Thứ Bảy ngày 21 tháng 12 năm 2024

Hơn 60.000 người đã chết trong cuộc khủng hoảng Syria


 Hơn 60.000 người đã chết ở Syria kể từ khi nổ ra cuộc nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad dẫn tới  nội chiến từ tháng 3-2011 tới nay. Con số tăng vọt này đã được Liên Hiệp Quốc đưa ra ngày 2-1-2013 trong tình hình chiến sự chưa có dấu hiệu lắng xuống.

Ngày 2-1, một cuộc không kích của quân chính phủ trung thành với Tổng thống Assad đã nhằm vào mục tiêu là Mulaiha, một khu dân cư và khu công nghiệp ở vùng Ghouta, ngoại ô phía đông của thủ đô Damascus. Đây cũng là một căn cứ phòng không của Syria. Theo các nhà hoạt động nhân quyền, cuộc không kích đã biến một cây xăng thành biển lửa, thiêu sống hàng chục người là tài xế những chiếc xe đang chen chúc ở đó trong một dịp cung cấp xăng hiếm có. Abu Saeed, một nhà hoạt động đã tới hiện trường 1 giờ sau khi xảy ra vụ không kích lúc 13 giờ (11:00 GMT), cho biết: “Tôi đã đếm được ít nhất là 30 xác chết. Họ hoặc bị thiêu chết, hoặc bị mất chân tay.”

Tại Geneva (Thụy Sĩ), Cao ủy Nhân quyền LHQ Navi Pillay cho biết: các nhà nghiên cứu đã tham khảo 7 nguồn khác nhau trong hơn 5 tháng để phân tích và thống kê có 59.648 người đã bị giết chết ở Syria kể từ ngày 15-3-2011 tới 30-11-2012. Bà nói: “Con số thương vong cao hơn nhiều so với chúng tôi nghĩ và thật sự gây sốc. Nếu tính tới đầu năm 2013, có hơn 60.000 người Syria đã bị giết chết.”

Không rõ liệu số lượng tử vong này có bao gồm cả quân đội, lực lượng nổi dậy và dân thường hay không.

Trước đó, Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR) đã đưa ra con số khoảng 45.000 người được xác nhận đã chết, nhưng nói thêm là con số thật còn cao hơn nhiều.

Theo SOHR, ngay trong ngày đầu tiên của năm 2013, có hơn 110 người, trong đó có ít nhất 31 binh lính và dân quân trung thành với Tổng thống Assad đã bị giết chết.

Cuộc nội chiến ở Syria là cuộc xung đột dài nhất và chết chóc nhất từ khi làn sóng cách mạng dân chủ Mùa xuân Arập bùng nổ và lan rộng khắp thế giới Arập trong năm 2011. Quân nổi dậy, hầu hết từ cộng đồng đa số người Hồi giáo phái Sunni, đối đầu với quân đội và lực lượng an ninh do phái Alawite thuộc phái Hồi giáo Shi’ite thống lĩnh.

Trong khi đó, các nỗ lực hòa bình theo phương thức ngoại giao do LHQ lãnh đạo đã bị bế tắc. Phương Tây và nhiều nước Hồi giáo Arập phái Sunni đã yêu cầu phế truất Tổng thống Assad ngay lập tức – giải pháp vấp phải sự phản đối của Nga, Trung Quốc và Iran. Các phe nổi dậy tuyên bố họ sẽ không đàm phán trừ khi Assad từ chức. Còn Tổng thống Syria thì thề sẽ chiến đấu tới hơi thở cuối cùng.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 2-1-2013)

Những hình ảnh nội chiến khốc liệt ở vùng ngoại ô Damascus (Syria).