Thứ Ba ngày 21 tháng 1 năm 2025

Tình ca của Phạm Duy và Hoàng Việt


Những người yêu âm nhạc Việt Nam có tới 2 bài hát cùng mang tên “Tình ca” của hai nhạc sĩ nổi tiếng để mà yêu thích.

TÌNH CA CỦA PHẠM DUY

 

Bài hát Tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy nói về một tình yêu thiêng liêng và cao vời vợi là tình yêu non sông đất nước. Ngay từ câu mở đầu, ông đã khẳng định: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…”.

Phạm Duy sáng tác Tình ca năm 1952. Giai điệu và ca từ của nó trầm hùng, mênh mông, sâu lắng, thiết tha và dằng dặt thể hiện cái hào khí của Con Rồng, Cháu Tiên. Ở một góc độ nào đó, Tình ca là sự khởi đầu, là phác thảo cho trường ca Con đường cái quan mà Phạm Duy miệt mài sáng tác từ năm 1954 tới 1960. Có thể nói, Tình ca là một trường ca thu nhỏ.

Phạm Duy là một nghệ sĩ đa tình “thiên hạ vô đối”. Ông là “ông hoàng tình ca” của nhạc Việt (kể cả nhạc ngoại được ông đặt lời Việt). Cả tình yêu đôi lứa lẫn tình yêu quê hương đều được ông đưa vào âm nhạc một cách trên cả tuyệt vời. Tình ca là một điển hình, đó là tình tự dân tộc. Có thể nói không ngoa ngữ rằng: Phạm Duy là một “phù thủy âm nhạc”, hễ ông chạm tới cái gì là nó lập tức trở thành nhạc, mà là “nhạc chất lượng cao”.

Tình ca trải dài theo tiếng ru à ơi vang vọng ngàn đời của người mẹ Việt Nam. Những khoảnh khắc lịch sử, những địa danh tiêu biểu của đất nước xuất hiện trong bài hát. Tình ca có 3 lời, và cả 3 đều được khéo léo kết bằng 4 câu thơ lục bát – thơ của dân tộc Việt.

Đặc biệt bài hát được khép lại với 4 câu rất đẹp, rất thơ hòa quyện giữa hai loại nhịp điệu nhạc và thơ giúp người nghe kéo dài cảm xúc phơi phới, yêu đời:

Vì yêu, yêu nước, yêu nòi

Ngày Xuân tôi hát nên bài tình ca

Ruộng xanh tươi tốt quê nhà

Lòng tôi đã nở như là đóa hoa…

Ngoại trừ ai đó muốn chẻ chữ và tách một vài câu ra khỏi toàn bộ ngữ cảnh của nó để mà suy diễn chủ quan, toàn bộ bài hát Tình ca chỉ thể hiện tình yêu đất nước của người dân Việt, không sa đà vào khái niệm chính kiến, cũng chẳng đả động gì tới chuyện hận thù của một dân tộc đã trải qua biết bao sóng gió, thăng trầm tới mức độ bi kịch lịch sử. Phạm Duy đã nói giùm người Việt những tình tự với quê hương và người Việt nào cũng có thể an nhiên tự tại mà hát nó.

Năm 2006, công ty sản xuất đầu karaoke Sơn Ca ở Saigon đã mua bản quyền 10 nốt nhạc đầu tiên của bài Tình ca để làm nhạc hiệu của mình với giá 100 triệu đồng.

Nhạc sĩ Phạm Duy năm 91 tuổi. (Nguồn ảnh: Internet)

Nhạc sĩ Phạm Duy trên giường bạo bệnh vẫn ôm đàn. (Nguồn ảnh: Internet)

Tình ca – Phạm Duy

 

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi

Mẹ hiền ru những câu xa vời

À à ơi! Tiếng ru muôn đời

Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui

Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi

Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi

Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi

 

Tôi yêu tiếng ngang trời

Những câu hò giận hờn khôn nguôi

Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi

Vững tin vào mộng đẹp ngày mai

 

Một yêu câu hát Truyện Kiều

Lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta

Và yêu cô gái bên nhà

Miệng xinh ăn nói mặn mà có duyên…

 

2

Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh

Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình

Nhìn trùng dương hát câu no lành

Đất nước tôi! Dãy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn

Đất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi

Đất nước tôi! Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng

Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi.

 

Tôi yêu những sông trường

Biết ái tình ở dòng sông Hương

Sống no đầy là nhờ Cửu Long

Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong

 

Người yêu thế giới mịt mùng

Cùng tôi xây đắp ruộng đồng Việt Nam

Làm sao chắp cánh chim ngàn

Nhìn Trung Nam Bắc kết hàng mến nhau

 

3

Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu

Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo

Mình đồng da sắt không phai mầu

Tấm áo nâu! Những mẹ quê chỉ biết cần lao

Những trẻ quê bạn với đàn trâu, áo ơi

Tấm áo nâu! Rướn mình đi từ cõi rừng cao

Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau, áo ơi

 

Tôi yêu biết bao người

Lý, Lê, Trần… và còn ai nữa

Những anh hùng của thời xa xưa

Những anh hùng của một ngày mai

 

Vì yêu, yêu nước, yêu nòi

Ngày Xuân tôi hát nên bài tình ca

Ruộng xanh tươi tốt quê nhà

Lòng tôi đã nở như là đóa hoa…

Bài hát: Tình ca. Sáng tác: Phạm Duy. Biểu diễn: Nguyên Thảo.

TÌNH CA CỦA HOÀNG VIỆT

 

Bài hát Tình ca của nhạc sĩ Hoàng Việt là tiếng lòng của đôi lứa yêu nhau phải xa cách nhau trong thời chiến chinh, loạn lạc – tình vi mô. Nó cũng nói tới lòng yêu nước và được cụ thể hóa bằng một đôi trai gái trong cảnh phải chia lìa giữa chiến tranh.

Hoàng Việt sáng tác ca khúc này vào năm 1957 sau khi nhận được thư của người vợ từ miền Nam gửi ra. Lúc đó ông đang ở miền Bắc (tập kết năm 1954). Bài hát trộn lẫn giữa chất hào hùng, khí phách với tiếng tơ lòng trầm lắng, thổn thức. Chính vì vậy mà trong những năm đầu, Tình ca không được phổ biến rộng vì có một số người ở Hà Nội đánh giá là nó bi lụy. Nhưng vàng thiệt không sợ lửa, cho tới nay, Tình ca vẫn là một bài tình ca cách mạng được yêu thích, đặc biệt là từ tuổi trung niên trở lên.

Tình ca ra đời sau một bài tình ca kháng chiến nổi tiếng khác của Hoàng Việt, đó là ca khúc Lên ngàn, được viết khoảng năm 1952-1953. Nó “thay lời muốn nói” của chính tác giả, người tham gia kháng chiến trên chiến trường, còn người vợ ở hậu phương tần tảo làm ruộng thay chồng nuôi con.

Tình ca của Hoàng Việt là một bản tình ca thời chinh chiến. Nó vượt lên những bài tình ca thời chinh chiến khác ở tính lý tưởng của người nhạc sĩ đang trực tiếp tham gia cuộc chiến vệ quốc của mình. Và vì vậy, cùng với (hoặc mượn) những cảm xúc mãnh liệt của tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng, nó mạnh mẽ lên án chiến tranh, chất chứa lòng hận thù và trào dâng ý chí. Bài hát có cái kết thật hào hùng, tự tin và thủy chung: “Em đi cắt lúa trên ngàn. Còn anh chiến đấu sa tràng. Kháng chiến nhất quyết thành công. Kháng chiến nhất quyết thành công. Anh về em thỏa ước… mong.”

Đúng 10 năm sau khi sáng tác Tình ca, Hoàng Việt hy sinh sau khi đã trở lại chiến trường miền Nam (mất ngày 31-12-1967) ở tuổi mới 39.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghị, trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ướng Hà Nội, viết về Hoàng Việt và ca khúc Tình ca như sau:

“Mỗi bài đều gắn với những bối cảnh lịch sử cụ thể, và qua từng năm, bút pháp của nhạc sĩ càng trở nên điêu luyện hơn. Cái cách mà Hoàng Việt để lại dấu ấn cho người nghe không phải là những khẩu hiệu xơ cứng, mà ngay trong bối cảnh vô cùng khó khăn của cuộc kháng chiến, người ta vẫn thấy một sự vui tươi, nhẹ nhàng đến lãng mạn trong từng ca khúc.

“Là một người con của Nam Bộ, Hoàng Việt đã không chỉ dừng lại ở việc xây dựng hình tượng âm nhạc thông qua ngôn ngữ âm nhạc dân gian Nam Bộ, mà còn rất thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ âm nhạc mới để thể hiện những điều muốn nói. Mà Tình ca chính là một ca khúc đánh dấu bước ngoặt mới trong cuộc đời sáng tác của người nhạc sĩ tài ba này.

“Đó là vào mùa xuân năm 1957, tiết trời vẫn còn vương vấn cái lạnh của mùa đông xứ Bắc. Người nhạc sĩ Nam Bộ lúc đó đang là học viên của Trường Âm nhạc Việt Nam (13 Cao Bá Quát – Hà Nội). Cảnh xuân, dù trong chiến tranh hay hòa bình, vẫn vốn gợi cho con người nhớ về quê hương với những kỷ niệm chẳng thể phai mờ trong tiềm thức. Hoàng Việt cũng không nằm ngoài quy luật đó. Bằng trái tim đa cảm của người nhạc sĩ trẻ, nỗi niềm nhớ quê, nhớ vợ, nhớ bạn bè, người thân lúc này bùng lên trong ông mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

“Đúng thời gian ấy, một niềm vui trong cái éo le nghịch lý đã xuất hiện. Vui là vì Hoàng Việt nhận được thư của vợ từ Sài Gòn gửi ra chứa đựng bao tình cảm riêng tư. Cái éo le, nghịch lý mà không ai ngờ tới đó là hành trình của bước thư vô cùng ngoằn ngèo, trắc trở: Từ Sài Gòn sang Pari, lòng vòng qua một số nước rồi mới tới Hà Nội. Ông nhận được thư trong tâm trạng vô cùng phấn chấn. “Ông nghĩ đến nỗi khổ của người vợ phải xa cách chồng, sống trong vòng cương tỏa, o ép của kẻ thù… Một cảm xúc mãnh liệt về tấm lòng thủy chung của những lứa đôi trước phong ba bão táp của cuộc đời, khát vọng về ngày thống nhất đoàn tụ đã bùng lên trong ông” (PGS.TS Nguyễn Tú Ngọc và ctv,2000) [tr.407]. Và, trái tim của người nhạc sĩ đã được cộng hưởng, dồn nén đến đỉnh điểm từ tình yêu quê hương đất nước với tình cảm riêng tư, để một đêm thức trắng cho ra đời bản Tình ca nổi tiếng.” (Ca khúc Tình ca của Hoàng Việt, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghị)

Nhạc sĩ Hoàng Việt5 và vợ. (Nguồn ảnh: Internet)

Tình ca – Hoàng Việt

 

Khi hát lên tiếng ca gởi về người yêu quê ta
Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba
Em ơi! nghe chăng lời trái tim vọng ra
Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang
Qua núi biếc chập chùng xa xa
Qua bóng mây che mờ quê ta
Tiếng ca đời đời chung thuỷ thiết tha
Em có nghe tiếng ca chứa đựng hận thù sâu xa
Đã biến tình đôi ta thành những ánh sao toả sáng
Vượt băng băng qua đêm tối tìm hương hoa
Bến nước Cửu Long còn đó em ơi!
Bãi lúa nương dâu còn mãi muôn đời
Là còn duyên tình ta thắm trong tiếng ca không thể xoá nhoà.
Khi đã nghe tiếng ca của lòng người yêu phương xa
Em hãy ngước mắt lên vui nhìn trời xanh quê ta
Chim bay giăng giăng ngoài nắng xuân đẹp thay
Tan cơn phong ba lòng đất yên rồi đây
Em hãy nở nụ cười tươi xinh
Như cánh hoa xuân chào riêng anh
Nói nhau nghìn lời qua đôi mắt xanh
Ta hát chung tiếng ca vang dội từ nghìn phương xa
Xua kẻ thù đi mau, dập tắt chiến tranh đẫm máu
Đập tan ngay bao đau khổ và chia ly
Giữ lấy đức tin bền vững em ơi
Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời
Làm một bài tình ca của đôi lứa ta dâng cả bao người.

Bài hát: Tình ca. Sáng tác: Hoàng Việt. Biểu diễn: Quang Thọ

Nguồn ảnh: Internet.

Mỗi bài Tình ca có cái hay của nó, cho dù mỗi nhạc sĩ sáng tác nó với tâm thức và ở vị trí khác nhau. May mắn là cả hai đều không phải là những bài ca “tâm lý chiến”. Chúng là tim óc, là máu thịt của những nghệ sĩ rất mực yêu quê hương, yêu dân tộc mình, thậm chí đã hiến dâng cả mạng sống mình cho tình yêu thiêng liêng đó. Tình ca của Phạm Duy bày tỏ tình yêu đất nước. Tình ca của Hoàng Việt cho thấy cách người ta phải làm để bảo vệ tình yêu đất nước. Và vì thế, cả hai bài Tình ca của Phạm Duy và Hoàng Việt sẽ còn vang vọng mãi theo chiều dài của dân tộc Việt.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 2-12-2012)