Thứ Sáu ngày 11 tháng 10 năm 2024

Chép đưa ông Táo về trời…

140123-phphuoc-ongtao-03-2000

 

Bữa nay tháng chạp hăm ba

Táo về báo cáo chuyện nhà cả năm.

Ngọc Hoàng nếu có hỏi thăm

Nói giùm tui chính dượng Năm mé bà.

 

Trời Saigon mấy bữa nay lạnh lạ lùng, lạnh hiếm có. Lạnh tới mức tối ngủ máy lạnh còn ấm hơn bên ngoài. Máy lạnh trong phòng luôn để ở mức chuẩn 26 độ C (78,8 độ F). Trong khi nhiệt độ trong nhà tôi ở Chợ Lớn sáng nay 23 độ C (73,4 độ F), còn sáng hôm qua là 24 độ C (75,2 độ F). Tất nhiên bên ngoài còn lạnh hơn nữa. Thành phố mà lạnh vậy thì ở vùng nông thôn còn lạnh gắt củ kiệu hơn nữa. Báo đăng ở xứ Mộc Hóa quê tôi thuộc vùng Đồng Tháp Mười có bữa xuống còn 18 độ C (64,4 độ F). Nghe nói ở miền Đông Nam Bộ có nơi xuống tới 14 độ C (57,2 độ F).

Tôi vốn bẩm sinh sợ nóng, nhưng chịu lạnh rất tốt. Hình như hồi tôi mới chun ra khỏi bụng mẹ vào một ngày sau Tết Đinh Dậu gần một tháng hồi nẳm năm xưa, chẳng hiểu tôi có táy máy chi mà cô mụ cho tôi tắm nước lạnh thì phải. Cũng có thể do là nòi gà chọi nên dạn dày sương gió hơn mấy chú gà trống điệu đàng bảnh bao công tử chuồng gà.

Sáng đi ngang qua cười duyên với cuốn lịch bloc thấy tờ lịch bữa nay mà bắt khoái. Năm 2014 này mở đầu bằng một tháng đặc biệt cả ngày trên (dương lịch) và ngày dưới (âm lịch) y chang nhau. Hôm nay là ngày đưa ông Táo về trời 23 tháng Chạp có ngày Tây là 23-1, lại là ngày Giáp Ngọ (niên canh của năm mới âm lịch sắp tới).

Theo tập tục ngàn xưa, vào ngày 23 tháng Chạp, bà con mình cúng kiến tiễn đưa ông Táo về chầu Ngọc hoàng đặng bẩm báo mọi chuyện mà ỗng ghi chép được trong nhà gia chủ nguyên một năm qua. Do ông Táo trong truyền thuyết cỡi cá chép lên thiên đình nên bữa nay mấy chỗ bán cá cảnh có dịp hốt bạc nhờ bán cá chép cho ông đi qua, bà đi lại. Tôi thì hơi bị quởn nên tưởng tượng rằng ông Táo thời nay cỡi tàu con thoi lên Thiên đình. Bên ngoài cổng Trời có cái bãi đất trống đã được phân lô nhưng chưa bán nền được mấy tướng sĩ Thiên giới trưng dụng làm bãi giữ tàu cho các Táo tới ngày… hồi dương. Giá giữ tàu bao nhiêu hỗng thấy công bố.

Thiệt tình ông Táo hỗng phải là sản phẩm thuần Việt, mà được du nhập từ phương bắc trong thời nước Việt bị Trung Hoa đô hộ cả ngàn năm. Táo quân hay Táo vương được coi là vị thần cai quản cái bếp trong mỗi gia đình (“táo” có nghĩa là “bếp”). Nhờ người Việt thông minh và có đầu óc cải tiến, truyền thuyết về ông Táo có khác nguyên gốc. Mà ngay cả ở Trung Hoa cũng tồn tại nhiều lai lịch về ông Táo, cả về tên tuổi, xuất thân lẫn giới tính.

Đại từ điển bách khoa Wikipedia ghi rằng: “Táo quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, và Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Hoa, nhưng được Việt hóa thành huyền tích “2 ông 1 bà” – vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo do kết quả của thuyết tam vị nhất thể (thuyết Ba ngôi) khá phổ biến trong các tín ngưỡng, tôn giáo. Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất.”

taoquan

Nhưng sự tích Táo quân phổ biến nhất mà người Việt được cha mẹ, ông bà kể từ khi còn thơ ấu là một chuyện tình “1 bà 2 ông”. Tôi xin kể lại theo cách của mình rằng: Trọng Cao và vợ là Thị Nhi do sống với nhau đã lâu mà không đẻ được, nên phát sinh buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một bữa nọ, bị chồng “vũ phu”, Thị Nhi quyết định “đôi ngã chia ly” quảy gói ra đi. Rồi nàng gặp Phạm Lang (hỗng biết có phài tiền kiếp của Phạm Hồng Phước chăng thì không thấy sách nào chịu ghi) và bằng lòng đi bước nữa. Khi Trọng Cao hạ hỏa (có lẽ hỗng có ai nấu cơm cho ăn, giặt đồ cho mặc, ủ ấm cho ngủ), nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Lang thang từ Ải Nam Quan tới Mũi Cà Mau, xài hết tiền lại gặp thời suy thoái kinh tế, dân lay-off đầy đường, Trọng Cao đành phải đi ăn xin. Ma đưa lối quỷ dẫn đường hay định mệnh trớ trêu khiến bữa nọ anh gõ cửa một ngôi nhà và bà chủ nhà chính là Thị Nhi. Xưa nay “tình cũ không rủ cũng tới” huống chi là những kẻ từng trải nghiệm đầu ấp tay gối với nhau, nghe Trọng Cao kể, Thị Nhi mũi lòng và ân hận vì thuyền đã neo đậu ở bến nước mới rồi. Hai cố nhân đang tâm sự (đoạn này sách không mô tả cụ thể và chi tiết), Phạm Lang về nhà kêu cổng. Sợ chồng đương nhiệm bắt gặp chồng cựu trào trong tình huống này thì khó giải thích, Thị Nhi kêu Trọng Cao chui vô trốn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền theo đúng kế hoạch ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra (có lẽ không muốn phá vỡ hạnh phúc của vợ cũ), chấp nhận bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy vậy bèn nhào vào đống rơm đang cháy để chết chung. Quá bất ngờ trước tình tiết không có trong kịch bản này, Phạm Lang liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ. Linh hồn của ba người được đưa lên trình diện Thượng đế. Ngài thấy ba người đều có tình, có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân. Theo quyết định của cuộc họp hội đồng thành viên nhà Táo, mỗi người được phân công giữ một việc:

– Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân

– Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần

– Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.

Do Táo quân gồm có 3 vị nên các bếp lò truyền thống có 3 gờ đỡ nồi niêu xoong chảo (gọi là ông đầu rau). Còn loại bếp ga thời nay có lẽ xuất xứ từ các nước Arập Hồi giáo giàu dầu khí nên có 4 tới 5 gờ đỡ (đạo Hồi cho phép đàn ông có tới 4 bà vợ chính thức).

Từ chuyện ông Táo, bà Táo, tôi “eureka” rằng: 1 ông + 2 bà thì bị kỷ luật lâm vào cảnh “một vợ thì năm giường lèo, hai vợ thì nằm chèo queo”; trong khi 1 bà + 2 ông lại được thăng thưởng thành thần, hỗng thấy bộ tam sên Táo quân sao!

Thiệt thà khai báo trong ngày đưa ông Táo về trời là tôi khoái nhứt cái bếp ga “5 gờ đỡ” kia kìa.

Cũng do truyền thuyết Táo quân là các vị thần nhà mỗi cuối năm lại về báo cáo với Thượng đế mọi chuyện xảy ra trong nhà gia chủ trong năm vừa qua, người ta bày ra cái thể loại sớ Táo quân đặng tổng kết chuyện một năm qua. Có lẽ xuất phát từ thời làng báo Việt bắt đầu có truyền thống làm báo xuân, giai phẩm Tết, thể loại sớ Táo quân được phát triển cho tới tận ngày nay. Trong cái bài dài dằng dặc đó (nên phát sinh câu nói “viết dài như sớ”), người ta ghi chép lại những chuyện tốt xấu trong đơn vị, tại địa phương, trong nước và cả thế giới xảy ra trong năm cũ, trào phúng càng tốt. Bài sớ Táo quân phổ biến được viết theo thể vè 4 chữ hay thơ thất ngôn bát cú.

Hôm nay đúng lệ

Tháng chạp hăm ba

Thần Táo rời nhà

Về trời phó hội

Táo do quá vội

Chẳng kịp mặc quần…

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 23-1-2014)