Thứ Hai ngày 25 tháng 11 năm 2024

Tới công chuyện Gojek rời thị trường Việt Nam

Ngày 16-9-2024, nền tảng gọi xe công nghệ và ứng dụng đa dịch vụ Gojek (có công ty mẹ là GoTo của Indonesia) chính thức rời khỏi thị trường Việt Nam. Họ rời đi sau 6 năm đầu tư ở thị trường Việt Nam (từ năm 2018). Đại diện Gojek Việt Nam giải thích với báo chí rằng quyết định rút khỏi thị trường Việt Nam này là một phần trong chiến lược tái cấu trúc toàn cầu của Tập đoàn mẹ GoTo. Tập đoàn này đang thực hiện những bước đi mạnh mẽ nhằm tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, củng cố lợi nhuận và tập trung vào các thị trường cốt lõi, chủ yếu tại sân nhà Indonesia – nơi Gojek ra đời hồi năm 2010.

Gojek Việt Nam. (Ảnh do Gojek cung cấp).

Hiện nay, dịch vụ của GoTo ở nước ngoài chỉ còn duy nhất ở Singapore là Gojek Singapore (khai trương tháng 11-2018). Tại Thái Lan, Gojek Thailand khai trương ngày 27-2-2019 ở thủ đô Bangkok. Và vào đầu tháng 7-2021, Grab sau những năm không như ý cũng đã phải công bố bán lại hoạt động của mình cho tập đoàn hàng không giá rẻ AsiaAir với giá 50 triệu USD (dưới hình thức 4,76% cổ phần trong Công ty AirAsia SuperApp của AirAsia). Ứng dụng của Gojek tại Thái Lan hoạt động tới cuối tháng 7-2021 và sau đó được chuyển sang ứng dụng của AsiaAir. Coi như Gojek đã rời khỏi thị trường Thái Lan.

Có vẻ GoTo không “mát tay” khi chinh chiến ở nước ngoài trong lĩnh vực cạnh tranh cực kỳ khốc liệt này. Ngay tại thị trường Singapore, cái nôi của “đối thủ” Grab, ngày 26-10-2023, báo kinh doanh The Business Times đã giựt tít “Will Gojek exit Singapore? Reducing its cut from drivers could be a prelude” (Gojek sẽ rời Singapore? Giảm tiền hoa hồng từ tài xế có thể là bước đi đầu tiên).

Thông báo chia tay của Gojek Việt Nam trên app Gojek gửi tới người dùng.

Những người hiểu biết thị trường thì cho rằng Gojek thiệt ra không còn có thể chịu đựng, kham nổi nữa với tình trạng “đốt tiền” giữa sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam – nơi Grab đang chiếm ưu thế. Trong những năm qua, Gojek đã phải cạnh tranh với Grab ở yếu tố nguy hiểm nhất là “giá”. Giá các dịch vụ của Gojek luôn “tốt” hơn của Grab. Kèm với đó là Gojek duy trì nhiều khuyến mại, ưu đãi hơn Grab. Và để đạt được “cái tiếng” đó, Gojek chắc chắn phải “hao tài tốn của”.

Khác với trường hợp Uber trước đây, Gojek ngừng hoạt động hoàn toàn chứ không phải như Uber đã bán tất cả các mảng hoạt động của mình ở Đông Nam Á vào năm 2018 cho “đối thủ bản địa” Grab. Và sau việc Uber ngừng hoạt động tại Việt Nam từ 0g ngày 9-4-2018, Gojek là ứng dụng gọi xe công nghệ nước ngoài thứ hai “bỏ cuộc” tại Việt Nam. Đó là chưa nói tới một thương hiệu dịch vụ trên nền công nghệ lớn khác là dịch vụ giao thức ăn qua app BAEMIN, viết tắt của cụm từ Baedal Minjeok, của Hàn Quốc đã ngừng hoạt động tại Việt Nam vào ngày 8-12-2023, sau 4 năm bước chân vào Việt Nam (từ tháng 6-2019).

Go-Viet những ngày đầu ra mắt. (Ảnh từ Internet. Thanks).

Vào tháng 8-2018, Gojek bắt đầu vào thị trường Việt Nam trên danh nghĩa hợp tác công nghệ với thương hiệu gọi xe công nghệ Go-Viet của Việt Nam. Và từ ngày 5-8-2020, thương hiệu Go-Viet đã chính thức được đổi thành Gojek Việt Nam. Gojek đã đánh dấu sự ra mắt này bằng một video clip TVC quảng cáo công phu được thực hiện bởi đạo diễn Henry Scholfield, người từng tạo ra những video MV triệu view cho các ca sĩ nổi tiếng thế giới.

Go-Viet những ngày đầu ra mắt. (Ảnh từ Internet. Thanks).

Go-Viet thành Gojek Việt Nam. (Ảnh do Gojek cung cấp).

Xin mời xem video

Ban đầu, Gojek chỉ có dịch vụ xe hai bánh là GoRide, cộng với các dịch vụ GoSend giao hàng và GoFood giao đồ ăn. Và vào năm 2021, giữa cao điểm đại dịch COVID-19, Gojek bất ngờ ra mắt thêm dịch vụ xe ôtô là GoCar, bắt đầu hoạt động tại TP.HCM từ ngày 19-8-2021, để vận chuyển lực lượng y tế tuyến đầu giữa tâm dịch (khi thành phố này đứng đầu cả nước về số ca nhiễm COVID-19 mới với hơn 4.000 ca/ngày). Và tới ngày 18-11-2021, khi các quy định về giãn cách được nới lỏng, Gojek đã chính thức mở rộng dịch vụ GoCar cho người dùng tại TP.HCM, bắt đầu với dòng sản phẩm GoCar Protect (được trang bị các tính năng phòng dịch, bảo vệ tài xế và hành khách). GoCar Protect là dịch vụ gọi xe 4 bánh đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam trang bị đồng bộ màn chắn bảo vệ và máy lọc không khí trên xe. Sau khi ra mắt tại TP.HCM, GoCar Protect đã chính thức lăn bánh tại Hà Nội từ ngày 4-1-2022.

GoCar Protect. (Ảnh do Gojek cung cấp).

Sau khi Gojek rời đi, thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam còn lại Grab của Singapore (vào Việt Nam từ năm 2014) đang nắm ưu thế, Be của BE Group Việt Nam (ra mắt ngày 13-12-2018, bắt đầu từ Hà Nội) có quy mô hạn chế và Xanh SM thuộc Tập đoàn VinGroup (khai trương ngày 14-4-2023, bắt đầu từ Hà Nội) đang dần khẳng định được chỗ đứng trở thành một đối thủ đáng gờm.

Sau khi Gojek rời đi, thiệt hại trực tiếp chính là các đối tác tài xế. Không biết họ có được hưởng khoản tiền nào đó không? Trong những ngày trước ngày D-day, nhiều người đã phải tất bật tìm nơi làm việc mới. Ba cửa chính là Grab, Be và Xanh SM. Và họ phải làm lại từ con số 0, có chăng là kinh nghiệm chạy xe công nghệ.

Sau khi Gojek rời đi, thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam sẽ bớt đi một tay chơi có số má, nhưng có thể sẽ càng trở nên khốc liệt hơn khi cuộc cạnh tranh lên tầm mức sàng lọc, loại bỏ đối thủ. Liệu người dùng có được hưởng lợi gì từ cuộc cạnh tranh đó? Hay là họ sẽ bị các dịch vụ gọi xe công nghệ còn “sống sót” “bắt nạt”? Chắc chắn người dùng ở Việt Nam sẽ nhớ mãi Gojek với giá rẻ hơn và nhiều khuyến mại hơn. Có lẽ nhiều người sẽ tiếp tục giữ app Gojek trên thiết bị của mình để mai này có dịp đi qua Indonesia hay Singapore có thể tiếp tục “Hi Gojek”.

NGÔ LÊ