Thứ Sáu ngày 10 tháng 1 năm 2025

Việt Nam đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển cùng những “người khổng lồ” công nghệ

Việt Nam bước vào năm 2025 với nhiều mục tiêu đầy khát vọng mới về công nghệ – một trong những nền tảng để phát triển đất nước vươn tầm thế giới. Và công nghệ không thể phát triển nếu như không được nghiên cứu và phát triển liên tục. Từ quy mô từng hãng cho tới tầm cỡ cả quốc gia, lĩnh vực R&D (nghiên cứu và phát triển) luôn đóng vai trò quan trọng sống còn. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn trên thị trường, các hãng hơn thua nhau về khả năng liên tục đưa ra những sản phẩm mới và có sự khác biệt riêng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ người dùng về sự mới lạ và tính tiên tiến hơn, R&D càng thêm cần thiết.

Xu thế toàn cầu đầu tư cho R&D

Theo tổ chức thống kê Statista, tổng chi phí đầu tư cho R&D trên toàn thế giới không ngừng tăng lên theo từng năm, từ 555 tỷ USD (năm 1996) lên tới 2.475 tỷ USD (năm 2022). Năm 2022, có khoảng 2,5% trong tổng GDP toàn cầu hơn 100.000 tỷ USD đã được chi cho R&D. Từ năm 2017, ngân sách cho R&D toàn cầu hằng năm đã vượt ngưỡng 2.000 tỷ USD. Năm nước chi R&D cao nhất thế giới vào năm 2021 lần lượt là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc. Chẳng phải ngẫu nhiên khi đây cũng chính là các nước công nghệ hàng đầu thế giới. Và 3 ngành công nghiệp tốn tiền R&D nhất trong năm 2022 là công nghệ phần cứng (chiếm 23%); sức khỏe (21%); và phần mềm (21%).

Chẳng hạn như Tập đoàn Công nghệ Huawei năm 2022 đã dành tới 23,23 tỷ USD để đầu tư cho R&D, chiếm tới 25,1% tổng doanh thu cả năm của hãng. Bất chấp những khó khăn chồng chất trong những năm gần đây do ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận của Mỹ, Huawei vẫn mạnh dan chi tiền cho R&D. Tổng chi phí hoạt động R&D của hãng trong 10 năm (2013-2022) đã đạt 140,55 tỷ USD. Với việc mạnh tay đầu tư cho R&D, tính đến cuối năm 2022, Huawei đã sở hữu được số bằng sáng chế ấn tượng, lên đến 120.000 bằng sáng chế (patents), thuộc nhóm các công ty sở hữu nhiều bằng sáng chế nhất trên thế giới.

Một trong những yếu tố giúp Công ty Công nghệ Xiaomi nhanh chóng vươn lên thành một trong những “ông lớn di động” và đa dạng hóa chủng loại sản phẩm công nghệ, từ tai nghe nhét tai đến xe ôtô điện, chính là mạnh tay đầu tư vào R&D. Xiaomi cũng dùng giải pháp đầu tư cho R&D để giúp mình sớm thoát khỏi cái “khuôn định kiến” là “nhà sản xuất đồ rẻ tiền”. Xiaomi đặt mục tiêu trở thành người dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến thông qua đầu tư bền vững vào các công nghệ cốt lõi. Trong quý 3-2024, chi phí R&D của Xiaomi đạt 828,72 triệu USD (tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước). Tính đến ngày 30-9-2024, Xiaomi có đội ngũ 20.436 nhân sự R&D và đã đăng ký hơn 41.000 bằng sáng chế trên toàn cầu. Năm 2024, Xiaomi xếp thứ 8 toàn cầu về số lượng bằng sáng chế chuẩn 5G (SEPs) hợp lệ.

Việt Nam đẩy mạnh R&D

Sinh viên khoa học máy tính của trường Đại học CMC University. (Ảnh do CMC cung cấp)

Tín hiệu đáng mừng là trong những năm gần đây, nhà nước Việt Nam đã có những động thái theo hướng đẩy mạnh lĩnh vực R&D. Vào cuối tháng 10-2023, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) đã được khánh thành đóng vai trò nền tảng trung tâm cho các hoạt động R&D ở cấp quốc gia. Kết quả tích cực là nhiều “ông lớn công nghệ” quốc tế như Intel, Samsung, Qualcomm,… và mới nhất là NVIDIA đã đặt hoạt động R&D của mình tại Việt Nam. Hồi hạ tuần tháng 9-2024, nhân chuyến công tác tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79 tại New York (Mỹ), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp lãnh đạo nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ như Apple, Meta, Supermicro,… và khuyến khích họ hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu và phát triển, nâng cao năng lực sản xuất. Cụ thể, đề nghị Apple nghiên cứu thành lập R&D tại Trung tâm NIC.

Sau khi thành lập nhóm R&D tại Việt Nam vào năm 2012, hồi hạ tuần tháng 12-2022, Samsung đã khánh thành Trung tâm R&D Hà Nội với hai nhiệm vụ chính là mở rộng lĩnh vực nghiên cứu và nâng cao chuyên môn. Có quy mô đầu tư 220 triệu USD, Trung tâm R&D này không chỉ là trung tâm R&D hàng đầu ở Đông Nam Á, mà còn là một trong những trung tâm R&D lớn nhất thế giới.

Mới nhất là sự kiện Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp bán dẫn NVIDIA ngày 5-12-2024 đã ký kết thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam (VRDC) và Trung tâm Dữ liệu AI nhằm thúc đẩy ứng dụng AI, mở rộng việc làm cho nhân lực trong nước. VRDC là một trong 3 trung tâm R&D của NVIDIA trên toàn cầu và dự kiến có khoảng 130 nhân sự. Đây là kết quả sau hơn một năm làm việc giữa hai bên, bắt đầu từ chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến trụ sở NVIDIA tại Mỹ vào tháng 9-2023 và sau đó là chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của ông Jensen Huang, nhà sáng lập và CEO của NVIDIA, hồi tháng 12-2023. NVIDIA hiện đang làm việc với 65 trường đại học và hơn 100 công ty khởi nghiệp AI tại Việt Nam thông qua NVIDIA Inception, một chương trình toàn cầu được thiết kế để giúp các công ty khởi nghiệp phát triển nhanh hơn.

Là một thành phố trung tâm công nghệ của Việt Nam, TP HCM đang ngày càng xác định vai trò của công nghệ trong hành trình phát triển thành phố trở thành một trung tâm công nghệ, không chỉ của cả nước mà còn vươn tầm khu vực và thế giới.

Hồi tháng 9-2024, TP HCM đã khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (HCMC C4IR) với sứ mệnh thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ tiên tiến. HCMC C4IR là một trong những dự án quan trọng trong Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) giai đoạn 2023 – 2026. Đây là trung tâm C4IR thứ hai tại Đông Nam Á, sau Malaysia, và là một phần của mạng lưới các Trung tâm C4IR toàn cầu của WEF. Được xây dựng trên mô hình đầu tư hợp tác công – tư, với những thành viên sáng lập là UBND TP cùng những đơn vị và doanh nghiệp lớn như Đại học Quốc gia TP HCM, Viettel, CMC, Sovico, HD Bank, Techcombank,… C4IR xác định triển khai 5 lĩnh vực trọng tâm, bao gồm: AI và hệ sinh thái AI; Bán dẫn và hệ sinh thái bán dẫn; Sản xuất thông minh/tiên tiến – chuyển đổi số/số hóa; Tăng trưởng xanh, bền vững; Lĩnh vực tài chính dự án, tài chính xanh.

Nghiên cứu và phát triển cùng những “người khổng lồ công nghệ”

Bộ phận nghiên cứu và thiết kế vi mạch bán dẫn của Tập đoàn Marvell (Mỹ) tại TP HCM. (Ảnh: NGÔ LÊ)

Việc hợp tác cùng các “ông lớn công nghệ” trong nghiên cứu và phát triển là một cách làm đúng đắn mà Việt Nam đã chọn. Với đặc thù, năng lực và điểm xuất phát của mình, Việt Nam không thể tự mình làm R&D quy mô toàn cầu. Bằng cách làm “góp gạo nấu cơm chung” này, Việt Nam có thể khai thác được kinh nghiệm, nền tảng và thiết bị của đối tác quốc tế để kết hợp với nguồn nội lực của mình là nhân lực và cơ sở hạ tầng. Đây cũng là những chiếc nôi đào tạo nhân lực R&D, phát triển nhân tài R&D cho Việt Nam. Và yếu tố then chốt là các chính sách phù hợp, có tính thu hút cao. Có một lợi thế không thể phủ nhận là với hình thức hợp tác, Việt Nam có thể khai thác quy mô và ảnh hưởng toàn cầu của đối tác để đưa chất xám của mình ra thế giới, có thể ứng dụng các thành quả R&D trên phạm vi quốc tế và toàn cầu.

Tất nhiên, không phải là con đường đúng đắn và bền vững nếu chúng ta chỉ biết trông chờ, dựa dẫm vào nguồn lực nước ngoài. Ở mặt hạn chế, việc hợp tác cùng đối tác quốc tế sẽ khiến chúng ta bị “mắc kẹt” khi thành quả R&D mà chất xám Việt tham gia chỉ phục vụ cho nội bộ hoạt động của đối tác.

Vì thế, nhà nước – thông qua các cơ quan chức năng – nhất thiết phải có chiến lược và các chính sách thu hút chất xám từ nước ngoài và khai thác tối đa nguồn lực chất xám của Việt Nam. Các công ty công nghệ, đặc biệt là các công ty lớn, phải xây dựng lực lượng R&D của mình đủ mạnh để sở hữu những thành quả công nghệ tiên tiến “Made in Vietnam” có đủ chất lượng để vừa sử dụng cho nội địa, vừa có giá trị ứng dụng trên trường quốc tế. Cái này rõ ràng cần có định hướng và các chính sách phù hợp.

Điều đáng mừng là trong những năm qua, xuất phát từ nhu cầu phát triển của bản thân, các “ông lớn công nghệ” của Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT, CMC, Vingroup,… đều đầu tư mạnh cho R&D và đã thu được nhiều hoa thơm trái ngọt cả trong nước lẫn quốc tế. Nhưng bên cạnh đó, chủ đạo và bền vững vẫn là phát triển những trung tâm R&D của nhà nước mang tầm cỡ quốc gia chuyên ngành và đa ngành. Đó chính là nơi có nhiệm vụ tạo ra những dấu ấn công nghệ Việt Nam.

Bản in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 29-12-2024 và trên báo NLĐ Online.

ANH PHÚC