Yêu nước cực nhạy
Có người nói rằng cái vụ ai đó duyệt cho chiếu cái bộ phim gì đó của người lạ là do thiếu nhạy bén chính trị.
Tôi chớ hề dám lạm bàn chi cho nó thêm nản xì dầu, vì hỗm rày nhiều bà con đã phân tích tỏ tường, tới tận chân tơ kẽ tóc rồi.
Tôi chỉ xin thỏ thẻ mà rằng: hỗng có phải do thiếu nhạy bén chính trị đâu (ờ mà cán bộ khác dân ở chỗ phải có chính trị), chủ yếu là do người ta chưa đủ lòng yêu nước.
Bởi, người dân bình thường đâu có cần chính trị để mà nhạy bén hay trơ cùn vẫn có thể nhận ra rõ ràng những ẩn ý của bộ phim theo cái trend giương oai diễu võ, nhe nanh múa vuốt này, cho dù đạo diễn hay ai đó đã khéo léo chèn vào cuối phim. Đơn giản bởi người dân có lòng yêu nước sâu sắc, không phải nhạy bén chính trị mà là cực nhạy với những gì có liên quan tới chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Yêu nước không phải là món độc quyền của bất cứ chế độ, chính thể hay triều đại nào. Nó là tấm lòng của con dân một nước đối với Tổ quốc và dân tộc mình. Vì thế khi nói về lòng yêu nước, xin đừng phân biệt ý thức hệ, màu cờ sắc áo nào. Chừng nào còn coi mình là đồng bào Việt Nam, con của Mẹ Âu Cơ – Cha Lạc Long Quân, người ta vẫn phải có trách nhiệm và có quyền yêu nước Việt Nam. Vậy á.
Sử sách nước ta ghi rằng: Vào tháng 4 năm Quý Tỵ (1473), vua Lê Thánh Tông nói với các quan phụ trách việc biên cương, đứng đầu là Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy rằng: “Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào lại nên vứt bỏ?… Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc, thì phải tội tru di” (Đại Việt Sử ký Toàn thư, Tập 2, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1998, tr. 462). Tác giả Linh Chi (NXB Hà Nôi) phân tích: Tinh thần này đã thể chế hóa, luật pháp hóa (Luật Hồng Đức) việc bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, coi đó là nguyên tắc tối thượng cho tất cả mọi ứng xử. Lê Thánh Tông đã lấy những quan điểm của Nho giáo làm hệ tư tưởng, chỉ đạo việc biên soạn, ban hành luật pháp, nhằm thể chế hoá một nhà nước phong kiến Đại Việt, với truyền thống nhân nghĩa “lấy dân làm gốc”. Bộ luật Hồng Đức với khoảng 50 điều quy định từ những hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, phá hoại an ninh quốc gia, trật tự xã hội vùng biên giới cho đến cả sự vô trách nhiệm mất cảnh giác gây hậu quả xấu chủ quyền an ninh biên giới đều bị trừng trị rất nặng.
Tôi không dám suy diễn hay quy chụp ai đó không có lòng yêu nước. Chỉ dám nói là có mà chưa đủ. Việc chưa có đủ lòng yêu nước có khi khiến người ta không phải có chủ ý gì sâu xa mà chỉ là hời hợt, không nhận thức được những gì có liên quan tới chủ quyền Tổ quốc. Ước chi ai đó kịp nhận ra vấn đề, xin lỗi và nhận trách nhiệm. Bà con đồng bào mình nào có hẹp lòng đâu. À há!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh gốc từ Internet. Thanks.