Truyền hình trả tiền: ưu tiên phải là người xem
Trong những ngày trung tuần tháng 1-2025 năm hết Tết đến, thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam bị biến động.
Kể từ 0g ngày 15-1-2025, một số đài truyền hình phát trên nền tảng số gồm VTC, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn VNEWS, Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam VOVTV đã chính thức dừng phát sóng theo quyết định sắp xếp, tinh gọn các cơ quan tổ chức Nhà nước. Trong số này, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC thuộc VOV có tới 13 kênh. Như vậy, tất cả các dịch vụ truyền hình Internet, tức dịch vụ truyền hình có trả tiền, đã mất các kênh vừa ngừng hoạt động.
Ngay sau đó, trên hầu hết các dịch vụ truyền hình có trả tiền, một số kênh của Đài Truyền hình Việt Nam VTV (như VTV2, VTV3) đã bị “tạm thời gián đoạn” do giữa nhà cung cấp dịch vụ và VTV chưa đạt được thỏa thuận về việc tăng mức phí bản quyền theo yêu cầu mới của VTV.
Điều đáng nói là cả trong hai trường hợp này, chịu thiệt thòi “ngay và luôn” chính là các khách hàng. Họ đã trả tiền thuê bao hằng tháng cho các gói cước xem truyền hình số nhưng giờ bị “thiệt” mất một số kênh, trong đó có những kênh có nhiều người quan tâm.
Ngoài ra, trong thời gian qua, số lượng kênh trên các nền tảng truyền hình trả tiền có xu hướng giảm vì sự rút lui của một số kênh nước ngoài. Trong đó, có loạt kênh từ The Walt Disney vào năm 2023.
Hoàn toàn chính đáng khi thuê bao thắc mắc: giảm kênh có giảm phí?
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuối tháng 12-2024, có tổng cộng 36 doanh nghiệp đã được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam. Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền ước đạt 21,2 triệu (tăng 1% so với cùng kỳ năm trước); và doanh thu dịch vụ ước đạt 10.500 tỷ đồng. Bộ đặt nhiệm vụ tăng số lượng thuê bao truyền hình trả tiền lên 22 triệu trong năm 2025 này.
Có một điều rõ ràng là thị trường truyền hình số có thu phí ở Việt Nam không còn là một mảnh đất màu mỡ hấp dẫn nữa. Người xem có nhiều lựa chọn để xem truyền hình số. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1-4-2014 các dòng tivi 32 inch trở lên khi nhập vào Việt Nam phải có tích hợp sẵn bộ thu kỹ thuật số DVB-T2. Với bộ giải mã tích hợp này, người dùng có thể xem các kênh kỹ thuật số miễn phí với chất lượng HD mà chỉ cần nối với ăng-ten số, không còn cần phải mua hay thuê bộ giải mã set-top box. Và theo lộ trình, từ năm 2021 Việt Nam đã số hóa phủ sóng DVB-T2 trên toàn quốc. Bên cạnh đó còn là xu hướng thay vì xem các kênh truyền hình, người xem, đặc biệt là giới trẻ, đang chuyển sang xem các loại hình video online khác.
Thị trường truyền hình số trên quy mô toàn cầu trong những năm gần đây đang có xu hướng sụt giảm. Theo thống kê của Statista, doanh thu của truyền hình trả tiền toàn cầu đã giảm từ 186 tỷ USD vào năm 2019 xuống còn 151 tỷ USD trong năm 2022 ,và đang tiếp tục giảm sút.
Và có một cái vòng luẩn quẩn. Thuê bao giảm dẫn tới doanh thu giảm, các dịch vụ truyền hình số trả tiền gặp khó khăn về kinh doanh, trong khi các nhà cung cấp nội dung theo quy luật cần có chi phí đầu tư ngày càng lớn hơn. Nhưng nếu tăng phí dịch vụ lên quá ngưỡng thực tế, số lượng thuê bao lại càng giảm mạnh hơn.
Đó là lý do mà để tất cả cùng có lợi và theo hướng bền vững, hai nhà cung cấp dịch vụ và nội dung truyền hình số cần phải ngồi lại với nhau thảo luận giải pháp chung với nguyên tắc ưu tiên quyền lợi của người xem. Ngoại trừ các kênh miễn phí – chủ yếu là các kênh thông tin tuyên truyền đại chúng, các kênh thu phí cần chắt lọc lại và không ngừng phát triển nội dung và nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khán giả. Đó là nguyên tắc tồn tại hay không tồn tại.
Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 22-1-2025 và trên báo NLĐ Online.
HOÀI XUÂN