Theo dòng di đông: BB hết thời?
BB hết thời?
Từng có một thời trong tay dân sành điệu, nhất là giới doanh nhân và dân công nghệ, không thể thiếu chiếc điện thoại BlackBerry của hãng RIM (Research In Motion Limited) mà tới năm 2013 đổi tên thành hãng BlackBerry Limited. Nhiều bạn bè tôi nói rằng chuyển qua xài BB rồi thì hết muốn quay về các thiết bị khác.
Thiệt tình là lúc đó kiểu dáng thiết kế của điện thoại BB trông “gồ ghề” với bàn phím cơ QWERTY được thiết kế độc đáo tạo sự thân thiện và tiện dụng cho những người thường phải nhắn tin hay gửi e-mail. Hệ điều hành và hệ sinh thái BB cũng ổn định và có nhiều thứ để dân chơi công nghệ “vọc”.
Nhưng điều làm nên huyền thoại BB lại nằm ở tính năng e-mail của nó. Trong cái thời sóng Wi-Fi và 3G chưa phủ khắp hang cùng ngõ hẻm như bây giờ, công nghệ push-mail của BB chiếm ngôi thống trị. Hệ thống máy chủ doanh nghiệp BlackBerry Enterprise Server (BES) kết nối vào hệ thống e-mail truyền thống mà người dùng BB sử dụng, giám sát máy chủ e-mail này và khi phát hiện có một e-mail mới gửi tới cho chủ nhân BB, nó sẽ lấy một bản copy của e-mail đó rồi đẩy nó tới chiếc BB của người dùng thông qua mạng không dây.
Đã gọi là thời hoàng kim thì cũng chỉ có một thời gian nào đó mà thôi. Các ưu thế làm nên thương hiệu BB đã bị dòng thiết bị iPhone của Apple và hệ điều hành Android của Google làm cho lu mờ. Giống như con thỏ trong chuyện ngụ ngôn chạy đua cùng chú rùa, sau một thời gian chậm chạp trở bộ, tới chùng BB giựt mình tỉnh giấc thì các đối thủ đã bỏ quá xa. BB đã tuột dốc như xe không thắng xuống đứng lẹt đẹt cuối bảng trên thị trường di động toàn cầu. Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường IDC, tính nguyên cả năm 2013, thị phần của Android là 78,6%; iOS chiếm 15,2%; Windows Phone 3,3%; và BlackBerry 1,9%.
Dạo tháng 2-2014, nhà mạng di dộng T-Mobile ở Mỹ chạy một chương trình khuyến mãi khuyến khích các chủ nhân của BB đổi thiết bị của mình lấy iPhone 5s. Các fan của BB đùng đùng nổi giận và tấn công T-Mobile. Sếp của BB cũng khởi kiện và gọi chương trình khuyến mãi của T-Moble là “không thích hợp” và là một “khuyến mãi tiếp thị có quan niệm bịnh hoạn”. Sau đó, T-Mobile đã phải đổi chương trình này thành khuyến khích người đang dùng BB nâng cấp lên một thiết bị BB mới hơn.
Nhưng theo trang mạng công nghệ TechCrunch (5-3-2014), một bản ghi nhớ nội bộ của T-Mobile bị rò rỉ cho thấy số lượng các vụ đổi BB đã tăng vọt gầp 15 lần với 94% số người đăng ký muốn đổi chiếc BB của mình lấy một thiết bị không phải là BB!
Privacy Phone: một ý tưởng tận dụng smartphone đời cũ mà không cổ!
Khi nhìn thấy chiếc smartphone mang tên Privacy Phone mà FreedomPop vừa giới thiệu, bạn chắc chắn sẽ ồ lên một tiếng vì nhận ra sự quen thuộc của thiết bị này. Đó chính là một chiếc Samsung Galaxy S II ra đời hồi giữa năm 2011 đã được tùy biến lại.
FreedomPop là một nhà cung cấp dịch vụ Internet ở Mỹ mới thành lập vào năm 2011 với những dịch vụ miễn phí và có phí. Bằng cách tận dụng một dòng điện thoại từng là thời thượng trong thời của nó, với cấu hình và kiểu dáng vẫn còn “ngon cơm chán”, hãng này có thêm một sản phẩm và dịch vụ cung ứng cho những khách hàng có nhu cầu bảo mật trong di động. Nhờ lợi thế giá dòng smartphone bị coi là “lỗi thời” này rất rẻ, nhà cung cấp dịch vụ có thể đưa ra mức giá dễ chịu.
Tất nhiên bạn cũng muốn biết một số thông tin về chiếc Galaxy S II này. Tôi cũng chẳng thế nhớ nổi về nó sau quá trời đất các mẫu smartphone xuất hiện trên thị trường sau đó. Vậy là phải giở tuyệt chiêu “cái gì không biết thì tra Google” ra rồi. Chiếc smartphone này có màn hình Super AMOLED Plus 4,3 inch (480 x 800 pixel); chạy CPU Samsung Exynos C210 dual-core 1,2GHz; bộ nhớ RAM 1GB, bộ nhớ lưu trữ 16GB, hỗ trợ thẻ nhớ microSD tới 32GB; camera 8MP với đèn LED Flash và auto-focus; Wi-Fi 802.11 a/b/g/n dual-band, Bluetooth 3.0, DLNA, Wi-Fi Direct, Wi-Fi hotspot; pin 1800mAh.
Sau khi được “bùa” lại, Privacy Phone được FreedomPop tích hợp thêm tính năng mã hóa 128-bit cho cuộc gọi và tin nhắn, với app data và Web data được đẩy thông qua một mạng cá nhân ảo VPN để tăng thêm một lớp áo giáp an ninh. Để chứng minh cho khách hàng thấy độ bảo mật đáng tin cậy của thiết bị này như thế nào, FreedomPop chấp nhận thanh toán nó bằng đồng tiền ảo Bitcoin.
Privacy Phone có giá 189 USD đi kèm với 3 tháng sử dụng miễn phí không hạn chế dịch vụ voice/text + 500MB data. Cước sử dụng mỗi tháng 10 USD.
Steven Sesar, sếp của FreedomPop, nói rằng: “Trong cái thời của những vi phạm gần đây về tính riêng tư của người tiêu dùng trên khắp các mạng xã hội và thiết bị di động, tính riêng tư đang trở nên ngày càng quan trọng hơn đối với nhiều người Mỹ, và tất cả chúng ta có quyền liên lạc một cách ẩn danh. Các nhà mạng lớn không có tính linh hoạt, sự mong muốn hay sáng tạo để đầu tư vào bảo mật riêng tư. Chúng tôi không đồng ý với cách nghĩ này và cảm thấy nó thúc đẩy chúng tôi tạo ra một dịch vụ điện thoại di động thật sự riêng tư với một mức giá phải chăng.”
Nhân đây tôi xin báo trước với quý bạn bè thân thiết, bữa nào đó thấy có cuộc gọi hay tin nhắn không xuất hiện tên tôi, bạn chớ hoảng hốt vì tưởng có ai đó từ Bình Hưng Hòa gọi lên, thiệt ra có thể lúc đó tôi đang xài một cái Privacy Phone.
Rắc rối chuyện vừa lái xe, vừa xài điện thoại
Tôi còn nhớ ngày 1-10-2013 khi đang đi trên xa lộ 95 ở bang Maryland (Mỹ), tôi thấy trên những tấm biển điện tử trên đường xuất hiện dòng thông báo kể từ hôm nay bang này thi hành luật cấm dùng điện thoại di động khi đang lái xe. Trên cả nước Mỹ, ai vừa lái xe, vừa xài điện thoại đều bị phạt nặng.
Bạn và tôi, ai cũng rõ sự nguy hiểm của việc vừa lái xe, vừa tám điện thoại đối với chính người điều khiển xe và những người khác trên đường. Và “ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu” (xin lỗi nhạc sĩ Vũ Hoàng vì đã mượn tạm một câu trong ca khúc “Phượng Hồng”), đó lại là người lái xe, rằng phải luôn tập trung cao độ khi cầm lái, vì sự chia trí, lơ đãng chỉ một thoáng cũng có thể gây ra tai nạn giao thông, nhất là khi lái xe với tốc độ cao và ở nơi giao thông tấp nập. Vì thế, cho dù luật không cấm việc nói chuyện điện thoại bằng tai nghe (phổ biến là qua sóng Bluetooth) trong khi lái xe, nhưng thực tế là rất khó tập trung vào tay lái trong khi “tám” trên điện thoại. Ngay cả chuyện người ngồi trên xe trò chuyện với tài xế cũng là hỗng hay và hỗng hên rồi. Đang lái xe, khi thật cần thiết, người ta có thể gọi hay nhận cuộc gọi (qua tai nghe), nhưng chỉ nên ba điều bốn chuyện rồi ngưng mà tập trung vào tay lái.
Vậy thì cấm sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe là “miễn bàn cãi”.
Ngặt một nỗi, cái smartphone ngày nay là một thiết bị di động chớ không chỉ đơn thuần chỉ có tính năng gọi điện thoại. Mà một trong những tính năng của nó lại cần thiết cho người lái xe, đó là bản đồ chỉ đường. Những người không xài thiết bị điều hướng chuyên dụng GPS thì phải dùng tới bản đồ trên smartphone rồi. Nhưng như vậy có phạm tội xài điện thoại trong khi lái xe hay không?
Xin hãy nghe một số câu chuyện mới xảy ra ở Mỹ chung quanh chuyện này hén.
Hôm 27-2-2014, một người đàn ông ở bang California cách đây 2 năm bị cảnh sát giao thông phạt vì dùng một ứng dụng bản đồ trên chiếc iPhone 4 trong khi đang lái xe đã được tòa án phúc thẩm tại thành phố Fresno tuyên “không phạm tội”. Luật Giao thông của bang chỉ cấm người ta nghe, nói và nhắn tin trên điện thoại di động trong khi lái xe, chớ hỗng có cấm xem một ứng dụng bản đồ di động.
Từ phán quyết của tòa án này, giờ đây những người từng hay sẽ bị phạt vì xem bản đồ chỉ đường trên điện thoại di động có thể kháng cáo.
Trước đó, tòa án phúc thẩm ở California cũng phán quyết “không phạm tội” đối với vụ một phụ nữ bị cảnh sát tuần tra xa lộ của thành phố California hồi tháng 10-2013 xử phạt vì tội đeo một chiếc kính thông minh Google Glass trong khi đang lái xe. Nghe nói Google đang vận động các nghị sĩ ở nhiều tiểu bang cho phép người ta đeo kính Google Glass trong khi lái xe.
Tất nhiên là ngành cảnh sát giao thông không welcome những phán quyết như vậy. Một người phát ngôn của Cảnh sát Tuần tra Xa lộ California nói rằng: “Các cảnh sát của chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục thực thi các luật an toàn giao thông đã ban hành.” Cảnh sát cũng nói rằng họ sẽ rất khó hành xử nếu như sau khi bị chớp đèn dừng xe, người lái xe nhanh chóng chuyển từ màn hình nhắn tin trên điện thoại sang ứng dụng bản đồ. Đại úy Andy Hall của Sở Cảnh sát thành phố Fresno nói: “Làm cách nào chúng tôi có thể biết được là họ không phải đang xài điện thoại để nhắn tin? Mà tôi thiệt tình chớ hiểu chuyện chơi với một cái bản đồ có an toàn chút nào hơn là chuyện nhắn tin?”
Thiệt ra ngoại trừ các phablet có màn hình từ 5 inch trở lên, các smartphone thông thường rất khó cho người ta vừa lái xe, vừa dòm vô nó coi bản đồ nếu không cầm lên để gần mắt. Mà luật cấm dùng điện thoại trong khi lái xe cốt là để ngăn người ta buông tay lái và không tập trung vào chuyện lái xe. Suy ra, hễ vừa lái xe, vừa cầm điện thoại là vi phạm rồi!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 13-3-2014)