Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

Mafia thời đại số

cyber-crime_resize

Ảnh: Internet. Thanks.

 

Trong các nội dung mà các nhà lãnh đạo của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản hồi hạ tuần tháng 5-2016 có cuộc chiến chống tội phạm mạng (cyber crime). Và các chuyên gia đã báo động về sự nổi lên của bọn mafia thời đại số (digital mafia).

Tội phạm mạng không chỉ là một nguy cơ mà đã trở thành một trong những vấn nạn của cả thế giới. Tình hình này là một thực tế và càng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi cuộc sống con người ngày càng gắn sâu và rộng hơn vào mạng Internet.

Hồi cuối tháng 4-2016, kênh thời sự truyền hình Mỹ MSN và kênh truyền hình Arập Al Jazeera đã cùng có bài nói về dạng mafia thời đại số. Họ cố gắng giải mã cách thức mà bọn trộm cắp trên mạng đang tấn công vào cấu trúc tài chính của thế giới, cũng như đi tìm các nguyên nhân đằng sau mối nguy cơ mạng đang ngày càng gia tăng. Tất nhiên, mục đích chính là nghiên cứu về các ảnh hưởng và tương lai của bọn đạo tặc mạng.

Nói tới mafia ở đây, người ta muốn nói về tội phạm có tổ chức, và nó có những tên gọi khác nhau ở những khu vực trên thế giới như xã hội đen trong thế giới người Hoa, yakuza ở Nhật Bản, Cosa Nostra hay mafia ở Ý,… Cái tên mafia có xuất xứ từ thành phố Sicily của Ý, nơi khét tiếng với những băng nhóm tội phạm có tổ chức theo hình thức gia đình.

Mafia xưa nay khét tiếng với các hoạt động tội phạm chính là bảo kê, tống tiền, dùng vũ lực giải quyết các tranh giành địa bàn, bất đồng giữa các tên tội phạm, tổ chức và giám sát các thỏa thuận ngầm,… Chúng cũng có những hoạt động khác như tổ chức cờ bạc, cho vay nặng lãi, buôn lậu ma túy, buôn lậu người, rửa tiền, lừa đảo,…

Trong thời công nghệ cao và Internet này, bọn mafia hoạt động dưới hai dạng. Một là chúng khai thác kỹ thuật số để thực hiện các hoạt động tội phạm của mình. Hai là làm ăn ngay trên nền tảng xã hội đã được số hóa và nối mạng với nhau.

Theo Al Jazeera (30-4-2016), trộm trên mạng (cyber theft) từ lâu nay đã thay thế cái khái niệm cướp nhà băng truyền thống vốn đã in sâu trong tâm trí người ta với những tên cướp bịt mặt hay đeo băng đen trên mắt như trong truyện tranh, trên phim ảnh từ thời Viễn Tây xưa kia. Khi cả thế giới đang chuyển sang giao dịch tài chính – ngân hàng qua mạng, bọn đạo tặc tài chính thời đại số chẳng cần phải đào hầm, khoan vách trực tiếp xâm nhập khuân tiền, chở vàng đi. Bọn chúng ngồi từ xa mà có thể thực hiện những vụ cướp ngân hàng trên khắp thế giới với những số tiền cực lớn. Trong những năm qua, người ta đã liên tục nhiều lần choáng váng trước những phương thức tấn công mạng ngày càng thêm tinh vi và táo tợn. Có thể nói đây là cuộc rượt đuổi bám đuôi khốc liệt vỏ quýt dày có móng tay nhọn giữa bên xây dựng những loại khóa và những kẻ tìm cách bẻ khóa. Càng nguy hiểm hơn khi bọn tội phạm mạng không hoạt động riêng rẽ mà còn câu kết lại thành những tổ chức, hình thành những mạng lưới rộng khắp thế giới cùng tấn công tập thể.

Một trong những vụ cướp ngân hàng điện tử gây sốc toàn cầu vừa xảy ra hồi đầu năm 2016. Vào tháng 2-2016, bọn đạo tặc thời đại số đã xâm nhập hệ thống mạng của Ngân hàng Trung ương Bangladesh để tìm cách đánh cắp 951 triệu USD từ tài khoản thanh toán quốc tế của ngân hàng này tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) của New York (Mỹ). Mặc dù hệ thống an ninh mạng của ngân hàng Bangladesh đã chặn lại được, nhưng bọn tin tặc cũng đã cướp được 81 triệu USD và chuyển thành công vào một số tài khoản ở Philippines. Hồi hạ tuần tháng 4-2016, các nhà nghiên cứu bảo mật của nhà thầu quốc phòng Anh BAE Systems cho biết bọn tin tặc đó đã tấn công vào phần mềm thuộc nền tảng tài chính của Hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn thế giới (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication, SWIFT) – một tổ chức liên ngân hàng thế giới có trụ sở ở Bỉ hiện gồm 3.000 định chế tài chính trên toàn cầu. Tới trung tuần tháng 5-2016, SWIFT đã lên tiếng cảnh báo vừa có một ngân hàng thứ hai bị tấn công. Càng đáng chú ý hơn khi BAE Systems tiết lộ có một ngân hàng thương mại Việt Nam từng bị tin tặc tấn công bằng phần mềm độc hại được dùng trong vụ cướp ngân hàng Bangladesh.

Các chuyên gia cảnh báo rằng các mục tiêu tài chính quốc tế bị tấn công gần đây, bao gồm Fed của Mỹ, Ngân hàng Trung ương Philippines (CBP), Ngân hàng Quốc gia Qatar (QNB) đều là đối tượng của những vụ xâm nhập an ninh mạng trứ danh.

Bọn cướp ngân hàng thời đại số có khi không nhằm cướp tiền, mà mục tiêu là trộm dữ liệu. Như trong vụ ngân hàng QNB, bọn chúng đã đánh cắp hàng trăm chi tiết tài khoản khách hàng gồm mật khẩu, thông tin đăng ký mạng truyền thông xã hội,… để rồi sau đó công bố lên một trang web “người thổi còi”.

Thật sự là trong thời của mafia và đạo tặc digital này, dữ liệu đã được chứng minh là có giá trị hơn cả tiền. Có những vụ hàng triệu thông tin tài khoản ngân hàng, tài khoản thẻ tín dụng bị đánh cắp. Từ những thông tin đó, bọn tội phạm thời đại số khai thác chuyển thành tiền. Hàng loạt vụ đánh cắp dữ liệu nhạy cảm của cá nhân, đặc biệt là của những người nổi tiếng, đã xảy ra. Ai cũng hiểu rằng, bọn mafia thời đại số có thể sử dụng những dữ liệu này để tống tiền hay gây áp lực cho những nạn nhân của chúng.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 5-6-2016 và trên báo Pháp Luật TP Online.

160605-baibao-phapluattp-01_resize