Thứ Hai ngày 25 tháng 11 năm 2024

Nhận trách nhiệm khác nhận lỗi…

Đó là chuyện khiến tôi bị cụt hứng, tụt mood sáng 2.8.2018 khi đọc bài vedette trang nhứt trên báo Tuổi Trẻ.

Đối với vụ bê bối gian lận kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 bị phát hiện tại 2 tỉnh Hà Giang và Sơn La, quan thượng thư bộ giáo trong cuộc họp thường kỳ chính phủ 1.8.2018 đã nhận trách nhiệm với trách nhiêm của mình. Có nghĩa là ông nhận trách nhiệm với tư cách người đứng đầu ngành đã để xảy ra tiêu cực tới mức hình sự trong ngành dưới trào mình.

Và đọc hết bản tin, không hề thấy ông thượng thư này có một lời xin lỗi người dân, cụ thể là các thầy cô, học sinh và phụ huynh. Thì ra nhận trách nhiệm không đồng nghĩa với nhận lỗi. Thừa nhận có trách nhiệm, nhưng không thừa nhận là có lỗi. Và theo cái văn hóa đó, cớ sao phải nói lời xin lỗi. Do ngồi cái ghế đó nên người ta buộc lòng phải chịu trách nhiệm theo cái ghế. Còn lỗi và tội thì ai trực tiếp gây ra, kẻ đó phải tự chịu. Biết đâu chừng đã có quy trình và phân công rõ ràng như vậy.

Có lẽ với giới quan chức một xứ nào đó, thừa nhận trách nhiệm đã khó, nói lời xin lỗi còn khó hơn gấp bội lần. Dù sao, với trách nhiệm, người ta chỉ cần rút sợi dây trách nhiệm dài vô tận là xong. Còn mình không hề thấy mình có lỗi thì sao lại phải sửa lỗi!

Mà cô em tổ trưởng tổ dân phố của tôi ơi, chẳng lẽ một lời xin lỗi, cho dù có thể có trong vốn từ, nó khó nói ra tới vậy sao? Chưa cần phải thay mặt tổ dân phố để xin lỗi (vì như vậy phải theo quy trình và biết đâu có những tổ viên vẫn không nhận có lỗi), chỉ cần cô em xin lỗi với tư cách cá nhân mình thôi là đủ cho tôi cảm thấy mát dạ và an lòng bước đầu rồi. Xưa nay, có những lời xin lỗi không hề làm mất mặt bầu cua, mà còn giúp nâng hình ảnh của mình lên á. Thôi, cho anh xin lỗi cô em vì đã nhắc cô em xin lỗi.

Tôi viết cái này chỉ để tự giải thích cho chính mình cái thắc mắc: vì sao nhận trách nhiệm và nói lời xin lỗi không có giống nhau.

PHẠM HỒNG PHƯỚC