Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

Có một tui quấn xàrông…

BALI DU KÝ:

150423-bali-sarong-thinh-phuoc

 

Thiệt ra nếu có ý đồ câu view hay gom like, tôi đã giựt tít cực choáng: “Có một Phạm Hồng Phước hổng mặc quần” (cho anh chàng ca sĩ trùng cả họ lẫn tên phải nhảy loi choi vì sợ có kẻ cạnh tranh). Nhưng thôi, trong thời điểm nhạy cảm này, an lành cho tất cả là chớ nên manh động.

Số là ngày 23-4-2015, khi tới thăm đền thờ suối thiêng Pura Tirta Empul ở Bali (Indonesia), các nhà báo Việt Nam dự lễ ra mắt smartphone ASUS Zenfone 2 nào mặc quần short hay váy ngắn đều được cho mượn một tấm xàrông quấn che chân dài, cẳng ngắn lại. Đó là quy định bắt buộc của các đền thờ Hindu trên đảo Bali.

Xàrông (sarong) có hai kiểu: hoặc là một tấm vải lớn hình chữ nhật có chiều ngang tùy theo chiều cao từ hông tới bàn chân của người mặc; hoặc là một chiếc váy dạng ống lớn có chiều dài tùy theo chiều cao từ hông tới bàn chân của người mặc. Nó có nhiều màu và nhiều hoa văn khác nhau.

Thú thiệt, khi mới lần đầu tiên trong đời quấn xàrông, mặt tui một đống vì mặc váy bó giò cẳng đi lại vướng víu như “bà đẻ”. Lại còn sợ bị sút xàrông nữa chớ. Nhưng cũng nhờ vậy mà càng yêu thêm những lady mặc váy – hiểu được cái giá mà họ phải trả cho cái sự váy bó khoe các đường cong “mềm mại” mà giết người. Riêng các cô gái Indonesia ngày nay có xẻ một đường sâu chết người ở mặt trước xarông từ dưới lên tới gần khu vực “Tam giác Bermuda” vừa tăng thêm độ mê ly rùng rợn, vừa dễ bề đi lại. Không rõ có phải con gái Indonesia trời sinh ra để quấn xàrông hay không mà cô nào mặc cái món y phục truyền thống này trông cũng quyến rũ lạ thường. Giá mà còn thời xài máy ảnh chụp phim, có lẽ trên hai chuyến bay khứ hồi Jakarta – Bali, tôi đã bị “cháy phim” trước các nàng tiếp viên hàng không yểu điệu thục nữ trong bộ xàrông áo bó, có bao nhiêu chỗ cong trên người cứ ngụp lặn trêu ngươi.

150422-indonesia-bali-s6e-024_resize

Nói chuyện xàrông, tôi nhớ lại hồi Chiến tranh biên giới Tây – Nam cuối thập niên 1970, tôi làm ở báo Long An. Trong những lần anh em tới công tác tại các trại tị nạn của người Khmer từ Cambodia chạy qua ở các xã dọc biên giới, đám nam phóng viên trẻ thường liếng thoắng chọc ghẹo mấy cô gái Khmer bằng câu: “On xàlanh bòn tê? Bòn xàlanh on lắm lắm”. (Em có yêu anh không? Anh yêu em lắm lắm). Có mấy tay còn tếu táo giả giọng lơ lớ nói rằng: “On xàlanh bòn tê? Vổng xàrông coi chơi!” Có lần tôi chứng kiến cảnh một chị phụ nữ Khmer quấn xarông đang đi trên đường làng bỗng ngồi thụp xuống, sau đó đứng lên tiếp tục bước đi để lại trên mặt đường một… vũng nước. Ngay từ lúc đó, tôi phát hiện một công dụng thực dụng của chiếc xàrông là một WC di động.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 27-4-2015)

150422-24-bali-asus-phphuoc-119_resize

150422-24-bali-asus-phphuoc-121_resize

150422-24-bali-asus-phphuoc-124_resize

150422-24-bali-asus-phphuoc-131_resize

150422-24-bali-asus-phphuoc-153_resize