Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Người liệt dùng công nghệ người máy Iron Man để khai bóng World Cup Brazil

world-cup-2014-Iron Man-like robotic bodysuit-01

 

Thiệt là thú vị quá đi, Brazil không phải là một cường quốc công nghệ, nhưng vòng chung kết giải bóng đá thế giới World Cup 2014 sắp khai mạc ở đất nước Nam Mỹ này lại có nhiều ứng dụng công nghệ lý thú.

Chúng ta đã nói về công nghệ goal-line (đường ranh ghi bàn) được ứng dụng để giúp xác định chính xác bàn thắng hết còn bị nghi ngờ, tranh cãi, dẫn tới hậm hực mất vui. Nay là công nghệ người máy. Quả bóng Brazuca đầu tiên sẽ được đá khai mạc World Cup trên sân Sao Paulo ngày 12-6-2014 bởi một người liệt 2 chân mặc một bộ đồ người máy giống như nhân vật Iron Man trong loạt phim Hollywood cùng tên.

Tiến sĩ Miguel Nicolelis, người Brazil đã lãnh đạo một nhóm gồm 156 nhà khoa học trên khắp thế giới sáng tạo ra “bộ xương ngoài tương lai học” (futuristic exoskeleton) vốn được thiết kế để giúp những người bị liệt 2 chân có thể đi lại.

world-cup-2014-Iron Man-like robotic bodysuit-04

Tiến sĩ Miguel Nicolelis

Trong sự kiện khai mạc World Cup đó, một người bị liệt 2 chân (được giữ bí mật danh tính cho tới nay) sẽ rời khỏi xe lăn bước lên sân cỏ trong bộ đồ người máy này và phát quả bóng đầu tiên bằng cách dùng những tín hiệu từ não mình điều khiển chân người máy.

Các mạch điện tử nơi “chân” người máy sẽ gửi một tín hiệu trở lại bộ não người điều khiển thông qua lớp da nhân tạo bao bọc cánh tay, truyền cho người đó cái cảm giác cử động và đụng chạm.

Tiến sĩ Nicolelis, nhà khoa học thần kinh của Đại học Duke (Mỹ), cho biết: “Đây là lần đầu tiên một bộ xương ngoài như vậy được điều khiển bởi hoạt động của não và được phản hồi lại cho người bệnh đang sử dụng nó. Việc trình diễn tại một sân vận động rất khác lề thói thông thường của chúng tôi trong ngành người máy. Nó chưa bao giờ được thực hiện trước đây.”

Bộ đồ người máy này là kết quả của 30 năm nghiên cứu miệt mài, hơn 200 bài báo khoa học và vô số những thử nghiệm lâm sàng mà tiến sĩ Nicolelis và các cộng sự thực hiện. Ông đã bắt đầu con đường này từ năm 1984 khi viết luận án tiến sĩ về các kết nối thần kinh trong điều khiển cơ bắp.

Ý tưởng về bộ đồ người máy đến với tiến sĩ Nicolelis vào năm 2002 khi các nhà khoa học chỉ mới bắt đầu khảo sát về những bộ xương ngoài người máy. Ông kể: “Hồi năm 2009, sau khi Brazil giành được quyền đăng cai World Cup 2014, họ đã hỏi tôi có những ý tưởng gì để giúp trình diễn Brazil trong một cách khác hẳn với cách thế giới thường nhìn thấy họ. Lúc đó tôi nghĩ rằng nên làm một màn trình diễn khoa học để cho mọi người biết rằng Brazil là nơi đáng để đầu tư và có tiềm lực con người để làm những điều khác hơn là bóng đá.”

Từ tháng 3-2014, tiến sĩ Nicolelis và một nhóm khoảng 40 người đã rời phòng thí nghiệm tới Sao Paulo, thành phố lớn nhất và trung tâm kinh tế của Brazil, để chuẩn bị những bước cuối cùng. Ngày 24-4, một người bị liệt đã bước những bước đầu tiên trong bộ xương ngoài này.

Họ đã đặt tên cho bộ đồ người máy này là BRA-Santos Dumont, gồm 3 ký tự mã thể thao của Brazil và tên của Alberto Santos-Dumont, một phi công kiêm nhà phát minh từng trình diễn một chuyến bay trên chiếc khí cầu có thể điều khiển của mình vòng quanh Tháp Eiffel hồi tháng 10-1901.

Chính quyền Brazil đã cấp cho đội nghiên cứu của tiến sĩ Nicolelis 14 triệu USD trong 2 năm qua. Số tiền này ít hơn 4 tới 5 lần so với khoản ngân sách mà chính phủ Mỹ đầu tư cho việc phát triển một cánh tay máy.

Ngày 12-6 này, hơn 65.000 khán giả trên sân Corinthians Arena của Sao Paulo và cả tỷ người trên khắp hành tinh qua màn hình TV sẽ được chứng kiến một sự ứng dụng tuyệt vời của khoa học kỹ thuật của con người để phục vụ con người trước khi thưởng thức trận đấu khai mạc giữa hai đội tuyển Brazil và Croatia.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 10-6-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

world-cup-2014-Iron Man-like robotic bodysuit-03 world-cup-2014-Iron Man-like robotic bodysuit-02