Thứ Hai ngày 25 tháng 11 năm 2024

Nếu Ukraine không muốn trở thành chiến trường của Nga và NATO…

ukraine-eastern-2014

 

Toàn thế 355 nghị sĩ Quốc hội Ukraine tham gia bỏ phiếu ngày 16-9-2014 đã đồng lòng phê chuẩn hiệp ước về việc Ukraine gắn kết chính trị và thương mại với Liên minh châu Âu (EU). Đây chính là văn kiện mà hồi tháng 11-2013, Tổng thống lúc đó là Viktor Yanukovich đã đột ngột bác bỏ để ngả theo Nga dẫn tới cuộc phản đối của công chúng và phe đối lập, hậu quả là ông này đã bị phế truất và Ukraine chìm vào cuộc khủng hoảng diện rộng, đối đầu với Nga, mất Bán đảo Crimea sáp nhập Nga, và bùng nổ nội chiến ở miền đông.

Đó là đột phá về đối ngoại. Còn đối nội, một quyết định chấn động khác cũng đã được Quốc hội Ukraine đưa ra trong cuộc họp kín dài 2 giờ ngày 16-9 đó. 277 nghị sĩ của Quốc hội gồm 450 thành viên đã thông qua quyết định của Tổng thống Petro Poroshenko bảo đảm cho khu vực miền đông Ukraine nói tiếng Nga hầu như được tự trị hoàn toàn trong 3 năm tới. Họ có thể thiết lập quan hệ với các địa phương của Nga, sử dụng tiếng Nga tùy thích, lập lực lượng cảnh sát riêng và bầu hội đồng địa phương trong các cuộc bầu cử ngày 7-12-2014. Kiev cam kết sẽ tái thiết lại các nơi bị chiến tranh tàn phá. Và điều quan trọng nhất là Quốc hội Ukraine đã ban hành luật ân xá cho các tay súng miền đông trong thời gian qua tham gia cuộc chiến giành quyền tự trị.

Như vậy, rõ ràng Kiev đã chấp nhận buông cái cần phải buông để giữ được cái mình muốn giữ. Bởi cứ giằng co như lâu nay, tang thương đổ nát ngày càng trầm trọng, kinh tế suy sụp, mà hậu quả cuối cùng có thể tan rã liên bang, mất đứt miền đông. Cho tới nay, kể từ bùng nổ nội chiến hồi tháng 4-2014 ở miền đông đã có gần 3.900 người chết và hơn 600.000 người phải chạy đi lánh nạn.

Cái đáng sợ hơn cả là Ukraine có nguy cơ trở thành bãi chiến trường cho Nga và NATO đọ vũ khí với nhau. Ai cũng biết quân ly khai Ukraine thân Nga sử dụng vũ khí, khí tài do Nga sản xuất trước đây, và trong thời gian qua có nhiều tin nói rằng Nga đã bí mật đưa quân và tiếp tế vũ khí cho các khu vực Donetsk và Luhansk thuộc miền đông Ukraine. NATO hồi trung tuần tháng 9-2014 cũng cho biết Nga còn khoảng 1.000 binh lính được vũ trang hùng hậu ở miền đông Ukraine và khoảng 20.000 quân ở vùng biên giới. Moscow vẫn bác bỏ điều này, cho dù Kiev đã đưa ra những quân nhân Nga bị họ bắt giữ ở miền đông. Trong khi đó, ngày 14-9, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Valery Heletey, nói rằng các nước thuộc NATO đã bắt đầu chuyển vũ khí sang trợ giúp quân đội nước này. NATO khẳng định họ sẽ không gửi “vũ khí sát thương” sang Ukraine, nước chưa phải là thành viên của mình, nhưng cho biết là các nước thành viên NATO có thể làm điều đó tùy theo thỏa thuận song phương với Ukarine.

Các quyết định đột phá của Quốc hội Ukraine ngày 16-9 đã tới sau thỏa thuận ngừng bắn mà Nga, Ukraine, các lực lượng ly khai Ukraine, và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đạt được ngày 5-9.

Đối với cộng đồng quốc tế, các thỏa thuận này quá tốt để sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Mỹ và EU đã lên tiếng ủng hộ, bởi thật lòng chẳng ai muốn đối đầu với Nga, thiệt hại cả đôi bên. Vấn đề là Nga và lực lượng ly khai Ukraine có thật sự coi như vậy là có thể chấp nhận được hay còn có những gì ở phía sau? Sẽ tốt cho tất cả khi các bên biết đâu là điểm dừng của mình, nhất là khi con đường phía trước còn dài và nhiều phức tạp.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Bangkok 19-9-2014)

+ Ảnh: Cảnh điêu tàn ở miền đông Ukraine. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

+ Có thể đọc bản in trên báo CA.TPHCM ngày 18-9-2014