Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

ASEAN: chuyện bó đũa và bó lúa

ASEAN-community

 

Bây giờ hơn bao giờ hết, dụ ngôn bó đũa có ý nghĩa thiết thực với khối các nước Đông Nam Á ASEAN với biểu tượng là một bó lúa 10 cây. Với đặc thù của nguyên tắc đồng thuận và thống nhất trong đa dạng, chỉ có đoàn kết với nhau, ASEAN gồm 10 nước thành viên mới có thể bền vững và cùng phát triển.

Yêu cầu đoàn kết vì đại cục của ASEAN trong giai đoạn này càng trở bên bức thiết hơn với hai vấn đề quan trọng sống còn.

Trước tiên là để đối phó với sự lộng hành và ngang ngược của Trung Quốc, một trong các đối tác chiến lược của ASEAN, khi mà Bắc Kinh lâu nay đẩy nhanh tiến trình thực hiện mưu đồ từ ngàn xưa là làm bá chủ thiên hạ, khởi đầu từ châu Á. Ở đây, ta phân biệt rạch ròi giữa dân tộc Trung Hoa và giới cầm quyền Trung Quốc. Chỉ nội với khối ASEAN, Bắc Kinh đã tự vẽ đường lưỡi bò 9 đoạn với ý đồ bao chiếm giành chủ quyền tới 90% Biển Đông xâm phạm lãnh hải của các nước ASEAN: Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam (còn có Indonesia và Singapore cũng bị ảnh hưởng).

Ngày 5-8-2015, tại diễn đàn ASEAN ở Malaysia, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị loan báo Bắc Kinh đã ngừng các hoạt động bồi đắp, xây dựng ở vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose giải thích rằng: Bắc Kinh ngừng chuyện này chỉ vì họ đã hoàn thành việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo mới ở đây. Ông nhấn mạnh: “Cùng lúc đó, Trung Quốc loan báo đang chuyển sang Giai đoạn 2 là xây dựng cơ sở hạ tầng trên các hòn đảo mới bồi đắp này nhằm phục vụ cho việc tuyên bố chủ quyền.” Hãng tin Anh Reuters (5-8-2015) bổ sung thêm rằng các hình ảnh chụp từ vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng một sân bay có đường băng dài 3.000 mét trên 1 trong số 7 hòn đảo mà họ mới bồi dựng ở Quần đảo Trường Sa.

Có thể hiểu như thế nào về những hòn đảo nhân tạo mới do Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông? Đó là chiêu của Bắc Kinh hòng đặt thế giới trước sự đã rồi, Các hòn đảo này sẽ được sử dụng như những cột mốc đánh dấu chủ quyền của Trung Quốc. Chúng sẽ là những căn cứ quân sự, đặc biệt là một dạng tàu sân bay không thể đánh chìm, cho phép Trung Quốc đặt toàn bộ khu vực này trong vòng cương tỏa của không quân và hải quân. Khoảng cách từ Trung Quốc tới Mỹ và Úc cũng trở nên ngắn hơn.

Điều đáng quan ngại là trong những năm qua, Bắc Kinh cũng đang tích cực dùng mọi chiêu thức mưu sâu chước quỷ có bề dày lịch sử của mình để phá tung cái “bó lúa” ASEAN. Với lợi thế lắm bạc nhiều tiền, Trung Quốc không tiếc tiền của đổ vào những nước ASEAN để tạo ảnh hưởng. Họ cũng tìm mọi cách khơi lại và khoét sâu những vết thương lịch sử giữa những nước láng giềng ASEAN hòng gây phân hóa trong nội bộ.

Vấn đề thứ hai mà ASEAN đang cần phải đoàn hết hơn bao giờ hết là sắp đến Ngày N ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community – AEC) theo lộ trình sẽ chính thức được công bố vào cuối năm 2015. Đây là một khối kinh tế khu vực của các quốc gia thành viên ASEAN và là một trong ba trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020 (hai trụ cột kia là Cộng đồng An ninh ASEAN – ASC và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN – ASCC). AEC là một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung gồm 10 nước với hơn 625 triệu dân. Về nội bộ, các nước thành viên được tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề. Nói cách nào đó, nó gần giống như một Thị trường chung châu Âu ở Đông Nam Á, và sau này biết đâu sẽ phát triển với 1 đồng tiền chung, 1 múi giờ chung,… Còn về đối ngoại, các nước ASEAN sẽ hội nhập kinh tế toàn cầu với vị thế chung là AEC và một xuất xứ hàng hóa chung.

Bởi vậy mới nói, các nước ASEAN cần phải đoàn kết cùng bảo vệ lẫn nhau để trường tồn và cùng nhau phát triển. Trước hết là về ổn định và an ninh – bởi chỉ có an cư mới có thể lạc nghiệp. Cái khó là người châu Á không chỉ có thói xấu GATO (ghen ăn tức ở) chẳng muốn ai hơn mình mà còn luôn đặt quyền lợi cục bộ của mình lên trên hết, đồng thời dễ bị tác động bởi những kẻ đâm chọt sau lưng. Chỉ mong các thành viên ASEAN ở thế kỷ 21 này biết vượt lên chính mình và giác ngộ rằng lợi ích chung của ASEAN cũng chính là lợi ích riêng của nước mình. Chỉ e rằng sự bất ổn trong bộ máy lãnh đạo ở một số nước, dù là di chứng nội bộ hay bị tác động ngoại lực, có thể gây khó khăn trong việc thực thi nguyên tắc đồng thuận vì đại cục, đặc biệt là ở những nước không bị trực tiếp tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC  

(Saigon 07-08-2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bài in trên báo CATP ngày 7-8-2015.

150807-baibao-catp-150807-0_resize