cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhiều nhà lãnh đạo EU cũng hiểu rõ là trong cuộc đấu với Nga này, “trạng chết, trẫm cũng băng hà”, họ sẽ phải chịu tổn thất nặng nề về kinh tế trong khi tình hình suy thoái kinh tế vẫn đang hành hạ họ lên bờ xuống ruộng. Có 7,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của EU là sang Nga (trong khi 50% kim ngạch xuất khẩu của Nga có địa chỉ là EU). Cũng như Trung Quốc, Nga quá lớn và quá mạnh để quốc tế có thể cấm vận họ. Hơn nữa, cả hai thế lực này đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà chỉ cần một lá phiếu chống của họ là chẳng có nghị quyết nào có thể ra đời. Đó là những lý do để giải thích cho sự do dự bấy lâu nay của cả Mỹ lẫn EU.

Russia-eu-losses

Vậy Ukraine sẽ đi về đâu? Nước này chưa là thành viên NATO để có thể được liên minh quân sự kia bảo vệ một cách danh chính ngôn thuận. Mà xét tình thế thực tế, lỡ xảy ra điều gì tệ hại nhất với Ukraine, NATO cũng tránh tối đa việc đối đầu trực tiếp với Nga. Vì vậy, mọi sự vẫn tùy thuộc vào sự khôn khéo và thức thời của Kiev, cũng như phải do chính người Ukraine quyết định vận mạng mình. Và thế giới cũng cầu mong Moscow biết điểm phải dừng của mình.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 2-9-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thank.

+ Có thể đọc bản in trên báo CA.TPHCM 2-9-2014.