Thứ Hai ngày 16 tháng 9 năm 2024

Nhật ký ghi vội: thứ Tư 27-2-2013

 

1.

Đúng là tôi đã phải “giật thót” cả người khi nhìn thấy ảnh chụp hai “câu thơ hay” được in trên một tấm vải đỏ trưng bày trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 11 Xuân Quý Tỵ 2013 do Hội Nhà văn VN tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) từ ngày 22 tới 24-2-2013. Sau đó, trong nghi thức thả thơ, câu thơ này cùng 49 câu thơ được chọn là hay khác được cột vào 50 quả bong bóng bay đỏ to đùng do 50 cô gái mặc áo dài đỏ thả bay lên trời.

Hai câu thơ đó như vầy: “Đêm ôm vợ thấy lòng giật thót. Thương con thuyền đầu bãi đứng chơ vơ.” Phía dưới ghi tên tác giả Trần Anh Trang.

Thú thiệt, tôi không đủ trình độ thẩm thơ để đánh giá câu thơ này hay hoặc dở. Nhưng theo sự cảm thơ của tôi, cho dù câu thơ như thế này có hay cách mấy, nó cũng không nên được trưng ra trước bàn dân thiên hạ như một đại diện cho làng thơ Việt, nhất là trong ngày hội vinh danh Thơ Việt.

Tôi càng “giật thót” cả mình khi nghĩ tới người đã bình chọn câu thơ này là “thơ hay” trong Ngày Thơ Việt Nam năm nay.

2.

Tôi lúng túng thiệt mà. Tôi vẫn còn là người hay đã biến thành… chó?

Chiều nay, điện thoại tôi có một cuộc gọi lỡ từ một số lạ hoắc. Mấy ngày nay đang mỏi mắt chờ cuộc gọi của một người, tôi bèn gọi lại. Lần đầu máy bận. Lần thứ hai, tôi được nghe hết nguyên một bản nhạc chờ (chết tiền cước của tôi rồi). Lần thứ ba thì từ bên kia có giọng một cô gái cất lên lanh lảnh: “Mày là ai mà gọi hoài vậy, lần sau kiếm chó mà gọi đó nghen!” rồi cúp máy.

Tôi bần thần tự hỏi: không biết tôi bị đột biến gien “nghe được tiếng chó” hay vừa gặp “chó biết nói tiếng người”?

Ôi cái văn hóa ứng xử sao nó tàn tệ tới như vậy!

 

3.

Hợp rồi tan, đó là lẽ thường tình của cuộc đời. Nếu may mắn và còn duyên thì biết đâu có lúc tan lại hợp. Vì thế, ta nên dành cho mình và cho người cánh cửa dự phòng. Chớ nên “qua cầu rút ván” hay “cạn tàu ráo máng”. Sẽ là “tệ hơn vợ thằng Đậu” nếu như trở mặt với nhau, từ bạn chuyển thành thù. Sống sao cho đẹp với nhau không phải chỉ là một văn hóa sống mà còn là một triết lý sống.

Người Việt mình có một cái tật xấu, có lẽ do gien di truyền từ cái ông tổ chung với người Hoa. Đó là thù dai, thù vặt. Khi “thương nhau củ ấu cũng tròn”, người ta sẵn sàng bỏ qua cho nhau mọi lỗi lầm với tinh thần “chín bỏ làm mười”, “dĩ hòa vi quý”. Còn lúc đã trở mặt ghét thì “ghét nhau ghét cả đường đi”.

Vốn được Trời phú cho cái tư chất thông minh dễ sợ, người Việt mình “sáng tạo” ra trăm phương, nghìn cách để mà thù ghét nhau. Hồi còn nhỏ sống ở tỉnh Kiến Tường giữa Đồng Tháp Mười, tôi chứng kiến trong xóm có 2 nhà chung vách thù ghét nhau truyền kiếp, từ đời cha truyền sang đời con. Ông con trai của một nhà khi có con trai đã lấy ngay cái tên cúng cơm của “gã hàng xóm thù địch” đặt cho con mình. Từ đó, hễ lúc nào thấy “nhạt miệng” hay “ngứa miệng”, thậm chí “dư năng lượng”, anh ta lại lôi thằng con ra chửi tưng bừng lá thu, báo hại thằng nhỏ há hốc miệng, trố mắt không hiểu mình phạm lỗi gì.

Tôi thích kiểu sống fair-play và transparent của người Mỹ. Hai người bạn giận nhau có thể choảng nhau kẻ “cái miệng ăn trầu”, người “cái đầu xỉa thuốc”, nhưng xong chuyện có thể bắt tay cười với nhau rồi kéo nhau vô quán làm vài ly whisky, cái vụ ẩu đả mới đó đã được chia ở thì quá khứ, coi như một kỷ niệm. Sống như vậy nó nhẹ nhàng, thanh thản biết chừng nào. Tôi thường nửa đùa, nửa thiệt với bạn bè: cứ chung sống với những ghim gút trong lòng riết có thể nếu không chuyển thành chứng “ung thư tâm trạng” thì cũng bị “táo bón kinh niên”.

Phật pháp quan niệm đời là “vô thường” và dạy Phật tử phải biết “buông xả” mà sống; chớ có sân si, hỉ nộ ái ố, mà lỡ vướng phải mấy cái nghiệt đó thì cũng đừng giữ chúng trong lòng. Lão Tử thì truyền bá thuyết Vô vi coi vạn vật đều có mặt trái, mặt phải, cứ chiều theo lẽ tự nhiên mà sống, đừng câu nệ chi ráo. Thiên Chúa nhấn mạnh rằng: con người sinh ra từ cát bụi cuối cùng cũng phải trở về cát bụi, chẳng ai khác ai. Cho dù cách hành đạo có khác nhau, nhưng tôn giáo nào cũng đều dạy cho tín hữu “đạo làm người”. Mà cái cốt lõi của “đạo làm người” là đối nhân xử thế sao cho mình lẫn người đều cảm thấy thanh thản, hạnh phúc.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 27-2-2013)