Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Thị trưởng ở Bangladesh bị đình chỉ công tác khi số nạn nhân chết vì nhà xưởng sập lên tới hơn 430 người

130430-bangladesh-building-collapse-missing-01

Bộ trưởng phụ trách chính quyền địa phương Jagangir Kabir Nanak của Bangladesh ngày 2-5-2013 thông báo với giới báo chí rằng thị trưởng thành phố Savar, Mohammad Refat Ullah, đã bị đình chỉ công tác vì phê chuẩn việc xây dụng tòa nhà xưởng Rana Plaza bị đổ sập sáng 24-4.

Tính tới tối 2-5, số nạn nhân chết đã lên tới 433 người sau khi có hơn 30 thi thể mới được tìm thấy trong một ngày đêm qua từ đống đổ nát khổng lồ. Chắc chắn con số cuối cùng không dừng ở đó vì đống đổ nát vẫn chưa được dọn xong. Người ta cho rằng tầng trệt là nơi tập trung nhiều công nhân hoảng loạn chạy từ các tầng trên xuống, hiện nay vẫn chưa tháo dỡ tới tầng này. Vào tối hôm trước, khi số người chết được ghi nhận là 402 người thì cảnh sát đang có danh sách 149 người còn mất tích.

Hãng tin AP tối 2-5 cho biết có những tin đồn rằng có tới 1.000 người còn mất tích và một số thân nhân tố cáo nhà chức trách giấu xác nạn nhân để giảm số lượng người chết xuống thấp, tránh bị cộng đồng quốc tế lên án. Trung tướng Chowdhury Hassan Suhrawardy đang chỉ huy công việc cứu hộ đã kêu gọi báo chí: “Chớ có tin những tin đồn như vậy”.

Tòa nhà xưởng 8 tầng được xây dựng trên đầm lầy này đã bất ngờ đổ sập trong lúc có khoảng 3.000 công nhân đang làm việc trong 5 xưởng may gia công quần áo xuất khẩu. Dù chỉ được cấp phép xây 5 tầng, nhưng chủ nhân đã xây tới 8 tầng. Cho tới nay, cảnh sát đã bắt giữ chủ tòa nhà Mohammed Sohel Rana, cha hắn ta Abdul Khalek, và 6 người nữa, trong đó có 4 chủ xưởng may. Hiện nay cảnh sát đang truy tìm chủ xưởng may còn lại là David Mayor, công dân Tây Ban Nha.

Ngày 1-5, nhà chức trách đã làm đám tang tập thể theo nghi thức Hồi giáo cho 34 nạn nhân không tìm ra tung tích và không có người thân nhận. Các thi thể đều đã bị phân hủy và nặng mùi. Một sự việc đau lòng đã diễn ra tại khu mộ tập thể, có một người phụ nữ đã quỵ xuống khóc nức nở khi nhận ra xác em dâu mình qua váy áo nạn nhân mặc. Chị Farida đã đưa tấm ảnh chụp cô em dâu Fahima cho các nhân viên tại đám tang tập thể xem khi chị cố gắng tìm kiếm em trong số các thi thể sắp được mai táng. Và ngay trước khi được đưa xuống huyệt, nạn nhân Fahima đã được chị chồng mình nhận ra và đưa về nhà mai táng. Các nạn nhân đều được chôn không có áo quan, chỉ được quấn kín người bằng vải sô trắng. Công nhân nghĩa trang đã đào sẵn hàng chục huyệt mộ để sẵn sàng an táng số nạn nhân vô thừa nhận trong những ngày tới.

Trong ngày 2-5 vẫn còn nhiều người túc trực tại hiện trường để chờ tìm thi thể người thân mình còn mất tích. Tới ngày hôm nay thì chẳng ai có thể hy vọng người thân của mình cón sống sót dưới đống đổ nát. Đau lòng nhất là hình ảnh một người mẹ trẻ và một đứa con gái nhỏ ngồi cầm tấm ảnh chồng và cha họ còn mất tích. Một người mẹ khác ẵm đứa con trai nhỏ chờ tin chồng. Một người mẹ già cầm tấm ảnh chụp cô con gái duyên dáng trong chiếc váy dân tộc, đứng bên bà là một cậu bé – có lẽ là em trai nạn nhân đầm đìa nước mắt. Một đứa bé lẫm chẫm cầm tấm ảnh người cha mất tích của mình. Hai người phụ nữ giở tấm che từng thi thể đặt tạm trong một trường học để tìm người thân. Bức tường dán chi chít thông tin và hình ảnh của hàng trăm nạn nhân mất tích.

Những đám đông dân chúng phẫn nộ ngày 1-5 vẫn tiếp tục xuống đường với gậy gộc đòi tử hình chủ tòa nhà. Cảnh sát đã phải cho Sohel Rana mặc áo giáp và đội nón bảo hiểm kín mít khi đưa hắn ta ra tòa.

Một đoàn đại diện của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ngày 1-5 đã gặp nữ Thủ tướng Sheikh Hasina của Bangladesh tại thủ đô Dhakar để đưa ra những sự ủng hộ và thúc ép chính phủ nước này hành động ngay lập tức để không xảy ra những tai nạn công nghiệp thương tâm như thế này. Hồi tháng 1-2013, Liên minh châu Âu (EU) đã thúc giục Bangladesh tuân thủ các tiêu chuẩn lao động của ILO sau khi xảy ra 2 vụ cháy xí nghiệp, trong đó có 1 vụ hồi tháng 11-2012 làm chết 112 người. EU cũng cho biết họ đang xem xét hành động thương mại chống lại Bangladesh để gây sức ép chính phủ nước này phải cải thiện các tiêu chuẩn an toàn lao động. Trước nay, chính nhờ được EU cho hưởng chính sách miễn thuế và miễn quota đối với mặt hàng may mặc khi vào thị trường khối này (có tới 60% sản lượng hàng may mặc của Bangladesh được xuất cho châu Âu) cộng với lương thấp nên Bangladesh đã có thể phát triển ngành công nghiệp gia công may mặc có quy mô xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới với kim ngạch xuất khẩu hàng năm tới 20 tỷ USD (chiếm 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước). Tuy nhiên, theo quy định, bất cứ hành động trừng phạt nào của EU có liên quan tới chính sách ưu đãi đối với Bangladesh đều cần phải có sự đồng ý của tất cả các nước thành viên và có thể mất hơn 1 năm để thi hành. Vì thế, việc hai bên ngồi lại với nhau vì lợi ích chung là khả thi hơn cả.

130501-bangladesh-building-collapse-15-Bangladesh's Prime Minister Sheikh Hasina 130501-bangladesh-building-collapse-14-Bangladesh's Prime Minister Sheikh Hasina

Nữ Thủ tướng Sheikh Hasina của Bangladesh thăm nạn nhân tại bệnh viện.

Bệnh quỷ phải có thuốc tiên và nhiều khi cũng cần một đòn thật đau mới khiến người ta tỉnh ra. Hy vọng bài học và cú sốc từ thảm kịch Savar sẽ đem lại nhiều lợi ích cho những người lao động Bangladesh và ở các nước nghèo khác, ít nhất là về hai nhân tố quan trọng: tiền lương và an toàn lao động được cải thiện hơn.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 2-5-2013)

+ PHOTO: Ảnh chụp đám tang tập thể 34 nạn nhân vô thừa nhận hôm 1-5-2013. Hàng trăm người thân ngày 2-5-2013 vẫn tiếp tục túc trực tại hiện trường để chờ tin tức người thân còn mất tích. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

130502-bangladesh-building-collapse-relatives-10 130502-bangladesh-building-collapse-relatives-09 130502-bangladesh-building-collapse-relatives-08 130502-bangladesh-building-collapse-relatives-07 130502-bangladesh-building-collapse-relatives-06 130502-bangladesh-building-collapse-relatives-05 130502-bangladesh-building-collapse-relatives-04 130502-bangladesh-building-collapse-relatives-03 130502-bangladesh-building-collapse-relatives-02 130502-bangladesh-building-collapse-relatives-01 130502-bangladesh-building-collapse-01

Hiện trường trong ngày 2-5-2013.

130501-bangladesh-building-collapse-bodies-mass-burial-05

Chị Farida đã đưa tấm ảnh chụp cô em dâu Fahima cho các nhân viên tại đám tang tập thể xem khi chị cố gắng tìm kiếm em trong số các thi thể sắp được mai táng.

130501-bangladesh-building-collapse-bodies-mass-burial-07-farida-fahima

Chị Farida khóc nức nở khi tìm thấy thi thể cô em dâu Fahima  tại đám tang tập thể ngày 1-5-2013.

130501-bangladesh-building-collapse-bodies-mass-burial-06 

Thân nhân cố gắng tìm thi thể người thân trong đám tang tập thể ngày 1-5.

130501-bangladesh-building-collapse-bodies-mass-burial-04 130501-bangladesh-building-collapse-bodies-mass-burial-03

34 thi thể nạn nhân không người nhận đã được mai táng tập thể ngày 1-5.

130501-bangladesh-building-collapse-bodies-mass-burial-02 130501-bangladesh-building-collapse-bodies-mass-burial-01 130501-bangladesh-building-collapse-10

Ngày 1-5, những đám đông phẫn nộ đòi tử hình chủ tòa nhà.

130501-bangladesh-building-collapse-09 130501-bangladesh-building-collapse-08 130501-bangladesh-building-collapse-03 130501-bangladesh-building-collapse-02 130430-bangladesh-building-collapse-missing-02 130430-bangladesh-building-collapse-07 130430-bangladesh-building-collapse-06 130430-bangladesh-building-collapse-05 130430-bangladesh-building-collapse-04 130430-bangladesh-building-collapse-03 130430-bangladesh-building-collapse-02 130430-bangladesh-building-collapse-01