Nha Trang
Tôi vốn nhanh nhạy với chuyện bốn phương thiên hạ, nhưng lại bị cho là ù lì, hay bỏ lơ những chuyện xảy ra ngay trên đất nước mình đang sống. Mới nhứt là chuyện lũ lụt, sạt lở đất chưa từng có ở Nha Trang tới nay đã cướp mạng sống của 13 đồng bào tôi. Tin tức cho biết do ảnh hưởng bởi trận bão số 8, đêm 17-11 kéo qua ngày 18-11-2018 mua rất lớn ở khu vực Nha Trang gây nước lũ tràn từ trên cao xuống, vừa gây ngập lụt sâu trong ngay nội thành, vừa khiến đất đá từ trên núi sạt lở xuống vùng ven nghẽn đường, tàn phá nhà cửa. Và tệ hại nhất là giết người.
Thiệt tình, chuyện trong nước thì có tới 1001 nguồn cung cấp thông tin cả lề phải, lề trái lẫn giữa đường, và hầu như ai cũng có thể tiếp cận. Hơn nữa, tôi ngại nói chuyện trong nước. Bởi đã đưa tin thì không chỉ nói sự việc mà còn phải làm cho rõ nguyên nhân và diễn biến. Nhạy cảm là ở chỗ đó. Mà tôi lại không thích nói về nguyên nhân và diễn biến theo khuôn phép của báo chí chính thống. Thôi thì, an toàn cho tất cả thì thà rằng quên đi thì thôi… em nhé!
Như chuyện Nha Trang tang thương sau bão số 8 năm 2018 này. Theo chính thống, người ta gọi đó là thiên tai. Nhưng những người có chút hiểu biết ắt hiểu rõ không phải là ông Trời hay thiên nhiên ghét bỏ gì mà xuống tay hại dân Việt mình. Tôi gọi đó là “thiên tai có yếu tố con người”. Những vụ thiên tai như vậy chính là hệ lụy do những việc có những con người đã tàn phá thiên nhiên trong cả thời gian dài trước đó. Nói cách nào đó, phải dùng tới cụm từ “cướp phá thiên nhiên” vì kẻ tàn phá với mưu cầu lợi ích cá nhân, cục bộ. Có muốn trách Cao Xanh thì chỉ ở chỗ kẻ ăn ốc, người đổ vỏ, thiên tai không giáng xuống đầu những kẻ cướp phá thiên nhiên mà là xuống những người lỡ sanh ra nhầm đồng bào của chúng. Ôi, oan nghiệp quá Bao Thanh Thiên ơi!
Trong cuộc đời mình, tôi có những kỷ niệm không thể nào quên với Nha Trang. Trước hết là Nha Trang đã in vào đầu óc tôi từ thời còn là một cậu học trò tỉnh nhỏ vùng biên giới Đồng Tháp Mười với ảm ảnh “miền thùy dương cát trắng” mà khi vừa vào đời đã phải nếm mùi đi quét dọn những cọng lá dương nhỏ như cây kim khâu trộn trong cát trắng.
Và giờ đây, từ Chợ Lớn hướng về Nha Trang trong những ngày đau thương, tôi nghe lại ca khúc Nha Trang Ngày Về năm 1969 của nhạc sĩ Phạm Duy với những câu nhói lòng: “Nha Trang ngày về, ngồi đây tôi lắng nghe. Đê mê lòng tôi khóc, như oan hồn trách móc…” để rồi “Lớp sóng mơn man thịt mềm, da ngát hương. Nào ngờ sóng cuốn trôi đi lầu vàng trên bãi hoang. Khi tình tôi chít khăn tang. Ai gào ai giữa đêm trăng. Cho từng lớp sóng kêu than…”
Nha Trang không đơn độc. Niềm vui là đồng bào các nơi đang chung tay cùng Nha Trang. Nỗi buồn là đâu phải chỉ có mình Nha Trang gánh chịu thiên tai có bàn tay nhân tai như vầy.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh: Internet. Thanks.