Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Trò chuyện với người từng tham gia tạo ra lịch sử Ebola

 

Uno de los descubridores del ébola, Peter Piot, durante una conferencia de prensa en Naciones Unidas en Ginebra

Giáo sư Peter Piot, nhà khoa học Bỉ 65 tuổi, Giám đốc trường London School về Vệ sinh học và Y học Nhiệt đới (Hygiene and Tropical Medicine), và làm việc tại Viện Y học Nhiệt đới Antwerp (Bỉ), Đại học Hoàng gia Imperial College London (Anh).  (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

 

Thưa Giáo sư Peter Piot, hồi đó là một nhà vi sinh học tại Antwerp (Bỉ), ông là thành viên của nhóm đã phát hiện ra virus Ebola vào năm 1976. Chuyện đó xảy ra thế nào thưa ông?

Tôi còn nhớ rất rõ, một ngày vào tháng Chín, một phi công của hãng hàng không Sabena đưa cho chúng tôi một bình thủy cách nhiệt màu xanh sáng bóng và một lá thư của vị bác sĩ ở Kinshasa, xứ Zaire (châu Phi). Lá thư cho biết trong bình thủy (thermos) có đựng mẫu máu của một nữ tu người Bỉ đã bị một thứ bệnh bí ẩn ở Yambuku, một ngôi làng hẻo lánh, phía Bắc châu Phi. Vị bác sĩ yêu cầu chúng tôi kiểm tra xem đó có phải là vi trùng của bệnh sốt vàng da (yellow fever) hay không.

Ngay cả bây giờ, Ebola chỉ có thể được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm có sự bảo đảm an toàn cao. Làm thế nào, hồi đó, ông tự bảo vệ mình?

Hồi đó chúng tôi chưa có ý thức gì về sự nguy hiểm của loại virus này. Ở Bỉ lúc đó cũng không có phòng thí nghiệm bảo vệ cao. Chúng tôi chỉ biết mặc áo choàng trắng và đeo găng tay. Khi chúng tôi mở cái bình thủy, đá lạnh bên trong phần lớn đã tan chảy và một ống tuýp (tube) đã bị vỡ. Máu và mảnh kính trôi nổi trong nước đá. Chúng tôi lấy ra cái ống tuýp còn nguyên vẹn rồi dùng phương pháp tiêu chuẩn vào thời đó mà kiểm tra mẫu máu.

Tuy nhiên, bệnh sốt vàng da dường như không có liên hệ gì với bệnh của vị nữ tu.

Không liên hệ. Các kiểm tra về bệnh sốt Lassa và bệnh thương hàn cũng đều có âm tính. Vậy nó là cái giống gì đây? Chúng tôi chích virus này vào vài con chuột và vài con thú khác để khảo sát. Trong vài ngày đầu không có gì xảy ra. Chúng tôi nghĩ có lẽ các tác nhân gây bệnh đã bị hỏng do độ lạnh không đủ trong bình thủy. Nhưng sau đó những con vật thí nghiệp lần lượt chết hết. Chúng tôi nhận ra rằng mẫu máu có chứa một cái gì đó rất nguy hiểm.

Nhưng ông vẫn tiếp tục?

Có những mẫu máu khác từ các nữ tu qua đời ở tỉnh Kinshasa gửi đến cho chúng tôi. Khi chúng tôi định khởi sự kiểm tra virus dưới kính hiển vi điện tử thì Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo chúng tôi nên đem chúng tới phòng thí nghiệm có sự bảo vệ an toàn cao ở Anh. Tuy nhiên, ông trưởng ban của tôi muốn chúng tôi đưa ra bản đúc kết cuộc thử nghiệm ở đây. Ông lấy một ống chứa virus để kiểm tra, nhưng ông lúng túng đánh rơi nó vào chân của một bác sĩ. Ống tuýp vỡ. Ý nghĩ duy nhất của tôi lúc đó là: “Thôi chết rồi!” Chúng tôi ngay lập tức khử trùng tất cả mọi thứ. May mắn, vị đồng nghiệp của chúng tôi đã mang giày da dày, nên không có gì xảy ra.

Cuối cùng, ông đã nhận dạng ra hình con virus bằng cách sử dụng kính hiển vi điện tử.

Vâng, khi thấy nó, ý nghĩ đầu tiên của tôi là: “Cái quái gì vậy?” Con virus mà chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian tìm kiếm đây, nó rất lớn và dài như con sâu. Nó không có điểm tương đồng với bệnh sốt vàng da. Thay vào đó, nó trông giống như virus Marburg (*) cực kỳ nguy hiểm.

(*) Vi khuẩn Marburg cũng có đặc tính giống như Ebola gây ra sốt xuất huyết. Bệnh sốt Marburg đã bị diệt vào năm 1960 do công của phòng thí nghiệm Marburg ở Đức.)

2048px-ebola_virus_virion

Virus Ebola.

Vài ngày sau đó, ông trở thành nhà khoa học đầu tiên bay đến Zaire.

Phải, tôi tới làng Yambuku, Congo. Các nữ tu bị chết ở đó đều là công dân Bỉ. Yambuku, nằm trong phần đất thuộc nước Bỉ, làng có một bệnh viện nhỏ. Khi chính phủ Bỉ quyết định gửi một bác sĩ tới đó, tôi tình nguyện ngay. Lúc ấy tôi mới 27 tuổi và cảm thấy mình có chút giống như thần tượng Tintin của tôi thời thơ ấu. Thú thật, tôi hăng say với cơ hội khám phá ra một loại bệnh gì đó hoàn toàn mới lạ.

Ông có sợ hãi hay ít ra là có sự lo lắng nào không?

Tất nhiên rồi, rõ ràng là chúng tôi đối phó với một thứ bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới chưa từng thấy – và chúng tôi cũng chưa biết rằng nó truyền bệnh qua các dịch cơ thể! Nó cũng có thể do muỗi truyền bệnh. Chúng tôi mặc quần áo bảo hộ với găng tay cao su. Tôi thậm chí còn mượn cặp kính đi xe gắn máy để che mắt. Trong cái nóng của rừng nhiệt đới, chúng tôi không thể đeo mặt nạ phòng độc mà chúng tôi mua ở Kinshasa. Các bệnh nhân hết hồn khi thấy tôi xuất hiện với bộ dạng kỳ cục. Tôi lấy mẫu máu của khoảng 10 bệnh nhân. Tôi lo ngay ngáy sợ mình vô tình bị kim đâm rồi bị lây bệnh.

Tuy nhiên, ông đã tự bảo vệ được mình để tránh bị lây nhiễm.

Vâng, đã có lúc tôi thực sự bị sốt, thân nhiệt cao, nhức đầu và tiêu chảy …

… Tương tự như triệu chứng Ebola?

Chính xác. Ngay lúc ấy tôi nghĩ: “Chết cha, mình bị rồi!” Nhưng sau đó tôi cố gắng lấy lại bình tĩnh. Tôi biết triệu chứng này có thể từ một bệnh gì khác và hoàn toàn vô hại. Vả lại dại gì mà tự giam mình tới hai tuần khổ sở trong căn lều dành cho các nhân viên gặp trường hợp xấu nhất. Vì vậy, tôi ở lại trong phòng của mình và chờ đợi. Dĩ nhiên, tôi không thể chợp mắt ngủ, nhưng may mắn tôi thấy khá hơn vào ngày hôm sau. Tôi chỉ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa. Nói cho ngay, biến cố đó lại là dịp tốt nhất có thể xảy ra trong cuộc đời. Nó giúp tôi nhìn vào cái chết mà tìm sự sinh tồn. Sự kiện này đã thay đổi toàn bộ cách tiếp cận và quan điểm của tôi về cuộc đời.

Ông cũng là người đặt ra tên cho virus. Tại sao là Ebola?

Hôm đó nhóm chúng tôi thảo luận tới khuya để đặt tên cho con virus. Chúng tôi không muốn dùng tên ngôi làng Yambuku để đặt tên là “vi trùng Yambuku”, vì làm vậy người trong làng từ đó sẽ bị thiên hạ kỳ thị mãi mãi. Chúng tôi hỏi ý kiến với phái đoàn Mỹ, họ đề nghị lấy tên con sông gần nhất ở đó mà đặt tên. Có một bản đồ trên tường, chúng tôi tìm ra sông Ebola. Vì vậy, khoảng bốn giờ sáng, chúng tôi chính thức đặt tên cho virus. Tuy nhiên, tấm bản đồ nhỏ ấy không chính xác. Sau này chúng tôi biết thực ra sông gần nhất là một con sông khác. Nhưng Ebola cũng là một tên đẹp đấy chứ, phải không?

Cuối cùng, ông phát hiện ra các nữ tu Bỉ đã vô tình làm lây bệnh. Việc ấy xảy ra thế nào?

Trong bệnh viện của họ ở Yambuku, họ thường xuyên chích vitamin cho phụ nữ mang thai với kim chích không khử trùng. Bằng cách đó, họ truyền virus cho nhiều thiếu nữ trong làng. Chúng tôi đã nói với các nữ tu về lỗi lầm khủng khiếp của họ. Nhưng có lẽ chúng ta đã đặt nặng vấn đề vào những lời khuyến cáo. Xét kỹ lại, vấn đề chính là các phòng khám bệnh chưa có cách kiểm soát và quy tắc giữ vệ sinh đề phòng bệnh dịch Ebola. Ngay cả bây giờ, dù Ebola đã bùng phát ở Tây Phi, nhưng bệnh viện ở những nơi đó vẫn là chỗ khởi đầu của sự thất bại này.

Sau Yambuku, ông đã dành 30 năm với khả năng chuyên nghiệp để chiến đấu chống AIDS. Bây giờ Ebola lại đến với ông một lần nữa. Các nhà khoa học Mỹ lo ngại rằng hàng trăm ngàn người sẽ có thể nhiễm trùng. Điều này có thể xảy ra không?

Không, hoàn toàn không. Ngược lại, tôi vẫn nghĩ rằng Ebola, so với AIDS hay với bệnh sốt rét, không có nhiều vấn đề rắc rối. Đúng ra dịch Ebola chỉ xảy ra trong gian đoạn ngắn và hạn chế trong một địa phương. Tuy nhiên vào tháng Sáu vừa rồi, tôi thấy có một cái gì đó khác lạ về đợt dịch kỳ này. Cùng lúc ấy tổ chức Thầy thuốc Không biên giới cũng lên tiếng báo động. Thành ra bây giờ tôi bắt đầu thực sự thấy lo sợ.

Có cách thức nào ngăn chận được dịch Ebola không, chẳng hạn biệt lập những người bị bệnh và giám sát chặt chẽ những người tiếp xúc với họ. Làm sao mà một thảm họa như vậy có thể xảy ra?

Tôi nghĩ rằng đó là cái mà mọi người gọi là một cơn bão lớn: khi mọi hoàn cảnh xấu của từng cá nhân gom lại, nó sẽ tạo nên một trận bão thảm họa lớn. Với dịch bệnh này còn có nhiều yếu tố bất lợi ngay từ đầu. Một số quốc gia mới được thành lập sau cuộc nội chiến điêu tàn, nhiều bác sĩ của họ đã bỏ chạy. Hệ thống y tế quốc gia hoàn toàn sụp đổ. Chẳng hạn tại nước Liberia (Tây Phi), trong năm 2010 chỉ có 51 bác sĩ, nhưng nay nhiều người trong số họ đã chết vì dịch Ebola.

Thực tế là bệnh dịch đang lan truyền tại những khu vực biên giới đông dân cư giữa Guinea, Sierra Leone và Liberia …

Bởi vì người dân ở đó có cuộc sống ưa di chuyển. Rất khó mà theo dõi những ai đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Những người chết ở vùng nêu trên theo truyền thống được mang về chôn ở tỉnh hay làng nơi họ sinh ra. Vì vậy nhiều tử thi bệnh Ebola đã được đưa qua biên giới bằng xe vận tải và taxi. Kết quả là dịch bệnh tiếp tục lan ra tứ tung ở nhiều nơi khác nhau.

Lần đầu tiên trong lịch sử, virus cũng đã tới đô thị lớn như Monrovia (thủ đô của Liberia) và Freetown (thủ đô của Sierra Leone). Đó có phải là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra?

Tại các thành phố lớn – đặc biệt là ở các khu ổ chuột hỗn loạn – vô phương mà tìm ra những người đã tiếp xúc với bệnh nhân, dù cố gắng hết sức cũng vô ích. Đó là lý do tại sao tôi rất lo lắng cho Nigeria. Quốc gia này có những thành phố lớn đông dân như Lagos và Port Harcourt. Nếu virus Ebola có ở đó và bắt đầu lây lan thì nó sẽ là một thảm họa không thể tưởng tượng.

140708-ebola

Chôn cất người chết vì Ebola ở Tây Phi tháng 7-2014.

Phải chăng chúng ta đã hoàn toàn thất bại trong việc kiểm soát đại dịch?

Tôi luôn luôn là người lạc quan và tôi nghĩ rằng chúng ta không còn cách lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng làm tất cả mọi thứ, bằng tất cả mọi biện pháp. Rất may là Mỹ và một số quốc gia khác đã sớm nhập cuộc. Nhưng Đức và Bỉ phải làm nhiều hơn nữa. Vấn đề là chúng ta phải làm sáng tỏ cho mọi người biết: đây không còn là một bệnh dịch nữa mà là một thảm họa nhân loại. Chúng ta không chỉ cần nhân viên chăm sóc, mà còn cần các chuyên gia hậu cần, xe tải, xe jeep và thực phẩm. Dịch bệnh này có thể gây bất ổn cho toàn bộ lãnh thổ. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ có thể kiểm soát được nó. Thú thực tôi chưa bao giờ nghĩ rằng nó có thể xấu đến thế.

Điều gì thực sự có thể làm được trong một cảnh huống mà bất cứ ai trên đường phố cũng có thể bị nhiễm trùng, như tại Monrovia thậm chí cả taxi cũng đang bị ô nhiễm?

Chúng ta cần mau lẹ đưa ra những chiến thuật mới. Hiện nay, người giúp đỡ không còn có thể chăm sóc cho tất cả các bệnh nhân tại các trung tâm điều trị. Vì vậy, những người chăm sóc phải dạy cho các thành viên trong gia đình, những người đang chăm sóc bệnh nhân, làm thế nào để bảo vệ mình khỏi bị nhiễm trùng. Những trang web giáo dục hiện đang là phương cách cố gắng đáng kể nhất. Nước Sierra Leone đã thử nghiệm với một lệnh giới nghiêm kéo dài ba ngày, ít ra đó cũng là một nỗ lực ngăn chặn người ta đổ xô ra đường. Lúc đầu, tôi nghĩ: “Việc làm này hoàn toàn điên rồ.” Nhưng bây giờ tôi tự hỏi, “Tại sao không thể làm vậy?” miễn là biện pháp này không bị áp dụng bởi sức mạnh quân sự.

Một lệnh giới nghiêm kéo dài ba ngày nghe ra có vẻ tuyệt vọng.

Vâng, nhưng còn khá hơn thời Trung cổ. Chúng ta còn biết làm gì hơn? Mặc dù là đang ở thời điểm năm 2014, chúng tôi hầu như không có cách nào để chống lại con virus này.

Ông có nghĩ rằng chúng ta có thể phải đối mặt với sự khởi đầu của một đại dịch?

Chắc chắn sẽ có bệnh nhân Ebola từ châu Phi đến với chúng tôi với hy vọng được điều trị. Và họ có thể lây nhiễm cho một số người dân ở đây khiến họ bị chết. Tuy nhiên, nếu việc đó xảy ra ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ, nó sẽ nhanh chóng được kiểm soát. Tôi thấy viễn ảnh đáng lo nhiều hơn là trường hợp những người Ấn Độ làm việc trong ngành công nghiệp thương mại ở Tây Phi. Chỉ cần một người của họ bị nhiễm bệnh, rồi người này về Ấn Độ thăm nhà trong thời gian virus phát động, anh ta sẽ ngã bệnh và được chở đến nhà thương. Các bác sĩ và y tá ở Ấn Độ thường không đeo găng tay. Họ sẽ lập tức bị lây nhiễm rồi tiếp tay truyền virus lan ra khắp nơi.

Virus này liên tục thay đổi bản thể di truyền. Càng nhiều người nhiễm bệnh, càng tăng cơ hội cho nó biến dạng …

… Và cũng có khả năng làm tăng tốc độ lây bệnh. Vâng, thật là một bi kịch của ngày tận thế. Con người vô tình là chủ nhà mà thân xác của mình là chỗ ở của virus, nhưng không phải là chỗ ở tốt. Từ góc nhìn của con virus, nó không muốn chủ nhà của nó chết sớm. Sẽ tốt hơn cho nó nếu chủ nhà sống lâu hơn để các mầm bệnh do nó tạo ra được tăng trưởng nhiều hơn theo cấp số nhân.

Có thể nào con virus đột nhiên thay đổi bản thể để có thể lây lan qua không khí?

Ý ông muốn nói giống như trường hợp bệnh sởi hả? Rất may chuyện đó rất khó xảy ra. Tuy nhiên, nếu có một đột biến khiến bệnh nhân Ebola kéo dài sự sống trong vài tuần, chắc chắn sẽ thuận lợi cho virus. Virus từ bệnh nhân mới này sẽ gây nhiễm cho nhiều người hơn so với bệnh nhân hiện tại.

Nhưng đó chỉ là suy đoán, phải không?

Đúng thế. Nhưng đó là một trong nhiều cách mà khả năng virus có thể biến đổi để lây lan dễ dàng hơn. Sự kiện rõ ràng là chúng đang biến đổi bản thể.

ebola-facts

Khuyến cáo của Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ CDC. Virus Ebola không lây nhiễm qua không khí, nước hay thực phẩm. Virus Ebola chỉ lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp không có bảo hộ với các chất dịch cơ thể của người bệnh Ebola và các vật phẩm bị nhiễm virus như kim tiêm.

Ông và hai vị đồng nghiệp đã viết trên tờ báo Mỹ Wall Street Journal hỗ trợ cho việc thử nghiệm các loại thuốc thử nghiệm. Ông có nghĩ rằng đó là giải đáp cho vấn đề?

Bệnh nhân có thể được chữa trị mau chóng bằng huyết thanh của nạn nhân sống sót từ bệnh Ebola, mặc dù bệnh nhân đang ở trong điều kiện vô cùng khó khăn do hoàn cảnh địa phương hỗn loạn gây ra. Chúng tôi phải tìm hiểu xem biện pháp này, hay thuốc thử nghiệm ZMapp, có thực sự giúp ích gì không. Có điều chúng ta không hoàn toàn dựa vào những phương pháp điều trị mới. Đối với người đã mắc bệnh, phương pháp này đã đến quá trễ. Nhưng nếu chúng có ích, chúng sẽ được sẵn sàng cho các cơn dịch sau này.

ebola-peter-piot-2

Gíao sư Peter Piot.

Thử nghiệm thuốc chủng ngừa (vaccine) cũng bắt đầu thực hiện. Dĩ nhiên phải mất một thời gian, nhưng nó có thể ngăn chặn bệnh dịch không?

Tôi không hy vọng ở việc này. Nhưng, biết đâu đó, ai mà biết trước được sẽ thế nào.

Bệnh dịch phát ra đầu tiên ở Zaire, nơi mà bệnh viện với cách giữ vệ sinh kém phải chịu trách nhiệm về việc lây bệnh. Nhưng hiện tại hầu như tình trạng ấy vẫn đang xảy ra. Louis Pasteur đã đúng khi ông nói: “Rồi vi khuẩn sẽ có tiếng nói cuối cùng”?

Tất nhiên, chúng ta còn quá xa để tuyên bố là đã chiến thắng các vi khuẩn và virus. HIV vẫn còn ở đấy; chỉ ở tại London, mỗi ngày có năm người đàn ông đồng tính bị lây bệnh. Số lượng vi khuẩn  trở nên đề kháng với thuốc kháng sinh ngày càng tăng. Tôi vẫn thấy các bệnh nhân Ebola ở Yambuku chết trong lều của họ, nhưng chúng tôi không thể làm điều gì ngoại trừ để họ chết. Trên nguyên tắc, tình trạng tệ hại vẫn như cũ. Đó thật là nỗi thất vọng. Tuy nhiên, nó cũng gây cho tôi một động lực mạnh mẽ để làm một cái gì đó. Tôi yêu đời sống. Đó là lý do tại sao tôi đang làm mọi thứ có thể để thuyết phục thế giới đầy quyền lực, cuối cùng xin hãy gửi cuộc cứu trợ đến Tây Phi. Ngay bây giờ!

ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove, California 15-10-2014)

————-

Nguồn:  Tóm lược bài phỏng vấn của 2 ký giả Rafaela von Bredow và Veronika Hackenbroch thuộc tạp chí Đức Der Spiegel, qua bản dịch tiếng Anh “In 1976 I discovered Ebola – now I fear an unimaginable tragedy”, đăng trên báo The Observer, Saturday 4 Oct. 2014

Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

Những ghi chú có dấu (*) là phụ chú của người viết.

Ebola epidemic information