Thị trường di động nằm trong tay châu Á
Tất nhiên với số dân đông nhất trong số các châu lục, với 4,2 tỷ người trong tổng số 7,1 tỷ dân toàn cầu (chiếm 60%), châu Á dư sức để chiếm vị trí cao nhất trong các loại bảng tổng sắp về di động có liên quan tới người tiêu dùng. Bây giờ, ngay cả trong danh sách các nhà sản xuất thiết bị di động, các thương hiệu châu Á cũng đang chiếm thế thượng phong.
Theo số liệu thống kê hàng quý của Công ty Dữ liệu Quốc tế (IDC), thị trường smartphone thế giới vào quý 2-2015 tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái với 341,5 triệu chiếc smartphone được bán ra. Các thiết bị chạy hệ điều hành Android vẫn tiếp tục thống lĩnh thị trường với thị phần lên tới 82,8%. Samsung (Hàn Quốc) đã duy trì được vị trí đầu bảng của mình với sự làm mới lại chiến lược tập trung vào các dòng smartphone giá rẻ.
Trong bảng tổng sắp Quý 2-2015của bộ phận Theo dõi Điện thoại di động Hàng quý Toàn thế giới thuộc IDC, dẫn đầu vẫn là Samsung của Hàn Quốc chiếm thị phần 21,4% (tiếp tục giảm so với 24,8% cùng kỳ năm 2014); kế đó là Apple của Mỹ 13,9% (tăng so với 11,6% cùng kỳ năm trước); thứ ba là Huawei của Trung Quốc 8,7% (tăng so với 6,7% của quý 2-2014). Lenovo bị đẩy xuống hàng thứ 5 (4,7% so với 8% của cùng kỳ năm 2014), sau Xiaomi 5,6% (tăng so với 4,6% cùng kỳ năm 2014) – cả hai cũng là của Trung Quốc. Như vậy có tới 4 vị trí của Top 5 smartphone toàn cầu hiện thuộc về 4 hãng châu Á, trong đó cả 3 vị trí cuối Top 5 đều thuộc về Trung Quốc.
Có một sự thay ngôi đổi hạng ngoạn mục đã diễn ra. Huawei từ vị trí thứ 4 soán ghế của Lenovo để leo lên vị trí thứ 3 và Xiaomi từ thứ 5 leo lên thứ 4 trong danh sách các hãng smartphone lớn nhất thế giới. Đau nhất là Lenovo đã từ vị trí thứ 3 nắm suốt từ Quý 2-2012 bị văng xuống vị trí thứ 5. Đó là cuộc tranh chấp giữa các thương hiệu Trung Quốc với nhau.
Ưu thế của các thương hiệu smartphone Trung Quốc là chuyện hiển nhiên dễ hiểu. Chỉ cần họ chinh phục được chính thị phần nước mình – thị trường lớn nhất thế giới với 1,3 tỷ dân – là đủ ngồi chiếu trên rồi.
Điều đáng nói ở đây là các thương hiệu smartphone châu Á ngày càng mở rộng thị trường bên ngoài châu Á, sang cả châu Mỹ và châu Âu. Số lượng thương hiệu châu Á có kinh doanh quốc tế cũng đang gia tăng không ngừng, hầu hết là của Trung Quốc. Đáng kể có Oppo, OnePlus (một công ty con của Oppo), Honor (một thương hiệu của Huawei), Gionee,…. Người ta không thể nào thống kê nổi số lượng thương hiệu nội địa của châu Á mọc lên như nấm sau mưa.
Trong khi đó hai ông lớn trên thị trường di động là Samsung và Apple đang tiếp tục giảm thị phần, chủ yếu bị các thương hiệu khác giành dữ quá. Apple chỉ làm ăn ở thị phần high-end và tạo được một hệ sinh thái riêng thì còn đỡ. Riêng Samsung trong cõi Android phải tả xung hữu đột với quá chừng đối thủ, đặc biệt là ở phân khúc đại trà và tầm trung. Apple trồi trồi sụt sụt, 3 năm liền không lên được thị phần 14% (so với 16,6% hồi Quý 2-2012). Còn Samsung thì giảm liên tục từ 32,2% hồi Quý 2-2012 xuống còn 21,4% thị phần như hiện nay.
Cuối cùng, xin lưu ý đây là số liệu thống kê dựa trên số lượng thiết bị bán ra chứ không phải trên doanh thu. Nếu tính trên tỷ lệ doanh thu thì Apple vẫn luôn là thiên hạ vô đối do hầu như tất cả sản phẩm của họ đều ở phân khúc high-end đắt tiền, bán một máy thu về bằng thiên hạ bán cả chục máy.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Bài đã in trên tạp chí e-CHIP M!
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.