Thứ Sáu ngày 03 tháng 1 năm 2025

TRỞ LẠI SAN FRANCISCO: Ngồi đồng tại Narita

130909-phphuoc-tokyo-narita-006-2000

 

Nếu thi sĩ Hàn Mặc Tử hồi nẳm năm xưa than rằng “làm sao giết được người trong mộng, để trả thù duyên kiếp phũ phàng…”, bây giờ ngồi giữa sân bay quốc tế Narita Tokyo (NRT), tôi muốn rống lên thảm thiết rằng: “làm sao giết được thời gian đợi, để khỏi ngồi đây ngóc cổ dài…”

Sáng nay (9-9-2013) sau khi bay hơn 5 tiếng đồng hồ trên chuyến bay lúc nửa đêm gà gáy canh ba của hãng ANA (Nhật Bản), tôi tới sân bay Narita lúc 7g25ph (giờ Nhật, sớm hơn giờ VN 2 tiếng). Chuyến bay code share của hãng Mỹ United Airlines đi sân bay quốc tế San Francisco (SFO) mãi tới 15g55ph mới bay. Nghĩa là phải đợi tới 8 tiếng rưỡi đồng hồ. Mần gì, mần gì, mần gì cho hết cái quỹ thời gian bị cưỡng bức ở không này đây?

Tối qua khi check-in tại quầy của ANA tại Tân Sơn Nhất, tự nhiên cảm thấy hơi bị mần biếng, tôi bèn quẳng cái valy vốn tính carry-on xách tay nặng gần 10kg lên bàn cân để gửi luôn thành 2 kiện đi SFO cho nó khỏe tay. Trước giờ các hãng hàng không bay từ Việt Nam và nhiều nước châu Á khác đi Mỹ cho hành khách được gửi 2 kiện hành lý, mỗi kiện 50 pound (23kg). Giờ cậu nhân viên check-in la lên “I can you”, cho biết kể từ tháng 7-2013, hầu như tất cả các hãng hàng không chỉ cho hạng vé Economy được gửi 1 kiện hành lý 50 pound và một túi hành lý xách tay 10kg. Hạng Business class được gửi 2 kiện, mỗi kiện 70 pound (32kg). Hạng First class được gửi 3 kiện 70 pound. Nếu gửi thêm thì phải trả cước hành lý. Rõ là tình hình kinh tế khó khăn đã khiến các hãng hàng không phải cắn răng mà làm buồn lòng hành khách. Quy định mới này giúp họ tăng thêm nguồn thu và giảm chi phí (do máy bay nhẹ hơn nên bay nhanh hơn và đỡ tốn xăng hơn). Nhưng bà con mình ở Mỹ hay các nước khác rầu thúi ruột đây. Thường thì mỗi khi về thăm nhà, mỗi người có khi cộ tới 4-5 kiện hành lý.

Máy bay của hãng ANA cất cánh rất đúng giờ. Sau khi rời Tân Sơn Nhất 10ph, lúc đó là 0g05ph, tiếp viên mời hành khách nhâm nhi bữa nhẹ nửa khuya với một gói đậu rang và một ly nước tùy chọn. Sau đó, máy bay tắt đèn cho khách ngủ. Khi chỉ còn 1g30ph nữa là hạ cánh, tiếp viên phục vụ bữa ăn chính, bữa nay gồm 2 món: cháo tôm và bánh trứng gà ốpla.

ANA vừa được Skytrax – một công ty xếp hạng và tư vấn nghiên cứu trong ngành hàng không có trụ sở tại London – xếp hạng cao nhất 5 sao cho thành tích phục vụ khách hàng tốt nhất trong năm 2013. ANA còn được tặng thêm 2 giải: dịch vụ sân bay tốt nhất thế giới và dịch vụ làm vệ sinh cabin tốt nhất thế giới. Kể từ cuối tháng 8-2013, ANA đã thêm vào cạnh logo của mình dòng slogan: “Inspiration of Japan” (nguồn cảm hứng của Nhật Bản). Trên hông các máy bay của ANA cũng bắt đầu được kẻ dòng logan mớ. Nhân dịp này, Osamu Shinobe, Chủ tịch kiêm CEO của ANA, giải thích: “Là một hãng hàng không đại diện cho Nhật Bản, và với an toàn là nền tảng của mình, chung tôi cam kết cung cấp một chuyến đi thậm chí còn thoải mái hơn nữa cho các khách hàng của mình trên khắp thế giới.” Trong lá thư tòa soạn trên số tạp chí Wingspan (9-2013) của hãng ANA, ông Shinobe đã kể về những kỷ niệm tháng 9, khi cách đây đúng 30 năm, ông đi công tác nước ngoài lần đầu tiên, lúc đó ông là một kỹ sư phụ trách bảo dưỡng hệ thống đáp của máy bay. Chuyến đi dự hội nghị chuyên ngành ở San Francisco (Mỹ) đó còn ghi dấu trong đời ông gắn với sự kiện đứa con trau đầu lòng của ông ra đời. Tháng 9 của chung và riêng. Đọc thiệt cảm động.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Narita, Tokyo 9-9-2013)

130909-phphuoc-tokyo-narita-021_resize 130909-phphuoc-tokyo-narita-023_resize

130909-phphuoc-tokyo-narita-025_resize

130909-phphuoc-tokyo-narita-026_resize

130909-phphuoc-tokyo-narita-030_resize