Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

Chết không phải đã… hết!


 

Tiếp tục đưa tin về vụ cháy nổ thương tâm đêm Rằm tháng Giêng (24-2-2013) trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3), sáng nay, báo Tuổi Trẻ TP.HCM dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Nếu kết quả điều tra xác định nguyên nhân tai nạn là do người thuê nhà – một chuyên gia làm hiệu ứng khói lửa cho các đoàn phim, mặc dù người này đã chết cùng với cả gia đình trong tai nạn nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng nếu ông ấy có tài sản để lại, những người thừa kế hợp pháp phải dùng số tài sản đó để bồi thường cho các nạn nhân có liên quan. Thậm chí ngay cả chủ nhà – nếu hợp đồng cho thuê nhà có thể hiện điều khoản quy rõ trách nhiệm mỗi bên – cũng có thể được bồi thường.

Ta không bàn gì về chuyện này, đó là luật và là lẽ công bằng cho tất cả.

Tôi đồng tình với bạn Hà Kiến Giang ở Truyền hình Hải Phòng và bạn Daniel Tran rằng cần phải xem xét, quy rõ trách nhiệm của những người còn lại – từ các cơ quan hữu trách tới chính quyền địa phương, mà cấp thấp nhất là tổ dân phố.

Tôi vẫn day dứt với ý nghĩ: những người hàng xóm ở đâu trước khi vụ cháy nổ xảy ra? Vì sao biết người hàng xóm của mình chứa những thứ nguy hiểm mà vẫn không có hành động nào rốt ráo? Các đạo cụ, thiết bị cháy nổ đâu có nhỏ xíu xiu. Nhưng với những người này, trong vụ việc cụ thể này, ta cũng chỉ có thể rút ra bài học chung cho những người khác, nơi khác thôi. Bởi lẽ 2 ngôi nhà liền kề cũng đã bị cháy sập và có những nạn nhân thương vong. Đau lòng vô cùng.

Nạn nhân thứ 11 của tai nạn này – một cụ ông 81 tuổi đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Nhân Dân 115 lúc 10g35 ngày 26-2-2013.

Điều đáng lo sợ nữa là những tai nạn cháy nổ như vậy đã xảy ra và đang có nguy cơ xảy ra ở khắp các nơi.

Hơn 2g chiều nay, chị Huỳnh Ngọc Phát, một sư tỷ đồng môn Trung học Kiến Tường của tôi ở Mộc Hóa điện lên nói là có tin chợ Bến Tranh bị cháy đêm Rằm tháng Giêng 24-2. Bạn Trinh, con gái thầy Đoàn Văn Nhiêu có sạp vải trong chợ, không rõ có bị thiệt hại gì không. Tôi điện ngay về cho thầy, không ai bắt máy, có lẽ thầy nghỉ trưa. Khoảng 3g30, thầy Nguyễn Văn Hòa điện hỏi tôi tình hình thầy Nhiêu. Đợi tới gần 4g, tôi mới điện cho thầy Nhiêu. Thầy cho biết gia đình tạ ơn Chúa gìn giữ vì chỉ cần 5 phút nữa là sạp vải của con gái thầy ra tro. Ngọn lửa đã được dập tắt khi chỉ còn cách sạp của Trinh một căn. Nhờ vậy mà thiệt hại chỉ chừng mươi triệu đồng. Đó là thiệt hại không thể tránh khỏi trong quá trình chữa cháy. Thầy Nhiêu gởi lời cảm ơn sự quan tâm của các thành viên THKT.

Tôi lại vẫn lo rằng những bài học từ những tai nạn thương tâm như thế nào sẽ nhanh chóng bị lãng quên giữa bộn bề cuộc sống. Nhà chức trách thì cũng bị chìm lấp trong bao sự việc mới. Người ta thì cũng bị cuốn theo nhịp sống ngày càng thêm nhanh, thêm hỗn độn của đời thường mà thờ ơ, mất cảnh giác rồi tự mình trấn an mình “Trời kêu ai nấy dạ!”

Tôi có thể đoan chắc rằng rồi mọi việc sẽ lại đâu vào đó. Ít lâu nữa, ta sẽ phải chứng kiến những tai nạn tương tự, thậm chí còn thương tâm hơn nữa. Không thể làm gì khác được đâu. Bởi lẽ, sự an toàn của xã hội dựa trên sự an toàn của từng cá thể, từng thành viên có an toàn thì cộng đồng mới được an toàn. Bên cạnh việc thay đổi nhận thức của con người, còn cần phải xây dựng nền tảng là một xã hội tương xứng với một bộ máy quản lý hiệu quả. Nước Mỹ nổi tiếng thế giới về những luật lệ quá chặt chẽ, chi li và bao quát mọi ngõ ngách cuộc sống. Nhưng những luật lệ đó sẽ có cũng như không nếu như người dân không có ý thức và bị ràng buộc trách nhiệm cụ thể và bộ máy quản lý xã hội không đủ năng lực thực thi trách nhiệm của mình.

Trở lại những bài học từ những tai nạn thương tâm ở xứ ta, chúng ta cứ làm hết khả năng có thể, làm được càng nhiều chừng nào, duy trì càng lâu chừng nào càng tốt cho tất cả đến đó.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 26-2-2013)

+ Nguồn minh họa: Internet. Thanks.