Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Coi chừng bị lừa qua e-mail mạo danh

Sau thầy Dương Đệ (New York) bị mạo danh sau chuyến về Việt Nam, nay tới thầy Đỗ Ngọc Trang (California) của Gia đình Trung học Kiến Tường bị tin tặc (hacker) ăn cắp hộp thư e-mail của thầy để mạo danh thầy gởi thư lừa đảo xin tiền mọi người.

Nội dung thư bằng tiếng Anh cho biết “thầy và gia đình” đi du lịch Manila (Philippines) và bị một nhóm tay súng tấn công cướp tiền, điện thoại và thẻ tín dụng, nhưng “may mắn” là chúng không gây thương tích cho ai và không lấy passport. “Thầy” đã trình báo nhà chức trách địa phương và lãnh sự quán và được yêu cầu 2 tuần sau quay lại để tiếp tục giúp điều tra. Vé máy bay về nhà thì đã mua rồi, nhưng còn các hóa đơn (khách sạn, tiền taxi ra sân bay,…) không có tiền để thanh toán. Thời gian tới chuyến bay chỉ còn ít giờ. Vì thế, “thầy” xin người nhận được e-mail này giúp “thầy” 1.650 USD hay món gì khác có thể. “Thầy” hứa sẽ trả lại ngay sau khi về nhà. Nếu muốn giúp “thầy” thì lập tức trả lời thư này (Reply) và sẽ được hướng dẫn cách giúp.

 

Với nạn nhân ở VN và nhất là có người thân ở hải ngoại, bọn lừa đảo viết thư bằng tiếng Việt, thường là báo tin đang nằm bệnh viện, xin giúp đỡ tiền. Một cô bạn của tôi ở Mỹ cách đây không lâu nhận thư mạo danh đứa cháu ở VN viết tiếng Việt báo tin bị ung thư, xin gởi tiền về giúp. Hoảng hồn cô bạn gọi phone về mới biết mình bị lừa mém chút dính chấu.

Khác với trường hợp thầy Dương Đệ, tin tặc dùng địa chỉ e-mail đúng tên địa chỉ thầy thường dùng, nhưng khác loại hộp thư (chúng xài Hotmail thay vì Yahoo), bọn lừa đảo lần này xài y chang địa chỉ e-mail của thầy Trang (chứng tỏ tay nghề thâm hậu hơn). Từ địa chỉ đó, tin tặc gởi thư lừa đảo tới tất cả những ai có tên trong danh sách Contact List của thầy. Tôi nhận được tới 3 e-mail lừa đảo, một với tư cách cá nhân, một trong nhóm Đạo Nổ Ngàn Phương và một của Từ đường THKT. Thầy Nguyễn Seattle, bạn Kiến Ngố, anh Kiến Già Bách,… cũng báo tin nhận được thư mạo danh thầy Đỗ.

Có nhiều cách để tin tặc xâm nhập máy tính kiểm soát mọi hoạt động của nó và lấy cắp các thông tin cá nhân có trong đó. Chúng cũng thường dùng chiêu mạo danh nhà cung cấp dịch vụ e-mail (như Yahoo!) để gởi thông báo yêu cầu người dùng thay đổi password hộp thư của mình. Cũng có dịch vụ nào đó mà mình đăng ký gia nhập yêu cầu phải cung cấp password hộp thư để chúng “đồng bộ” (sync). Tin tặc cũng dùng mã độc keylogger cấy vào máy tính nạn nhân để thu thông tin những thao tác gõ trên bàn phím (như khi nhập password) hay chụp ảnh màn hình.

Hầu như giải pháp an toàn cao nhất duy nhất là… không xài máy tính, smartphone, tablet nữa, hoặc xài mà không nối mạng. Do đó là điều “không tưởng” và “ngu sao bỏ” trong thời đại Internet và di động chảy khắp hang cùng ngõ hẽm tới tận hóc bà tó này, chúng ta phải chấp nhận “chung sống” và “đồng hành” với tin tặc. Để giảm tới mức thấp nhất nguy cơ bị tấn công, ta cần dùng những công cụ phần mềm và dịch vụ chống virus, bảo vệ hệ thống. Song song đó, ta phải luôn cảnh giác, không bao giờ trả lời hay mở các e-mail lạ và đáng ngờ, không bao giờ click chuột lên các đường link đáng ngờ được ai đó gởi cho mình, hạn chế vào các trang web “nhạy cảm” mà hấp dẫn, không bao giờ cung cấp password, mã PIN cho bất cứ ai. Cuối cùng, do thường xuyên ăn mì gói nhãn hiệu “lá bồ đề”, khi phát hiện hay chính mình là nạn nhân của tin tặc, lừa đảo, ta nên nhanh chóng chia sẻ thông tin cảnh báo cùng bá tánh. Tôi tin rằng, tuyệt đại đa số bà con mình cảm nhận hạnh phúc khi nhìn người chung quanh may mắn hơn mình, chớ không phải vui trên sự đau khổ của kẻ khác hay hí hửng vì có người cũng đạp… sình như mình!

Trong thời buổi Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều này, để tồn tại, ta chớ nên ngây thơ và dễ tin người (phải chịu thôi, vì có khi ta chẳng tin chính mình nữa là). Nhưng ta cũng hỗng thể sống vui, sống khỏe, sống thanh thản nếu vô cảm theo chủ nghĩa “mackeno” và đa nghi như Tào Tháo, nhìn ai cũng là kẻ xấu, ngó đâu cũng thấy nguy cơ. Chỉ có điều, ta tin người một cách tỉnh táo và có điều kiện (có kiểm chứng) – chưa mắt thấy, tai nghe, tay sờ đụng thì khoan tin như tin sấm. Ai nói yêu ta mà chưa thể hiện tình yêu cho ta thấy thì… wait-and-see! Cái tâm ta tốt lành, cái trí ta trong sáng, chỉ vì gặp thời thế thế thời phải thế thôi!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 6-4-2013)