Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Hajj 2012: gần 4 triệu người Hồi giáo tụ hội ở Thánh địa Mecca

Cuộc đại hành hương toàn cầu của người Hồi giáo ở Thánh địa Mecca (Arập Saudi) năm nay đã bắt đầu hôm 24-10-2012. Đây là một trong những cuộc hành hương hàng năm lớn nhất thế giới. Hàng triệu tín đồ Hồi giáo chen kín thành phố này để thực hiện cuộc hành hương Hajj, còn được gọi là “cột trụ thứ năm của Hồi giáo”, đó là một nghĩa vụ tôn giáo buộc mỗi tín đồ có khả năng phải tới viếng Thánh địa Mecca ít nhất là 1 lần trong đời.

Năm nay, nhiều người hành hương đã cầu nguyện cho sự thống nhất trong thế giới Hồi giáo giữa thời kỳ thế giới đầy hỗn loạn và bạo lực.

Ước tính có gần 4 triệu tín đồ Hồi giáo tham dự cuộc hành hương Mecca năm nay. Theo nghi thức, họ sẽ đi vòng quanh Kaaba, đền thờ thiêng liêng nhất của Hồi giáo nằm trong ngôi đại thánh đường ở trung tâm Mecca. Có những người hướng tới vùng núi sa mạc đầy đá ở Núi Arafat để trải qua một đêm canh thức ở đó trước khi vào ngày cầu nguyện và suy ngẫm, đánh đấu sự mở đầu cho cuộc hành hương Hajj.

Người Hồi giáo tin rằng cuộc hành hương (từ thứ Năm 25-10 tới thứ Hai 29-10-2012) là để theo dấu chân của các nhà tiên tri Abraham, Ishmael và Mohammed. Nhiều người nói rằng việc cầu nguyện bên cạnh hàng trăm ngàn đồng đạo sẽ giúp họ có cảm giác Hồi giáo vượt qua được các xung đột chính trị và thế tục đang chia rẽ thế giới Hồi giáo. Đứng vai kề vai bên nhau để cầu nguyện, những người hành hương nói rằng năm nay hơn bao giờ hết, họ cầu nguyện cho sự thống nhất trong Umma (chữ Arập có nghĩa là “mẹ”) và được dùng để chỉ cộng đồng Hồi giáo toàn cầu.

Tham dự hành hương Hajj, đàn ông mặc những chiếc áo sợi trắng không có đường nối, tượng trưng cho sự bình đẳng của loài người và một sự trở về với Thượng đế. Còn phụ nữ thì tạm quên nước hoa, mỹ phẩm và những bộ váy áo vừa vặn người để quấn mình trong những tấm vải dài rộng thùng thình, che đầu bằng chiếc khăn trùm đầu truyền thống Hồi giáo, như một cách để tập trung vào linh hồn bên trong hơn là dáng vẻ bề ngoài.

Ông Hoàng Arập Saudi Khalid al-Faisal, Thống đốc Vùng Mecca và Chủ tịch Ủy ban Hajj Trung ương, đánh giá Hajj 2012 là một trong những mùa hành hương Hồi giáo thành công nhất, cho dù có số lượng người hành hương khổng lồ. Số lượng người hành hương năm nay từ 3,16 triệu tới 3,65 triệu, sở dĩ không thể biết chính xác vì có rất đông người hành hương không đăng ký.

Để bảo đảm an toàn và an ninh cho những người hành hương, nhà chức trách Arập Saudi đã triển khai hơn 120.000 nhân viên an ninh, 10.000 chiếc xe, 45 chiếc trực thăng với 350 phi công và nhân viên kỹ thuật luân phiên hoạt động, sử dụng 30.000 camera giám sát, lập 200 trung tâm an ninh và 100 đơn vị tuần tra lưu động. Trong những năm gần đây, nước chủ nhà đã chi hàng tỷ USD để cải thiện cơ sở hạ tầng của cuộc hành hương, cố gắng tránh xảy ra những vụ giẫm đạp và tai nạn. Với hàng triệu người hành hương tập trung một thời điểm, nhiều năm qua vẫn xảy ra những sự cố chen lấn, giẫm đạp nhau gây nhiều thương vong.

Cuộc hành hương Mecca năm nay diễn ra khi thế giới Hồi giáo đang chịu nhiều thách thức, tiếp tục bị những phần tử cực đoan, quá khích làm cho mang tiếng là một tôn giáo hiếu chiến, gieo rắc bạo lực khủng bố khắp thế giới. Luôn nằm trong “vùng nóng” trên bản đồ thời sự quốc tế là phong trào Hồi giáo cực đoan Taliban ở Nam Á và hệ thống khủng bố quốc tế Hồi giáo al-Qaeda của trùm khủng bố Osama Bin Laden.

Trong khi hàng triệu đồng đạo đang kính cẩn hành hương ở Mecca, gần 20 triệu người Hồi giáo ở Syria, một đất nước Arập Hồi giáo ở Tây Á, đang quằn quại trong cuộc nội chiến kéo dài từ tháng 3-2011 tới nay và ngày càng leo thang đẫm máu. Theo các tổ chức nhân đạo, có khoảng 32.000 người đã chết trong cuộc chiến giữa lực lượng nổi dậy và quân đội của Tổng thống Bashar al Assad. Hình ảnh bạo lực và chết chóc hàng ngày lấp đầy các màn hình truyền hình. Đây là một trong những cuộc nội chiến Hồi giáo đầu tiên được mang vào “phòng khách” người dân thế giới.

Ở Ai Cập, một nước Arập Hồi giáo Bắc Phi, công chúng đang bị chia rẽ trước sự cai quản đất nước của chính quyền Hồi giáo mới với nguy cơ Luật Hồi giáo Shariah sẽ được đưa vào hiến pháp. Nếu điều này xảy ra, phương Tây có thể sẽ phải nuối tiếc vì đã bật đen xanh cho việc lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak, cho dù ông ta bị coi là một nhà độc tài cầm quyền suốt từ năm 1981 cho tới khi bị buộc phải từ chức hồi tháng 2-2011.

Ở nước Libya Arập Hồi giáo láng giềng, các tay súng dân quân thân chính phủ tiếp tục chiến đấu chiếm lại Bani Walid, một trong các thành lũy cuối cùng của lực lượng ủng hộ chế độ của Tổng thống Muammar Gaddafi, người đã bị quân nổi dậy lật đổ và giết chết trong 8 tháng nội chiến đẫm máu hồi năm 2011. Mặc dù nhà độc tài Gaddafi đã bị giết chết hồi tháng 10-2011 khi đang ẩn trốn, nhưng cho tới nay những lực lượng ủng hộ ông ta vẫn còn tồn tại đây đó khắp đất nước Bắc Phi này.

Ở Pakistan, một nước Hồi giáo Nam Á, Taliban và khủng bố al-Qaeda vẫn đang lộng hành. Nóng bỏng hiện nay là vụ Taliban bắn một nữ sinh 14 tuổi khi cô bé chống lại cách hành xử của Taliban và phản đối việc Taliban ngăn cấm nữ giới đi học. Hàng trăm trường dành cho nữ sinh đã bị Taliban phá hủy.

Ở Myanmar – một nước Đông Nam Á vừa khôi phục bộ máy cầm quyền dân chủ, những người Hồi giáo (chiếm 4% dân số) đang cầu cứu vì cho rằng bị cộng đồng Phật giáo (chiếm 89% dân số) tấn công. Hơn 90 người đã bị giết chết trong mùa hè vừa qua và khoảng 70.000 người đã phải sơ tán vì cuộc xung đột tôn giáo này.

Trong mấy tuần lễ trước cuộc hành hương Hajj năm nay, làn sóng biểu tình chống đối – thậm chí biến thành bạo lực đẫm máu – đã bùng nổ khắp thế giới Hồi giáo để lên án một bộ phim sản xuất ở Mỹ xúc phạm tới nhà tiên tri Mohammed thiêng liêng của người Hồi giáo. Nhà làm phim nghiệp dư Mỹ này đã mô tả vị Thánh của Hồi giáo như một kẻ lăng nhăng, lừa đảo và điên khùng. Đỉnh điểm của làn sóng chống Mỹ này là vụ đám đông công chúng tấn công lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi giết chết Đại sứ Mỹ ở Libya.

Có mặt tại Mecca, Ali Ahmad Younis, một người Libya nói rằng tất cả các con trai của ông đều tham gia quân nổi dậy trong cuộc chiến lật đổ Gaddafi, đã bật khóc vì cảm xúc quá mạnh. “Tôi cầu chúc tất cả các nước Hồi giáo thống nhất với nhau. Tôi cũng cầu chúc cho đất nước Libya của tôi và tất cả các thành phố của nó, Bani Walid , Misrata, Tripoli, sẽ thống nhất với nhau. Tôi cho rằng chỉ khi nào tất cả chúng tôi thống nhất được với nhau thì mới có thể chấm dứt được đổ máu ở Libya. Tôi cũng cầu xin Thượng đế cho tất cả mọi người Arập và Umma có thể thống nhất.”

Hành hương Hajj là một trong những cơ hội hiếm hoi để những tín đồ Hồi giáo phái Shiite chiếm đa số ở Iran cùng cầu nguyện bên cạnh những người Arập đa số theo phái Hồi giáo Sunni. Hai phái Hồi giáo này có mối thù hận nhau truyền kiếp. Đất nước Hồi giáo Arập vùng Vịnh Iraq từng là một bãi chiến trường đẫm máu của thù hận bạo lực giữa hai phái này. Và bây giờ, cuộc khủng hoảng Syria cũng là một cuộc đối đầu mới giữa hai phái Hồi giáo. Chế độ của Tổng thống Assad do phái Shiite thống lĩnh và được hậu thuẫn bởi nước láng giếng Iran do phái Shiite lãnh đạo. Lực lượng nổi dậy ở Syria thuộc phái Sunni và đang được các nước có đa số dân thuộc phái Sunni khác ủng hộ. Ai sẽ thắng ai, và sau khi chiến thắng phải chăng sẽ càng khoét sâu thù hận giáo phái hơn nữa?

Quả thật, thế giới Hồi giáo đang có quá nhiều thách thức. Thách thức trong nội bộ và thách thức với thế giới bên ngoài. Mùa hành hương Hajj như một tâm điểm để người Hồi giáo toàn cầu lắng lại và tìm sự thống nhất với nhau.

 PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 12-11-2012)

Trong cuộc Hajj năm 1889, những người hành hương tụ họp tại Thung lũng Mina, ngay bên ngoài Mecca với lều, lạc đà và gia súc. (Ảnh tư liệu của Library of Congress)

Ngày 7-9-1954, những tín đồ Hồi giáo viếng Kaaba trong cuộc hành hương tới Mecca. (Ảnh tư liệu của AP)

Thánh địa Mecca và Đại thánh đường Masjid al-Haram nhìn từ trên cao trong mùa hành hương 1988. (Ảnh tư liệu của AP)