Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Tản mạn nhân ngày của một nghề đặc biệt

130621-phphuoc-press-day-card-1024 

Hình như ai cũng phải ghiền một thứ gì đó thì mới có đủ nghị lực mà sống ở trên đời cho tới ngày “đèn không hắt bóng” (xin phép mượn tên một cuốn tiểu thuyết về ngành y của nhà văn Nhật Bản Watanabe Dzunichi để nói tế nhị về cái đặc điểm “ma không có bóng” nhan nhản trong tập chuyện “Liêu Trai chí dị” của Bồ Tùng Linh). Tôi không rượu, không thuốc lá, không cà phê, mà chỉ nghiện “rất dài, rất sâu” độc một thứ là cái sự “đọc”. Khi ngủ thì hỗng biết sao, chớ hễ thức thì tôi tìm đọc bất cứ cái gì có chữ trong tầm mắt của mình. Hồi nhỏ, mẹ tôi thường quở: “Thằng này bị ngộ chữ mất rồi!”

Nhưng nếu đọc như mọi người thì chẳng sinh chuyện. Đằng này tôi có ít nhất 2 cái tật lớn hơn cái tuổi: một là ruột để ngoài da, không thể giấu được cái gì trong bụng (nên James Bond 007 không thèm tuyển tôi); hai là luôn muốn chia sẻ những gì mình tâm đắc với mọi người.

Bởi vậy, tôi hí hoáy viết lách ngay từ khi mới học lớp nhì, lớp nhứt (tức lớp 4, lớp 5 bây giờ). Lên trung học, tôi là một chủ biên của các tờ bích báo (báo tường) của lớp và là một cây bút quen thuộc có mặt trong các đặc san, giai phẩm của trường. Ngay cuối năm 1975, tôi đã viết cho báo của tỉnh Long An và từ năm 1976 chính thức trở thành một người viết báo. Ai mà vô thư viện lục tìm các số báo cũ chắc chắn sẽ thấy bài của tôi trên vô số tờ báo: Tuổi Trẻ, Thanh niên, Lao động, Người lao động, Nhân dân, Đại đoàn kết, Tin sáng, Thanh niên Thời đại, Phụ nữ TP.HCM, Giáo dục, Tiếp thị Saigon, Kinh tế Saigon, Pháp luật TP.HCM, Công an Nhân dân, Công an TP.HCM, Kiến thức Ngày nay, e-CHIP, Long An, Ấp Bắc,… Thời còn sung, mỗi buổi sáng tôi viết cho tới 5-6 tờ báo.

Ngay từ thời còn nhỏ, tôi đã cảm nhận được sức mạnh vô song của báo chí – của đệ tứ quyền. Ông bà mình cảnh báo “lời nói, đọi máu”, nó cũng hàm nghĩa với “con chữ, đọi máu”. Vì thế, ngay từ ngày đầu tiên dấn thân vào cái nghiệp viết lách, tôi đã tự đặt ra cho mình một sứ mạng và một lý tưởng: dùng ngòi bút của mình để giúp cho đời thêm đẹp và cho người thêm vui. Bút sa gà chết. Tôi không hề muốn các thế hệ sau này khi tình cờ đọc được bài của tôi lại bị sốc… chữ nghĩa! Cho tới nay, sau 37 năm chính thức làm nghề báo, tôi có thể tự hào mà nói rằng tôi chưa hề làm hại cho bất cứ ai vì những bài viết của mình. Tôi cũng may mắn hơn nhiều đồng nghiệp là ngay từ khi mới vào nghề báo (lúc đó mới là một anh chàng 19 tuổi) cho tới bây giờ tôi luôn có thể chủ động được việc viết lách của mình, không phải viết những gì mình không thích viết. Năm 1976, khi mới vào tòa soạn báo Long An (xin nhắc lại, lúc đó tôi mới 19 tuổi), tôi đã được đặt dưới quyền điều động trực tiếp của anh Lê Vân, Tổng biên tập báo – người thầy nghề báo và sếp đầu tiên của tôi. Anh luôn cho tôi chủ động trong công việc và chọn đề tài để viết. Anh chỉ quản tôi ở chất lượng bài viết.

Quá trình viết báo của tôi cũng là một quá trình không ngừng tự học hỏi. Bất cứ một tác giả nào cũng đều có thể là thầy của tôi. Do công việc của mình, tôi có điều kiện đọc nhiều báo, thường xuyên tiếp cận với báo chí nhiều nước. Và cứ mỗi bài báo được đọc, tôi lại học được ít nhiều gì đó. Tôi có thói quen là mỗi khi đọc một bài báo, tôi đều cố gắng tìm hiểu, phân tích cách thể hiện của tác giả và tự hỏi rằng liệu mình có thể viết tốt hơn không. Tôi luôn viết báo theo cách phân thân. Trước một vấn đề nào đó, đầu tiên tôi đặt mình vào vị trí một người đọc để đặt ra những nhu cầu cần biết của mình, sau đó tôi nhập vai một nhà báo để cố gắng đáp ứng các nhu cầu của người đọc.

Viết báo không phải chỉ là một cái nghề, mà còn là một cái nghiệp. Và ai đã được ông tổ nghề báo và nghề báo chọn, cũng như tự nguyện chọn nghề báo là cái nghiệp của mình thì cho tới tận khi bị cắt chuyển hộ khẩu ra Bình Hưng Hòa (nghĩa trang, hỏa táng) vẫn cứ phải là một nhà báo. Cái thẻ nghề thiệt ra chỉ là một loại giấy chứng nhận của nhà chức trách. Đâu phải hễ ai có thẻ nhà báo đều mặc nhiên là nhà báo – có chăng chỉ là người viết báo.

Tôi vẫn thường tâm sự với các bạn trẻ viết báo rằng, có vô số những người viết báo, nhưng chỉ có số ít thật sự là nhà báo. Muốn được người đời (cụ thể là bạn đọc) nhìn nhận là một nhà báo, người viết báo cần phải đạt được những tiêu chuẩn riêng. Giống như bên giáo dục, đâu phải hễ đi dạy học là có thể là nhà giáo.

Ai sao hỗng biết, chớ tôi thì quan niệm rõ ràng: nhà báo chân chính phải có đủ 2 thứ: tâm và tầm, trong đó quan trọng nhất là cái tâm. Thà anh viết dở một chút (tầm), nhưng anh phải viết một cách thật đạo đức (tâm), thì vẫn chưa làm tổn hại cuộc đời. Cái tâm là đạo đức con người và đạo đức nghề nghiệp (phải luôn trong sáng), còn cái tầm là kỹ năng, tay nghề (phải luôn sắc bén).

Hồi thời bao cấp, nhà văn, nhà báo, nhà giáo đều là nhà nghèo – nghèo te tua. Tụi tui thường tự trào: hễ cái nghề nào có được cái ngày trong năm mà có chữ nhà (ngày Nhà báo, ngày Nhà giáo,…) đều là ngày cúng quảy để bá tánh nhớ tới các nhà đó mà “tri ân” (hay thương hại). Bây giờ trong thời kinh tế thị trường, nhiều nhà trong nhóm này hái ra tiền, tậu nhà cao cửa rộng, xe hơi deluxe bóng lộn. Tôi sẽ phải ngả mũ bái phục và chúc mừng các nhà biết cách làm giàu một cách chân chính bằng nghề của mình. Dù biết rằng mình sức mòn, tài mọn, nhưng tôi chớ hề ganh tị với các đồng nghiệp như vậy đâu. Thiệt đó!

Có không ít nhà văn, nhà báo, nhà giáo ngoài cái nhà chính còn mần thêm những cái nhà khác. Như nhà văn viết báo (hay ngược lại), nhà giáo viết văn, viết báo. Có lẽ bởi 3 cái nhà này có những đặc điểm na ná hay có thể đan xen vào nhau. Nhưng tôi lại chớ hề thích cách phân biệt nghề tay trái, nghề tay phải. Bất cứ nhà nào khi bắt tay làm một nhà khác đều phải làm bằng tay mình thuận nhất với tinh thần trách nhiệm và niềm đam mê.

Phải công nhận một điều là các thế hệ viết báo trẻ bây giờ có trình độ tốt hơn gấp bội lần lớp chúng tôi ngày xưa. Hồi trước, chúng tôi vào nghề bằng tự thân mình vận động, nghề dạy nghề, tay nghề được đào luyện từ quá trình hành nghề thực tế, nhiều khi phải trả giá bằng những vấp váp, lỗi lầm. Còn ngày nay các bạn trẻ được đào tạo bài bản, có điều kiện để mở rộng tầm nhìn, rèn luyện tay nghề. Cái tầm thì các bạn chắc cú rồi. Nhưng họ càng có tầm cao hơn, tôi lại càng muốn họ có cái tâm lớn hơn. Nếu không thì thiệt là đáng lo cho cuộc đời và con người. Thử hỏi, một nhà bác học có khả năng chế bom hạt nhân mà thiếu đạo đức thì kinh khủng như thế nào!

Nhân ngày nghề của dân viết báo, tôi xin được gởi lời cảm ơn chân thành tới tất cả các bè bạn bốn phương tám hướng, năm châu bốn biển trước nay vẫn dành cho tôi nhiều ưu ái, luôn rộng lòng bỏ qua cho tôi những sai sót và yếu kém, luôn động viên và giúp đỡ tôi, và quan trọng nhất là dành thời gian để đọc những gì tôi chia sẻ. Các bạn chính là những Tử Kỳ của Bá Nha nhà tôi.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 21-6-2013)