Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Ngóng tới ngày Việt Nam dùng hộ chiếu điện tử

passport-icao-2

Từ năm 2016, Lào sẽ bắt đầu sử dụng hộ chiếu điện tử (e-passport) thay cho hộ chiếu truyền thống. Ban đầu là loại hộ chiếu dành cho các nhà ngoại giao, tới giữa năm 2016, hộ chiếu điện tử sẽ được cấp phát cho người dân bình thường.

Cho đến nay, trong 10 nước thuộc khối Đông Nam Á ASEAN, có 5 nước (Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore, và Thái Lan) đã sử dụng e-passport. Sau khi Lào bắt đầu dùng e-passport từ năm 2016, chỉ còn 4 nước Campuchia, Indonesia, Myanmar, và Việt Nam trong ASEAN vẫn sử dụng hộ chiếu thường.

Như tên gọi của mình, hộ chiếu điện tử ứng dụng công nghệ cao để lưu giữ và bảo mật thông tin chủ nhân. Trên bìa của hộ chiếu điện tử có gắn một con chip sinh trắc học (biometric chip) lưu giữ các thông tin cá nhân bao gồm tiểu sử và các đặc điểm nhận dạng. Ngoài họ tên và ngày sinh của người mang hộ chiếu theo quy định chung, Hoa Kỳ còn yêu cầu chip điện tử của hộ chiếu phải lưu giữ cả một ảnh kỹ thuật số chân dung của chủ nhân. Vì thế, các cửa khẩu nhập cảnh cần phải trang bị thiết bị đọc chip mới có thể kiểm tra được hộ chiếu này. Đó là lý do mà theo quy ước quốc tế, trên mặt bìa trước của hộ chiếu điện tử phải in một biểu tượng chuẩn có hình cách điệu một con chip. Tất nhiên, trong điều kiện hiện nay vẫn còn nhiều nước chưa áp dụng hộ chiếu điện tử nên hộ chiếu này vẫn tiếp tục lưu trữ thông tin dạng mã vạch như trên hộ chiếu thường. Tình trạng này cũng giống như ở hệ thống ngân hàng khi bắt đầu chuyển sang dùng thẻ tín dụng có tích hợp chip thông tin thay cho dải từ tính. Dù sao, điều này có lợi là chế độ an ninh bảo mật tới 2 lớp.

epassport-01 epassport-02

Hộ chiếu điện tử phù hợp với các chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) để có thể sử dụng khi đi máy bay. Loại hộ chiếu này là yêu cầu bắt buộc phải có của công dân thuộc nhóm các nước được Hoa Kỳ miễn thị thực nhập cảnh (visa) trong chương trình Visa Waiver Program (VWP) cho tới nay được Hoa Kỳ chấp nhận cho 38 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở châu Á, VWP hiện gồm Brunei, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Singapore.

Hộ chiếu điện tử được ứng dụng cũng lâu rồi. Như Hoa Kỳ yêu cầu các hộ chiếu của các nước thuộc chương trình VWP được cấp từ ngày 26-10-2006 trở đi phải là hộ chiếu điện tử. Nhà chức trách Hoa Kỳ giải thích rằng hộ chiếu điện tử giúp nhận diện và xác thực một cách an toàn đối với khách nhập cảnh, chống tình trạng đánh cắp thông tin nhận dạng, bảo vệ sự riêng tư và khiến những kẻ xấu khó có thể thay đổi hồ sơ sau khi đã được dùng để xin visa vào Hoa Kỳ. Việc sử dụng hộ chiếu điện tử cũng giúp ích rất nhiều cho các chương trình miễn visa giữa các nước.

Hiện nay trên thế giới có từ 189 tới 197 quốc gia độc lập (independent country) tùy theo những cách xác định khác nhau. Như Hoa Kỳ hiện công nhận 194 nhà nước độc lập trên thế giới. Liên Hiệp Quốc hiện có 193 nước thành viên. Trong số đó có toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) gồm 28 nước và 63 nước và vùng lãnh thổ khác đang sử dụng hộ chiếu điện tử. Như vậy, hiện nay trên thế giới đang sử dụng song song hộ chiếu điện tử (gọi là e-passport, ePassport, digital passport, biometric passport) và hộ chiếu thường (gọi là machine-readable passport, hộ chiếu có thể đọc bằng máy).

スライド 1

Theo quy định trong văn bản Doc 9303 của ICAO (chuẩn ICAO9303), các thông tin quan trọng nhất của hộ chiếu được in trên trang dữ liệu của hộ chiếu (dưới dạng ký hiệu mã 2 chiều) và lưu trong con chip. Việc sử dụng công nghệ cơ sở hạ tầng chìa khóa công cộng (Public Key Infrastructure – PKI) để xác thực thông tin lưu trong chip sẽ khiến cho việc làm giả hộ chiếu trở nên đắt tiền hơn và khó khăn hơn so với hộ chiếu thông thường. Các đặc điểm nhận dạng sinh trắc học chuẩn hiện nay dùng cho hệ thống nhận dạng điện tử này là khuôn mặt, dấu vân tay và con ngươi mắt. Hình ảnh kỹ thuật số của người mang hộ chiếu được lưu dưới định dạng JPEG hay JPEG2000. Để lưu các dữ liệu này, con chip trong hộ chiếu có bộ nhớ EEPROM tối thiểu là 32KB và chạy trên giao diện hợp chuẩn quốc tế ISO/IEC 14443 để bảo đảm tương thích hoàn toàn với tất cả các nước trên thế giới.

Hiện nay có một số ít nước trên thế giới (như Albania, Brazil, Hà Lan,…) cũng ứng dụng công nghệ sinh trắc học theo chuẩn ICAO9303 cho thẻ căn cước cấp cho công dân nước mình. Hoa Kỳ tất nhiên là dùng hộ chiếu điện tử từ lâu rồi, nhưng chỉ áp dụng cho hộ chiếu dạng sổ (passport book), còn hộ chiếu dạng thẻ (United States passport card) vẫn dùng công nghệ nhận dạng cũ như giấy phép lái xe.

Nhằm tăng cường mức độ bảo mật cho hộ chiếu điện tử, ngoài việc mã hóa thông tin, người ta cũng đã ứng dụng bổ sung (hiện nay thường là dạng tùy chọn tùy theo mỗi nước) nhiều công nghệ chìa khóa để truy vấn ngược lại tính xác thực của thiết bị đọc chip, như BAC (kiểm soát truy cập cơ bản), EAC (kiểm soát truy cập mở rộng), PA (xác thực thụ động), AA (xác thực chủ động),… Cụ thể là để có thể truy cập vào chip hộ chiếu, thiết bị đọc phải cung cấp những chìa khóa xác thực.

vn-epassport-dream-lying-man

Một giấc mơ chung. (Nguồn ảnh gốc: Internet. Thanks.)

Tất nhiên hộ chiếu điện tử chỉ có khả năng bảo mật, chống làm giả và ăn cắp thông tin cao hơn hộ chiếu thường. Không bao giờ có thứ gì là an toàn tuyệt đối một khi kẻ xấu đã nhất quyết ra tay. Nhưng bất luận thế nào, hễ nâng lên được 1 cấp độ an toàn đã là đáng giá rồi. Vì thế, chúng ta tiếp tục ngóng chờ chừng nào nhà chức trách Việt Nam mới tiến hành cấp hộ chiếu điện tử cho công dân. Tới bây giờ, nếu chưa ứng dụng hộ chiếu điện tử, nhà chức trách vẫn phải đầu tư hệ thống đọc hộ chiếu điện tử để xử lý hộ chiếu của khách nhập cảnh. Ngoài ra, từ ngày 1-1-2016, Luật Căn cước công dân bắt đầu có hiệu lực, Việt Nam tiến hành cấp thẻ căn cước công dân cho mọi công dân từ 14 tuổi trở lên thay cho giấy chứng minh nhân dân. Sẽ rất đáng tiếc và lãng phí nếu như nhà chức trách không ứng dụng công nghệ cao để cấp thẻ căn cước điện tử ngay từ đầu dọn đường cho chính phủ điện tử. Bất luận thế nào, việc ứng dung hộ chiếu điện tử cũng sẽ giúp nâng tầm và uy tín của hộ chiếu Việt Nam, đồng thời góp phần bảo đảm hơn cho vị thế của công dân Việt Nam khi du lịch ở xứ người.

Xin mời xem video:

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Bài in trên báo Pháp Luật TPHCM Chủ nhật 6-12-2015

+ Nguồn ảnh: Intternet. Thanks.

151206-baibao-phapluattp-01_resize