Thứ Sáu ngày 27 tháng 12 năm 2024

Có một ngày nhà báo buồn…. Có một ngày nhà báo sang trang…

 newspaper-online

Xin thưa ngay là cái tựa này chẳng có liên can gì tới bài hát “Sang ngang” buồn đứt ruột của nhạc sĩ Đỗ Lễ. Sang ngang có nghĩa là nàng giong thuyền về bến khác, là một sự phụ bạc. Còn sang trang ở đây là một sự biến hình kiểu transformer, từ báo giấy sang báo điện tử, chớ hỗng có ai phụ rẫy ai hết.

Ngày Nhà báo Việt Nam (21-6) năm nay, báo Tuổi Trẻ dành hẳn 2 trang mênh mông như cái tình trạng ảm đạm chung của làng báo chính thống đang lan rộng chẳng biết đâu là bến bờ. Trên 2 trang đó, một trong những tờ báo ra hàng ngày (nhưng vẫn không có chính danh là “nhật báo”) có số lượng phát hành lớn nhất hiện nay đã “lật áo cho… bạn đọc xem lưng” lần đầu tiên hiểu thế nào về thực trang của làng báo trước những thách thức mang tầm mức động đất, sóng thần, tornado của suy thoái kinh tế, công nghệ mới, loại hình mới, xu hướng mới, thói quen đọc báo mới,… Thiệt ra từ lâu rồi, cách đây một vài năm kia, Việt Nam đã bắt đầu tiếp bước làng báo nhiều nước khác lâm vào cuộc khủng hoảng báo in và sự lạm phát của các trang tin điện tử. Nhưng mãi cho đến hôm nay, tình cảnh đó mới được chính thức công bố. Chỉ có điều nghiệt ngã là lại đúng vào ngày Nhà báo!

Có lẽ nếu như không phải chính Tuổi Trẻ nói thì nhiều người không chịu tin đâu. Bởi ra ngoài sạp báo, người ta vẫn thấy treo đầy những poster giới thiệu những tạp chí, ấn phẩm mới ra đời. Chỉ có những bạn đọc ruột mới nhận ra sự thiếu vắng ngày càng nhiều của những tờ báo từng quen thuộc trước đây. Và chỉ những ai tinh ý mới thấy những ấn phẩm mới ra đời hầu hết đều thuộc lĩnh vực tiêu dùng cao cấp hay những lĩnh vực hạn hẹp, có đối tượng riêng, nhất là những tờ nhượng quyền manchette của nước ngoài – và chúng có cái chung là đều in rực rỡ, sang trọng.

Thôi thì Tuổi Trẻ đã phơi bày hết rồi (cho dù vẫn chỉ mới là phần nổi của tảng băng và có chút ít phần chìm), giấu nữa mà chi. Thiệt ra lâu nay hầu như tờ báo nào ở Việt Nam cũng đều lâm vào cơn khủng hoảng “to be, or not to be” (tồn tại hay không tồn tại). Đằng sau mặt báo là những cuộc vật vã, những sự cải tổ, cơ cấu lại một cách quyết liệt và nghiệt ngã. Không còn là sự phát triển mà là co hẹp lại để thích ứng và tồn tại. Nhiều tờ báo phải cầm chừng mà duy trì sự có mặt trên quầy báo. Như Tuổi Trẻ cho biết, có những tờ báo trước đây mỗi kỳ in cả trăm ngàn bản, nay chỉ còn lại vài ngàn bản.

Tôi biết có không ít tờ tạp chí công bố số lượng hàng chục ngàn bản (chủ yếu “khè” các đối tác quảng cáo), thực tế chỉ in vài ba ngàn bản mỗi kỳ – đặc biệt là với những tờ tạp chí in đẹp, cực dày, cực sang trọng. Một công ty phát hành báo chí nổi tiếng tiết lộ có những tòa soạn chỉ yêu cầu mỗi sạp báo treo giùm 1-2 tờ cho mọi người nhìn thấy, bán không được thì trả lại tòa soạn. Tôi đã đi khảo sát thử, nhiều sạp báo đã mở thêm một dịch vụ mới là “cho thuê báo chí”, đặc biệt là với những tờ báo in đẹp và giá cao. Tạp chí vừa nhận về, họ lập tức cho người ta thuê đọc với giá 2.000-5.000 đồng, tới ngày phải quyết toán với đại lý, họ thu hồi lại để trả cho tòa soạn. Họ biết chắc rằng những tờ báo này không thể bán được, mà nếu có bán được thì họ cũng chỉ hưởng được mức chiết khấu chừng đó thôi, chi bằng cho thuê lấy tiền bỏ túi chắc ăn. Báo không chết sớm mới là chuyện lạ! (Xin khai thiệt là mấy đứa con tôi vẫn thường thuê báo kiểu này.)

Có quá nhiều mũi tên cùng bắn vào báo in – tua tủa giống như con nhím.

– Chi phí làm báo ngày càng tăng trong khi giá bán có cái trần của nó. Tiền lương tối thiểu tăng, xăng tăng giá, điện tăng giá, … đều tác động tới báo chí cả gián tiếp lẫn trực tiếp. Khi các thứ đó tăng thì giá giấy và công in cũng tăng dẫn tới dây chuyền là chi phí in báo tăng. Cước vận chuyển tăng khiến chi phí phát hành tăng. Hầu như tất cả các tạp chí in đẹp đều có giá thành cao hơn rất nhiều, có khi gấp đôi, gấp ba giá bán. Để khỏi đụng chạm ai, tôi xin dẫn chứng: tờ Siêu Thị Số có giá thành (in ấn, phát hành, nhuận bút, quản lý,…) lên tới 30.000 đồng, nhưng giá bán chỉ có thể giữ ở mức 12.500 đồng (sau khi trừ hoa hồng phát hành chỉ còn thực thu 10.000 đồng). Nghĩa là hễ bán 1 tờ thì lỗ 2 tờ, càng in nhiều, càng lỗ nặng. Những tờ in đẹp hơn, dày hơn còn thê thảm hơn. Tôi nhớ một lần ở Bangkok, anh chàng tổng biên tập tờ PCGamer của Thái Lan hỏi giá bán của tờ Siêu Thị Số. Nghe câu trả lời, anh ngồi thừ ra khá lâu, tôi hỏi, anh nói: “Tôi không hiểu làm sao các ông tồn tại được.” Ở Thái Lan, một tờ tạp chí tương tự có giá bán quy ra tiền Việt Nam thấp nhất cũng tới 80.000 đồng. Tôi nói với anh, chỉ cần bán được với nửa giá đó thôi là tụi tụi đã làm giàu rồi!

– Có thể nói rằng hầu như chẳng có tờ báo nào trên thế giới sống nổi chỉ bằng tiền bán báo (ngoại trừ một ít tờ báo in đơn giản với số lượng cực lớn – phần nhiều lại là loại tabloid, gọi nôm na là “lá cải”). Tất cả đều dựa vào nguồn thu quảng cáo. Nhưng khi kinh tế suy thoái, hàng hóa bán không được thì các hãng làm gì có tiền để quảng cáo. Hầu hết các quảng cáo vẫn còn tồn tại là từ khu vực hàng tiêu dùng, thời trang, sắc đẹp,… là những ngành hàng hoặc không thể không mua hoặc có margin lợi nhuận cao. Chi phí quảng cáo đã được tính vào giá thành cho người tiêu dùng gánh (trong khi có những ngành hàng khác phải giảm chi phí tối đa để có thể có giá bán phải chăng). Những ngành hàng này lại còn có thêm một thuận lợi nữa để quảng cáo là giờ đây chi phí quảng cáo giảm do sự cạnh tranh giữa các báo để có khách hàng. Có những tờ báo dùng nhiều chiêu khuyến mãi. discount để giảm giá quảng cáo cho khách hàng, thậm chí có những khi thì “giá nào cũng chơi”, thay vì để trang trống hay lấp bằng bài lại phải trả nhuận bút. Cạnh tranh nhau, tranh giành khách hàng của nhau khủng khiếp lắm – báo này chơi báo khác đâu phải là không có. Chưa hết. Trong thời buổi khó tìm khách hàng, các agency quảng cáo làm eo đẩy mức chiết khấu của tòa soạn lên, có khi là 50%. Như vậy, với một quảng cáo, tòa soạn chỉ còn thu có phân nửa giá, nhưng trong đó phải ngắt một nửa đóng thuế doanh nghiệp (hình như là 25% tổng trị giá hóa đơn).

– Sức mua của bạn đọc giảm. Trong tình hình thu nhập giảm sút, nhiều người phải cắt giảm luôn khoản vốn dành để mua báo. Một tờ báo bình thương bây giờ cũng 4.000 đồng, tương đương giá một ổ bánh mì không để lót dạ buổi sáng.

– Sự cạnh tranh khốc liệt từ các trang tin trên Internet với sự tiếp tay của sự phổ cập ngày càng sâu rộng của các phương tiện thông tin liên lạc. Bây giờ thì hang cùng ngõ hẽm, làng xóm nào cũng bao la sóng Wi-Fi và 3G. Người ở hóc bà tó cũng có thể vào Internet để liên lạc và đọc tin tức toàn cầu. Cái cảnh sáng sớm ngồi trước ly cà phê đọc báo giấy giờ đã trở thành lỗi thời rồi. Bây giờ, người ta dùng laptop, tablet hay smartphone để duyệt tin nóng hổi vừa mới xảy ra trong đêm qua trên cả hành tinh. Cho dù có cập nhật nhanh nhất thì báo in phát hành buổi sáng cũng phải khóa thông tin vào lúc nửa khuya. Từ đó tới sáng, có gì xảy ra thì chỉ có thể biết từ Internet! Hồi trước, phải nửa ngày hay hôm sau thì báo in mới đưa thông tin của ngày hôm trước lên Internet. Còn bây giờ khi phải cạnh tranh thông tin, nhất là khi ngày càng có nhiều báo điện tử (hoàn toàn chỉ có bản Internet), báo nào không đưa tin sớm hơn là mất bạn đọc.

Hiện nay, báo chí thế giới đang diễn ra song song 2 xu thế: duy trì báo in nhưng với một cấu trúc mới và chuyển sang báo điện tử. Ngay từ năm 2008, Steve Ballmer, CEO của hãng Microsoft, đã dự báo rằng: “Sẽ không có sự tiêu dùng báo chí nào tồn tại trong 10 năm mà không được chuyển phát trên một mạng IP. Sẽ không có báo, tạp chí nào được chuyển tải dưới dạng giấy nữa. Mọi thứ sẽ được chuyển tải bằng một hình thức điện tử.” Ở Anh, theo số liệu nghiên cứu vào tháng 1-2009, báo The Guardian có số bạn đọc online khoảng 30 triệu người, trong khi số lượng bản in giấy chỉ có 358.000 tờ/kỳ. Tờ Daily Telegraph có số bản in 842.000 tờ, trong khi có tới 26 triệu người đọc online. Hãng eMarketer dự báo rằng doanh thu quảng cáo báo chí ở Mỹ giảm trong suốt 7 năm liền (2005-2012) với tổng mức giảm sút tới 42,5%. Rao vặt sẽ không còn là nguồn thu chính của báo nữa.

newspapers-uk-2009

Biểu đồ cho thấy tình hình phát hành của một số tờ báo nổi tiếng của Anh (phần xanh lá cây là số người đọc online, màu xanh dương là người đọc báo in).

Báo giấy sẽ vẫn còn tồn tại, nhưng số lượng giảm mạnh, chủ yếu dành cho những đối tượng người đọc không thể đọc báo trên Internet. Báo in cũng chủ yếu thuộc lĩnh vực nghiên cứu, chuyên sâu.

Trong những năm qua, ngày càng có thêm những đại gia báo chí quốc tế bỏ bản in để phát triển bản điện tử. Tờ tạp chí ảnh thời sự nổi tiếng LIFE của Mỹ giờ là website life.time.com. Sự vĩnh biệt quầy báo gây ấn tượng nhất gần đây là của tuần báo thời sự Mỹ Newsweek ra đời từ tháng 2-1933 và phát hành toàn thế giới. Từ đầu năm 2013, Newsweek không in nữa mà chỉ còn bản điện tử trên Internet.

life-web  newsweek-web

Báo LIFE và Newsweek dưới hình thức báo điện tử.

Việc chuyển một tờ báo từ dạng in sang dạng điện tử là một quá trình đầy vật vã, gay go chớ không hề đơn giản. Nó không đơn thuần chỉ là chuyển đổi công nghệ. Cả bộ máy tòa soạn phải cơ cấu lại và vận hành theo quy trình mới. Điều nghiệt ngã không thể tránh khỏi là có những người mất việc làm. Nhưng cái điều quan trọng nhất và nhức đầu nhất cho tòa soạn là phải thuyết phục cho các khách hàng quảng cáo cũ chịu tiếp tục quảng cáo trên Internet. Nhiều tờ báo Mỹ khi “sang trang” đều lâm vào tình trạng chật vật ban đầu này.

Các tờ báo đã có thương hiệu giờ chuyển sang dạng điện tử có lợi thế hơn hẳn các trang thông tin điện tử. Bởi họ có thương hiệu và uy tín, có đội ngũ làm báo, có tay nghề, có bạn đọc. Chi phí hoạt động giảm rất mạnh (chủ yếu không còn tốn công in và chi phí phát hành, cũng như tinh giản bộ máy). Tờ Siêu Thị Số sau khi chuyển sang e-magazine và online giảm chi phí chỉ còn bằng 1/10 so với lúc in. Các đối tác quảng cáo sẽ hưởng nhiều lợi ích hơn: chi phí quảng cáo nhẹ hơn nhiều trong khi sức lan tỏa rộng hơn bội lần.

Bình tâm lại thì chuyện gì phải đến ắt sẽ đến – và thời đã điểm. Dù sao báo in vẫn chỉ là một giai đoạn và một loại hình trong lịch sử tiến hóa của thông tin, truyền thông của nhân loại. Bây giờ là thời của Internet, của không gian mạng, loại hình thông tin cũng phải tiến hóa theo. Vẫn phải là “to be, or not to be”.

Vậy thì, nào ta cùng sang trang… nào ta cùng online!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 21-6-2013)

Mời tham khảo một phóng sự của VTV2:


 

MỜI THAM KHẢO (Cảm ơn báo Tuổi Trẻ):

• Báo chí phải thay đổi, tạo khác biệt

• Tan tác làng báo thể thao