Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Các nước xuất khẩu dầu lửa ở vùng Vịnh tiếp tục đối đầu với Iran


Cuộc họp thượng đỉnh 2 ngày của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tại Manama (Bahrain) đã bế mạc ngày 25-12-2012 với thông cáo chung yêu cầu Iran – đối thủ chính – chấm dứt điều mà GCC gọi là can thiệp vào khu vực.

Cộng hòa Hồi giáo Iran từ lâu nay không được nhiều nước Arập Hồi giáo trong khu vực tin tưởng. Nhưng nước này luôn bác bỏ những cáo buộc đang tìm cách phá hoại Saudi Arabia và các nước láng giềng vùng Vịnh khác.

GCC được thành lập vào tháng 5-1981 gồm 6 nước Arập vùng Vịnh đều là đồng minh của Mỹ là Saudi Arabia, Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, và Liên hiệp các tiểu vương quốc Arập Thống nhất UAE (Jordan và Ma-rốc cũng đã được mời tham gia). GCC có tổng diện tích 2,6 triệu km vuông và số dân chỉ hơn 40 triệu người, nhưng giàu có với GDP năm 2012 ước đạt 1.386 tỷ USD và có GDP bình quân đầu người 33.000 USD (bằng 56% của Mỹ).

6 nước xuất khẩu dầu lửa này có tầm ảnh hưởng lớn cả với thế giới nói chung lẫn thế giới Arập Hồi giáo nói riêng. Họ đóng vai trò quan trọng trong nguồn năng lượng toàn cầu (chiếm một nửa trữ lượng dầu của thế giới), cung cấp những khoản viện trợ quốc tế khổng lồ, có tiềm lực đầu tư mạnh mẽ (dự kiến vào năm 2020 sẽ nắm giữ tổng vốn đầu tư trục tiếp nước ngoài tới 3.500 tỷ USD). Khu vực này là một trung tâm thương mại hàng đầu phục vụ cho Trung Đông, châu Phi và Đông Nam Á. Saudi Arabia, nước đứng đầu GCC và là nơi đặt trụ sở tổ chức này, là nơi có 2 thánh địa thiêng liêng nhất của người Hồi giáo.

Trong thông cáo chung do Tổng thư ký GCC Abdulatif al-Zayani đọc, GCC nói rằng: “Hội đồng nhấn mạnh sự bác bỏ và lên án đối với việc Iran tiếp tục can thiệp vào các vấn đề của các nước GCC và kêu gọi Iran chấm dứt các chính sách này.” Thông cáo chung không mô tả chi tiết những hành động của Iran, nhưng trước nay Bahrain vẫn liên tục tố cáo Tehran đang can thiệp vào nền chính trị nội bộ của nước này. Ngoại trưởng Khalid Bin Ahmed Bin Mohammed Al Khalifa của Bahrain nói với các phóng viên rằng: Iran là “một mối đe dọa rất nghiêm trọng”. Iran, nước có đa số người dân theo phái Hồi giáo Shi’ite, bị Bahrain cáo buộc đứng đằng sau làn sóng biểu tình đòi dân chủ của cộng đồng người Hồi giáo Shi’ite ở nước này chống lại chính quyền do phái Sunni nắm giữ. Iran đã lên án việc chính phủ Bahrain đưa các lực lượng của Saudi Arabia và UAE vào để giúp khống chế các lực lượng chống đối và nhấn mạnh đây là hành động sẽ làm mất ổn định khu vực. Giới bình luận quốc tế nói rằng Iran luôn coi vùng Vịnh là sân sau của mình và tin rằng nó có quyền lợi hợp pháp trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng ở đó.

GCC cũng thúc giục cộng đồng quốc tế có ngay những hành động nghiêm túc để ngăn chặn những vụ thảm sát hàng loạt và vi phạm luật quốc tế ở Syria. Kuwait cho biết vào cuối tháng 1-2013 sẽ đăng cai một hội nghị các nhà đóng góp nhân đạo quốc tế cho Syria. GCC lo ngại trước tình cảnh hàng triệu người dân Syria đang khốn khổ vì bạo lực chiến tranh, không nhà cửa và cái lạnh mùa đông. Từ lâu nay, các nhà lãnh đạo GCC vẫn kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad của Syria từ chức và hồi tháng 11-2012 đã công nhận liên minh đối lập mới thành lập là người đại diện hợp pháp của nhân dân Syria.

Sự ổn định và an toàn của khu vực GCC có lợi cho toàn cầu. An ninh ở tuyến hàng hải vốn chịu trách nhiệm vận chuyển 40% nguồn xuất khẩu dầu lửa theo đường biển của thế giới suốt nhiều thập niên nay do Mỹ đảm trách. Tại hội nghị Manama này, các nước GCC cho biết sẽ thành lập cơ chế chỉ huy quân sự thống nhất để thắt chặt hơn nữa sự hợp tác quốc phòng của khu vực. Hiện nay GCC đã có lực lượng liên GCC gọi là Lá chắn Bán đảo (Peninsula Shield, PS) gồm 9.000 quân thành lập năm 1986 và đóng tại Saudi Arabia. PS đã tham gia cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991 và triển khai ở Kuwait trong thời gian Mỹ tham chiến ở Iran năm 2003.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 28-12-2012)

Cuộc họp thượng đỉnh GCC tại Bahrain ngày 24 và 25-12-2012. Từ trái qua phải: Bahrain’s Prime Minister ông Hoàng Khalifa bin Salman al-Khalifa, Thủ tướng Bahrain; Giáo chủ Sheikh Mohammed bin Rashid al-Maqtoom, Phó tổng thống Liên hiệp các tiểu vương quốc Arập Thống nhất UAE;  Fahd Bin Humoud Al Saieed, Phó thủ tướng Oman; Giáo sĩ Sheikh Sabah al Ahmed, Tiểu vương Kuwait; Quốc vương Hamad bin Isa al Khalifa của Bahrain; Thái tử Salman al Saud của Saudi Arabia; Giáo sĩ Sheikh Tameem bin Hamad al Thani, Thái tử Qatar; và Salman bin Hamad al-Khalifa, Thái tử Bahrain. (REUTERS/Hamad I Mohammed)

Ông Hoàng Saud al-Faisal, Ngoại trưởng Saudi Arabia (giữa) rời khách sạn sau khi bế mạc hội nghị các ngoại trưởng GCC tại Manama (Bahrain) ngày 23-12-2012. (REUTERS/Hamad I Mohammed)

Salman bin Hamad al-Khalifa, Thái tử Bahrain, tới dự cuộc họp thượng đỉnh GCC tại Sakhir Palace (Bahrain) ngày 24-12-2012. (REUTERS/Hamad I Mohammed)