Thứ Hai ngày 30 tháng 12 năm 2024

Chuyến bay MH370 bí ẩn: kết luận nhưng chưa kết thúc

140325-b777-200er-malaysia airlines

 

Bầu không khí tang tóc đã phủ trùm lên những khách sạn ở Bắc Kinh và Kuala Lumpur tối 24-3-2014, nơi gia đình của một số nạn nhân trên chuyến bay định mạng MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines trú ngụ hỗm rày mong ngóng thông tin người thân xấu số. Chính phủ Malaysia đã chính thức tuyên bố chiếc máy bay Boeing 777-200ER chở 227 hành khách và 12 nhân viên đội bay đã rơi xuống nam Ấn Độ Dương và không có ai sống sót. Ngày lâm nạn là thứ Bảy 8-3-2014.

Nhóm phóng viên của hãng truyền hình Mỹ ABC từ Bắc Kinh và Kuala Lumpur tường thuật sáng 25-4 như sau: Những người thân của các nạn nhân đã kêu la, khóc lóc và ngất xỉu khi nghe tin dữ.

Tại khách sạn Lido ở Bắc Kinh, nơi một số gia đình đã túc trực suốt 17 ngày qua để chờ tin, một phụ nữ đã chịu không nổi nỗi đau nên ngất xỉu, phải nằm trên cáng. Trước khi cuộc họp báo ở Kuala Lumpur bắt đầu, được trực tiếp truyền hình sang Bắc Kinh, một chiếc xe cứu thương đã tới khách sạn Lido và 3 chiếc cáng thương đã được đưa vào. Thông tin do nhà chức trách Malaysia công bố được trực tiếp truyền hình tại Bắc Kinh đã làm bùng nổ sự khóc than và giận dữ. Tiếng khóc than vang vọng từ căn phòng mà các gia đình nạn nhân đang tụ tập. Phụ nữ khóc lóc, đàn ông thì nguyền rủa. Người ta sau đó đã phải tắt chương trình truyền hình trực tiếp từ Malaysia. Khoảng 50 cảnh sát đã tới giữ trật tự và có ít nhất một vụ xô xát đã xảy ra.

Một phụ nữ nói với báo chí: “Hãy kể cho thế giới đây không phải là sự thật, nó là sai lầm.” Một phụ nữ khác khóc rống lên: “Các con tôi không chết, chúng phải bị giấu ở đâu đó. Làm sao tôi có thể tin được chính quyền này?”

Trong khi đó tại khách sạn Bangi Putrajaya ở Kuala Lumpur, tình hình tuy không náo động như ở Bắc Kinh, nhưng cũng tràn ngập tiếng than khóc khi hung tin được loan báo. Một phụ nữ tự nhận là người thân của phi công chuyến bay nói với hãng tin truyền hình ABC News: “Chúng tôi đau buồn. Chúng tôi đang giữ bình tĩnh vì lòng tin của mình. Chúng tôi đã sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất và vẫn đang hy vọng có một phép lạ.”

Jacquita Gomes, vợ của Patrick Gomes, tiếp viên trưởng của chuyến bay MH370, nói trong nước mắt rằng một đại diện hãng hàng không MAS đã tới nhà chị hôm nay để báo tin.

Bà Sara Bajc, bạn gái của Philip Wood. một cựu lãnh đạo hãng IBM (Mỹ) có mặt trên chuyến bay, chia sẻ thông điệp mà hãng MAS đã gởi cho mình: “MAS thật đau lòng khi phải thừa nhận mà không có lý do nào để có thể nghi ngờ rằng MH370 đã mất và không một ai trên đó sống sót. Như bà sẽ nghe trong một giờ tới từ Thủ tướng Malaysia, chúng ta bây giờ phải chấp nhận tất cả các bằng chứng rằng máy bay đã rơi xuống nam Ấn Độ Dương.”

Selamat Omar, cha của kỹ sư hàng không 29 tuổi có mặt trên chuyến bay, đã đón nhận hung tin một cách bình tĩnh hơn: “Chúng tôi chấp nhận tin thảm kịch này. Đó là số phận.”

Trong sự bất ngờ của mọi người, một cuộc họp báo đã được đích thân Thủ tướng Najib Razak chủ trì lúc 21g tối 24-3. Tại đây, nhà lãnh đạo Malaysia tuyên bố các dữ liệu vệ tinh mới tiết lộ rằng chuyến bay MH370 đã kết thúc tại nam Ấn Độ Dương. Ông Najib cho biết: “Đó là một vùng xa xôi hẻo lánh, cách xa bất cứ vị trí hạ cánh nào có thể được. Vì lẽ đó, với nỗi buồn và sự ân hận sâu sắc, tôi phải thông tin với quý vị rằng, theo những dữ liệu mới, chuyến bay MH370 đã kết thúc ở nam Ấn Độ Dương.”

Nếu căn cứ vào thông báo chính thức từ chính quyền Malaysia, mọi hy vọng về sự sống sót của những người trên máy bay đã bị dập tắt.

Thế nhưng, ngay từ đầu sự việc, thái độ và cách hành xử của Malaysia đã khiến người ta giảm lòng tin và thường xuyên nghi hoặc. Lần này, ngay cả với hung tin này, chẳng phải chỉ có những người thân cố bám víu lấy chút hy vọng ngày càng mong manh về sự sống sót của nạn nhân, mà những ai bình tĩnh một chút cũng thấy có cái gì đó phải lấn cấn mà nghĩ ngợi.

Nổi cộm lên trên tất cả là trong toàn bộ thông báo “the end” của mình, Thủ tướng Malaysia chỉ đưa ra cơ sở để có kết luận rằng chuyến bay MH370 đã rơi xuống nam Ấn Độ Dương là “dữ liệu của vệ tinh” (new satellite data), mà cho dù có “mới” đi nữa cũng chưa thấy gì để kiểm chứng.

Trong mấy ngày qua, Úc, Trung Quốc rồi tới Pháp đã liên tiếp đưa ra những hình ảnh do vệ tinh chụp cho thấy có những vật thể tình nghi, có cái lớn tới 24 mét. Sau đó, ngày 23-3, một máy bay tìm kiếm dân sự báo cáo đã tận mắt nhìn thấy những mảnh ván có dây đai nhiều màu giống như những tấm pallet sử dụng để vận chuyển hàng trên máy bay trôi rải rác cả một khu vực hơn 5km. Nhưng đây cũng là loại pallet vẫn dùng trên các tàu vận tải. New Zealand đã lập tức điều một máy bay trinh sát chuyên nghiệp P3 Orion tới kiểm tra và chỉ thấy toàn… rong biển. Rồi có những báo cáo cho biết đã nhìn thấy nhiều vật thể nhỏ trong khu vực. Nhưng tất cả chỉ là trên ảnh và được nhìn thấy. Chưa hề có một vật gì được thu thập rồi xác minh chứng thực chúng từ chiếc máy bay đó. Vùng biển này xưa nay vốn có nhiều rác. Báo Financial Times (24-3) cho biết ngay cả Thủ tướng Úc Tony Abbott cũng phải hồ nghi rằng những vật nhìn thấy đó không có liên quan gì tới chuyến bay MH370.

Sau khi có thông báo từ chính Thủ tướng Malaysia đưa ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf đã lên tiếng nói rằng chưa có bằng chứng độc lập nào để xác định máy bay đó đã rơi xuống biển và ở vị trí đó. Tiếp theo phản ứng của Mỹ, Trung Quốc cũng lên tiếng yêu cầu Malaysia phải cung cấp mọi dữ liệu vệ tinh có liên quan và phải giải thích rõ cơ sở để có kết luận như vậy. Với sự dè dặt, Phụ tá Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Ben Rhodes ngày 24-3 (theo giờ Mỹ, tức sau khi có thông báo của Thủ tướng Malaysia) đã thôi nói về chuyện Mỹ đã có khẳng định độc lập về tình trạng chuyến bay MH370. Ông cho biết là Mỹ vẫn đang tiếp tục trợ giúp nỗ lực tìm kiếm tập trung ở hành lang phía nam của Ấn Độ Dương.

Tom Wood, anh của một hành khách Mỹ trên chuyến bay MH370, bức xúc: “Họ dùng cụm từ “chúng tôi hoàn toàn chắc chắn”, nhưng cho tới nay họ vẫn chưa hề tìm ra được một mảnh vỡ nào từ máy bay. Tại sao họ có thể chắc chắn 100% khi không có bằng chứng nào cả?”

Trước đó, Mỹ đã đưa thiết bị dò tìm hộp đen dưới đáy biển tới Úc. Nhưng John Kirby, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ, giải thích đó là Mỹ chỉ muốn đề phòng trong trường hợp tìm thấy mảnh vỡ máy bay thật sự ở đây. Vì thời gian 30 ngày hộp đen có thể phát tín hiệu đã sắp cạn. Ông nói rằng vẫn chưa phát hiện được khu vực có nhiều mảnh vỡ, và chưa có gì để xác định máy bay đang nằm ở đâu.

Như vậy có tới 2 thiết bị dò tìm hộp đen đã được đưa tới khu vực này. Ngày 24-3, tàu hậu cần Ocean Shield của Hải quân Úc đã bắt đầu hướng về khu vực tìm kiếm và có thể tới nơi trong 3 hay 4 ngày. Trên tàu có trang bị một thiết bị dò âm để dò tìm tín hiệu phát từ hộp đen máy bay. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ cũng đã gửi một thiết bị dò tìm hộp đen tới đó. Thiết bị này được kéo đằng sau một con tàu chạy tốc độ chậm và có thể nghe được tín hiệu của hộp đen từ độ sâu tới 21.000 feet (6.100 mét).

“Dữ liệu vệ tinh mới” mà Thủ tướng Malaysia nói là kết quả phân tích mà Inmarsat, một công ty Anh chuyên điều hành các vệ tinh liên lạc, chuyển cho Kuala Lumpur ngày 23-3. Inmarsat đã phối hợp với các nhà điều tra tai nạn máy bay Anh sử dụng phương pháp và thuật toán riêng của mình để phân tích các dữ liệu mà các vệ tinh nhận được từ hệ thống liên lạc tự động của MH370 rồi vẽ lên một bản đồ cho thấy lộ trình của chuyến bay và nơi nó có thể “kết thúc”. Địa điểm họ tìm ra là khu vực nam Ấn Độ Dương mà lâu nay Úc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand đang càn qua quét lại.

Nếu quả thật máy bay đã chìm xuống đáy đại dương ở khu vực này thì quả là quá gay. Đó không chỉ là nơi xa xôi hẻo lánh mà còn có độ sâu tới 7.000 mét (23.000 feet). Việc tìm ra xác máy bay và những chiếc hộp đen của nó có khi phải mất nhiều năm.

Công ty Inmarsat có lợi thế là hệ thống liên lạc tự động của MH370 đã gửi các tín hiệu liên lạc gọi là “ping” đều đặn mỗi giờ một lần lên một vệ tinh của Inmarsat cho dù lúc đó các hệ thống liên lạc chính thức của máy bay đã bị tắt (nhiều nguồn cho rằng do cố ý). Mặc dù các tín hiệu “ping” này không chứa thông tin về vị trí máy bay lúc phát đi, nhưng Inmarsat nói rằng mình có công nghệ riêng để biết được đường đi của máy bay từ những tín hiệu “ping” đó. Dựa vào những tín hiệu “ping” của chuyến bay MH370 gửi cho tới lần cuối cùng, tổng cộng là 7 lần ở 7 vị trí khác nhau, các nhà nghiên cứu cho rằng máy bay đã bay thêm khoảng 7 giờ sau khi mất tín hiệu trên radar quân sự. Sau đó máy bay có thể đã hết nhiên liệu. Về lý thuyết, điều này phù hợp với thông tin do hãng MAS đưa ra từ đầu là chuyến bay MH370 chở lượng nhiên liệu đủ bay khoảng 7 giờ 30 phút (hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh nếu bình thường mất 6g30ph). Nhưng nếu phải bay với độ cao thấp khác thường (mà không bị máy bay khác hay radar phát hiện), máy bay sẽ tiêu hao rất nhiều nhiên liệu.

Theo Thủ tướng Malaysia, Inmarsat đã kết luận rằng vị trí cuối cùng của MH370 là “giữa Ấn Độ Dương, nằm ở phía tây thành phố Perth (Úc).” Nhưng ông cũng nói thêm rằng tính toán của công ty Anh này “dùng một loại phân tích mà trước đây chưa từng được sử dụng trong một cuộc điều tra như thế này.” Có nghĩa là phương pháp phân tích của Inmarsat chưa hề được bảo chứng.

Trong khi đó, cho tới nay Malaysia chỉ có chính thức dữ liệu radar quân đội nước này xác định MH370 đã từ điểm mất liên lạc với không lưu ở biển Đông thay đổi đường bay, quay đầu bay ngang qua không phận Malaysia và mất tín hiệu ở vùng Eo biển Malacca, giữa 2 hành lang bay phía bắc tới Kazakhstan (ở Trung Á) và phía nam tới Ấn Độ Dương. Quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia, Hishammuddin Hussein cho biết: tất cả các nước nằm trong hành lang phía bắc là Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar, Lào, Kyrgyzstan và Kazakhstan đều khẳng định không phát hiện được tín hiệu nào về chuyến bay MH370. Như vậy mọi chuyện tập trung ở hành lang phía nam.

17M-Missing plane search MAP.jpg

Cho dù có tìm thấy những mảnh vỡ của chuyến bay MH370 mà chưa tìm được những chiếc hộp đen, người ta vẫn chưa thể biết được điều gì đã xảy ra cho máy bay này. Có quá nhiều nghi vấn: bị hư về máy móc hay điện, bị không tặc, phá hoại, khủng bố hay những vấn đề có liên quan tới sức khỏe tâm thần của các phi công hay ai khác trên máy bay.

Chuyến bay MH370 ngày 8-3-2014 là chuyến bay bí ẩn nhất. Và cuộc tìm kiếm số phận của nó là cuộc tìm kiếm máy bay mất tích lớn nhất và tốn kém nhất trong lịch sử hàng không thế giới. Tới nay đã có hơn 26 nước tự nguyện tham gia tìm kiếm. Báo The Verge (24-3) nhận xét: các nhà điều tra giờ đây dường như đã được thuyết phục về kết cục bi thảm của MH370, việc săn tìm những mảnh vỡ máy bay vẫn còn là ưu tiên số 1.

Có thể có những người cho rằng việc chính phủ Malaysia tối 24-3 chính thức kết luận là chuyến bay MH370 đã rơi xuống nam Ấn Độ Dương là vội vã và thiếu cơ sở rõ ràng. Nhưng 17 ngày đã trôi qua, hầu như các bộ máy tìm kiếm trên toàn cầu đã được huy động và làm tới nơi tới chốn, vậy mà chiếc Boeing 777-200ER to đùng (dài 63,7m, sải cánh 60,9m và đường kính thân 6,19m) vẫn bật vô âm tín, vượt qua cả “thập diện mai phục” hay tài nghệ của Ninja. Cho dù có lạc quan tới bao nhiêu, hy vọng cỡ nào, người ta cũng phải chấp nhận là máy bay chẳng thể cứ bay hoài, nên không thấy trên đất liền thì chỉ có thể là chìm dưới đáy đại dương. Vấn đề bây giờ chỉ là nó đang ở đâu và tại sao lại như vậy?

Sáng 25-3, khoảng 200 người nhà của các nạn nhân người Trung Quốc (có tới 152 công dân Trung Quốc, chiếm 2 phần 3 số hành khách) đã kéo biểu tình trước tòa đại sứ Malaysia tại Bắc Kinh. Họ yêu cầu: “Hãy trả người thân chúng tôi!”

Hãng MAS cho biết sẽ chi 5.000 USD cho mỗi gia đình nạn nhân để bay tới địa điểm tìm kiếm ở Úc nếu như tìm thấy mảnh vỡ máy bay ở đó. Chính phủ Úc đã đồng ý miễn lệ phí visa nhập cảnh cho họ.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 25-3-2014)

140322-australia-hmas-success-ap3c-orion-search-mh370-indianocean

-Tàu Hải quân Úc HMAS Success và máy bay trinh sát Không quân Úc AP-3C Orion đang tìm kiếm ở nam Ấn Độ Dương ngày 22-3-2014. (AP Photo/Rob Griffith, Pool)

140324-japan-p3c-orion-search-mh370

-Máy bay trinh sát P-3C Orion của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản chuẩn bị cất cánh từ căn cứ không quân Úc Pearce tham gia tìm kiếm ở nam Ấn Độ Dương ngày 24-3-2014. (AP Photo/Paul Kane, Pool)

140325-mh370-beijing-protest

Sáng 25-3-2014, hàng trăm thân nhân hành khách người Trung Quốc kéo biểu tình trước tòa đại sứ Malaysia ở Bắc Kinh để “đòi trả người thân”. (Ảnh: Reuters)

140325-b777-200er-malaysia airlines

Một chiếc Boeing 777-200ER của hàng MAS cùng loại với chiếc bị mất tích.